(Tổ Quốc)- TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam nhận định, du lịch mạo hiểm là một thế mạnh của Việt Nam. Nếu quản lý và khai thác tốt, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia mạnh về du lịch mạo hiểm trong khu vực.
- 24.02.2017 Vụ du khách tử nạn tại Hang Cọp: Hướng dẫn viên chưa được cấp thẻ
- 24.02.2017 Vụ tai nạn tại Thác Hang Cọp: Tổng cục Du lịch đề nghị Lâm Đồng điều tra, báo cáo trước 26/2
- 24.02.2017 Bộ VHTTDL đề nghị Lâm Đồng khẩn trương điều tra vụ du khách tử nạn tại Hang Cọp
- 27.02.2017 Sẽ đề xuất ban hành Thông tư về quản lý du lịch mạo hiểm
Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch được ưa chuộng trên thế giới và có tốc độ phát triển rất nhanh, bởi nó mang lại lợi nhuận rất lớn cho những người làm du lịch và đặc biệt là cho cả điểm du lịch đó. Nhiều chuyên gia du lịch nhận định, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm, tuy nhiên, việc phát triển loại hình này tại Việt Nam hiện quá “nóng" và đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Một số vụ tai nạn liên quan đến du lịch mạo hiểm thời gian qua như tại thác Datanla (Lâm Đồng) và Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) và mới đây là vụ tai nạn đáng tiếc tại thác Hang Cọp (Lâm Đồng), một lần nữa đặt ra vấn đề: làm sao để vừa quản lý tốt, đảm bảo an toàn cho du khách, vừa thúc đẩy phát triển loại hình du lịch giàu tiềm năng này?
Xung quanh vấn đề này, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ VHTTDL):
-Thưa ông, nhiều chuyên gia du lịch nhận định rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến du lịch mạo hiểm. Theo ông, để xảy ra những vụ việc này, nguyên nhân là do đâu?
+ Việt Nam có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch mạo hiểm. Đây là loại hình du lịch mới và Việt Nam chưa có các quy định rõ ràng về hoạt động du lịch mạo hiểm, mới chỉ có các quy định về thể thao mạo hiểm. Cùng với trào lưu du lịch tự do, tại nhiều điểm du lịch mạo hiểm, du khách đi tự phát, không có tổ chức, không tuân thủ chặt chẽ các quy định khi đi du lịch mạo hiểm. Cho nên, khi khách không coi trọng chính mình, không sử dụng biện pháp bảo vệ mình khi đi tham gia chương trình mạo hiểm thì sẽ dẫn đến nguy cơ bị tai nạn.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Ảnh: Chinhphu) |
Trong các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra thời gian qua như tại Fansipan (Lào Cai) hay thác Hang Cọp (Lâm Đồng), du khách đều đi tự phát hoặc không tuân thủ quy định. Ở đây, đặt ra vấn đề là: trong cả hai trường hợp, rõ ràng cơ quan quản lý địa phương đã không có các biện pháp để quản lý chặt chẽ 2 điểm đến này. Vì vậy, đã đến lúc, các địa phương cần phải tổ chức khảo sát để quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm, những nơi có tiềm năng phát triển cho du lịch mạo hiểm đang được du khách hướng tới.
Chính quyền địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tiễn để ban hành các quy định cho các khu điểm du lịch mạo hiểm cho du khách. Ngoài ra, những đơn vị kinh doanh về du lịch mạo hiểm cần hướng dẫn khách tuân thủ về các quy định an toàn khi tham gia du lịch mạo hiểm.
Nếu như chúng ta có thể nâng cao nhận thức cho du khách, người dân khi tham gia vào hoạt động du lịch mạo hiểm, đồng thời cơ quan quản lý thực hiện quản lý chặt chẽ thì chắc chắn loại hình du lịch mạo hiểm hoàn toàn có thể phát triển tốt.
Du lịch mạo hiểm là lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam, không nên vì những tai nạn vừa qua mà chúng ta lại hạn chế, không cho phép phát triển loại hình này. Nếu chúng ta khai thác tốt, với địa hình của Việt Nam từ miền núi tới đồng bằng ven biển hải đảo như thế này, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia mạnh về du lịch mạo hiểm trong khu vực.
-Như ông nhận định, du lịch mạo hiểm hoàn toàn có thể trở thành thế mạnh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần phải quản lý loại hình du lịch đặc biệt này như thế nào để phát huy được thế mạnh này?
