• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch Kiên Giang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Du lịch 04/08/2020 18:34

(Tổ Quốc) - Du lịch Kiên Giang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; T.P Hồ Chí Minh: 35.000 chương trình du lịch bị hủy vì COVID-19;

Du lịch Kiên Giang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Sau khi sau khi xóa bỏ giãn cách xã hội, mọi hoạt động trở lại bình thường, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức việc kích cầu du lịch bằng cách giảm giá tour, tuyến, giá phòng... nên khách du lịch nội địa đến với Kiên Giang khá đông.

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, trong tháng 7/2020, Kiên Giang đón gần 1 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, tăng 75,3% so tháng trước, trong đó có gần 3.150 lượt khách quốc tế là khách các nước Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… còn đang lưu trú tại các tỉnh, thành ở Việt Nam trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Từ đầu năm đến nay, Kiên Giang đón 3,42 triệu lượt khách, đạt 36,6% kế hoạch, giảm 37% so với cùng kỳ. Du khách đến Kiên Giang trong tháng 7 phần lớn là tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng ở đảo Phú Quốc với trên 706.000 lượt người. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Phú Quốc đón hơn 2,24 triệu lượt người, đạt 40,7% kế hoạch, giảm 25,4% so cùng kỳ.

Du lịch Kiên Giang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Đảo Hòn Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) - Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Đầu tư

Ngành Du lịch Kiên Giang đã triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, cùng với các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm trong nước bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là mùa du lịch hè nên thu hút khách du lịch đến Kiên Giang, nhất là trở lại đảo ngọc Phú Quốc. Tiếp đến, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi đối với khách du lịch. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng và diễn biến dịch bệnh trong thời gian gần đây, ngành Du lịch Kiên Giang đang tái diễn những khó khăn.

Theo Giám đốc Sở Du lich Kiên Giang, để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, song song với việc giữ nhịp cho ngành du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang cùng với Hiệp hội Du lịch kiến nghị xử lý những khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành khi phải thực hiện việc hủy tour, hủy tuyến; vận động các doanh nghiệp lữ hành không đưa khách từ những tỉnh có ca bệnh đến Kiên Giang; tăng cường thanh, kiểm tra để những cơ sở còn khách lưu trú thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo quy định, giữ gìn vệ sinh, môi trường tại các điểm du lịch...

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai các phương án kích cầu du lịch nội địa kết hợp với thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe an toàn cho du khách đến Kiên Giang. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch với các nội dung như: Chương trình kích cầu du lịch, truyền thông, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong vùng và trong cả nước, xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ…

Tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội của Trung ương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi ngành Du lịch sau dịch COVID-19. Tỉnh đẩy mạnh phục hồi nhanh phát triển du lịch đảo ngọc Phú Quốc để thu hút du khách, tạo sức lan tỏa đến các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh như: Hà Tiên, Rạch Giá, Kiên Hải, Hòn Đất, Kiên Lương, U Minh Thượng… Ngoài tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng du lịch trọng điểm, Sở Du lịch Kiên Giang nghiên cứu phát triển tứ giác du lịch Hà Tiên - Phú Quốc - Nam Du - Rạch Giá, hình thành tuyến du lịch biển Tây phục vụ du khách.

T.P Hồ Chí Minh: 35.000 chương trình du lịch bị hủy vì COVID-19

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch lớn TP Hồ Chí Minh đã bị huỷ.

Điều này đang khiến các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn do áp lực phải hoàn tiền cho du khách, trong khi đa số các dịch vụ đã thanh toán trước cho các đơn vị cung ứng tại điểm đến và ngành hàng không.

Đây là thời điểm rất khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh, bởi TP Hồ Chí Minh là địa phương có lượng doanh nghiệp lữ hành lớn nhất cả nước. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở Du lịch, Hiệp hội các tỉnh thành trên cả nước về việc liên kết hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh trong đàm phán huỷ, hoãn tour giai đoạn dịch COVID-19.

Theo đó, doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh mong muốn các tỉnh, thành phố khác trên cả nước phát huy sự liên kết, hợp tác giữa du lịch TP Hồ Chí Minh và các địa phương để giúp doanh nghiệp lữ hành nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, Hiệp hội cũng mong muốn khách hàng chia sẻ và đồng cảm với ngành du lịch bằng việc có thể không hủy tour hàng loạt mà nên chọn phương án dời tour sang một thời điểm thích hợp hoặc chấp nhận bồi thường hoàn tour theo khả năng của doanh nghiệp...thay vì cứ đòi hoàn tiền 100%.

Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí minh cần hỗ trợ hoàn tiền hủy tour

Theo báo Pháp luật TP, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP. HCM vừa kí công văn gửi Tổng Cục Du lịch đề nghị có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lữ hành trong đàm phán hủy, hoãn tour giai đoạn dịch Covid-19 tái phát.

Nội dung công văn cho biết tình hình dịch Covid-19 tái phát gây ra những tổn thất hết sức nặng nề cho nền kinh tế cả nước, nhất là ngành du lịch. Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh đã dẫn đến tâm lý lo lắng cho sự an toàn về sức khỏe và tính mạng, người dân không thể đi du lịch trong thời gian này. Vì vậy, việc hủy tour và hoãn lại các chuyến đi du lịch trong lúc này là quyết định cần được chấp nhận vì sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch TP đã ghi nhận phản ánh của DN về tình hình hủy tour không chỉ riêng các địa phương có dịch bệnh mà cả những điểm đến là các địa phương chưa có dịch. Khi hủy tour, đa số khách yêu cầu các công ty lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một số khách đồng ý hoãn chuyến đi vào thời gian thích hợp.

Các công ty lữ hành phải chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng lại không được hoàn trả các khoản ứng trước, đặt cọc. Hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho các nhà cung cấp như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… và đặc biệt là các hãng hàng không.

Trước khó khăn của DN, Hiệp hội du lịch TP kiến nghị Tổng cục Du lịch Việt Nam làm việc với lãnh đạo các tỉnh thành; lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Sở Du lịch và các sở, ngành có liên quan trên cả nước cần hỗ trợ tối đa cho DN, tạo điều kiện cho DN thanh toán với khách hàng.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