+Cách đây 16 năm, vào năm 2001, một chương trình thể thao mạo hiểm do một tập đoàn ở Pháp tổ chức cho gần 1 nghìn du khách tham gia tại Việt Nam. Lúc đó, chương trình đã đi qua 9 tỉnh thành phố với những điều kiện hết sức khó khăn, nhưng chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã tích cực tham gia và đã tổ chức khá thành công chương trình này. Chương trình du lịch mạo hiểm này đã góp phần quảng bá điểm đến Việt Nam rất tốt. Phải nói rằng, gần 20 chục năm trước, các đối tác lữ hành nước ngoài đã phát hiện ra Việt Nam là nơi có tiềm năng tuyệt vời cho phát triển du lịch mạo hiểm.
Đáng tiếc là từ đó đến nay, Việt Nam chưa thúc đẩy được tiềm năng, thế mạnh này. Vụ tai nạn vừa rồi đặt ra không chỉ vấn đề về quản lý du lịch mạo hiểm mà cần phải nghĩ đến việc làm sao để thúc đẩy phát triển loại hình này. Cần phải thúc đẩy như thế nào để chúng ta vừa quản lý, vừa phát triển, vừa đảm bảo an toàn cho du khách và du khách ấn tượng với các điểm đến du lịch mạo hiểm của Việt Nam? Bởi vì rõ ràng, với tiềm năng kể cả về thiên nhiên văn hóa, Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch mạo hiểm.
-Vậy theo ông, chúng ta cần phải chuẩn bị những vấn đề gì để có thể phát huy thế mạnh về du lịch mạo hiểm?
+Một là chúng ta cần phải xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chung về phát triển du lịch mạo hiểm trên toàn quốc. Thứ hai là chính quyền địa phương, nơi có tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm, cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm, đồng thời ban hành các quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ trong du lịch mạo hiểm, kể cả những quy định dành cho du khách khi tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm này.
Ngoài ra, cần ban hành những hướng dẫn để du khách nhận thức đúng khi tham gia vào loại hình du lịch mạo hiểm; tuân thủ các quy định khi thực hiện các loại hình du lịch mạo hiểm tại điểm đến.
-Trên thực tế, tại Việt Nam vẫn có nhiều đơn vị lữ hành tổ chức tốt các tour, tuyến về du lịch mạo hiểm và không để xảy ra tai nạn nào đáng tiếc. Vậy, theo ông, yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn cho du khách khi tổ chức hoặc tham gia vào hoạt động du lịch mạo hiểm là gì?
+ Tôi có lời khuyên dành cho những du khách đam mê du lịch mạo hiểm. Đó là, bản thân mỗi du khách hãy là khách du lịch thông minh, nên lựa chọn đi theo các công ty lữ hành có uy tín chuyên tổ chức về du lịch mạo hiểm. Vì các công ty này thường có các quy định chặt chẽ về việc tổ chức tour du lịch mạo hiểm, từ việc du khách phải tuân thủ những quy định như thế nào về an toàn, từ trang phục, phương tiện hỗ trợ, cho đến việc hướng dẫn du khách xử lý như thế nào khi xảy ra vấn đề mất an toàn ở điểm đến, hoặc là cảnh báo những khu vực mạo hiểm không được đến…. Rõ ràng đã có những công ty lữ hành chuyên về du lịch mạo hiểm rất chuyên nghiệp và thành công và không để xảy ra sự cố đáng tiếc.
- Xin cảm ơn ông!
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Sẽ trình Thông tư về quản lý Du lịch mạo hiểm trong quý 2:
Những hoạt động du lịch trái phép để xảy ra các vụ tai nạn thương tâm như tại Lâm Đồng thời gian vừa qua và một số vụ việc khác trước đó cho thấy rằng, loại hình du lịch mạo hiểm nếu không được quản lý chặt chẽ thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn. Những vụ việc đó không chỉ thiệt hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch mà còn làm tổn thương đến hình ảnh và uy tín của du lịch Việt Nam. Cho nên, việc quản lý Nhà nước về du lịch mạo hiểm cần phải tăng cường. Trước hết, các địa phương cần tăng cường quản lý để chấn chỉnh các hoạt động này trên địa bàn. Nếu địa phương không vào cuộc thì các cơ quan quản lý du lịch của Trung ương không thể làm thay được. Về phía Trung ương, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ VHTTDL có những chỉ đạo đến các địa phương, các công ty lữ hành tuân thủ nghiêm túc các quy định về hoạt động này; khuyến cáo tới khách du lịch cần phải thực hiện các quy định đồng thời lựa chọn các điểm đến an toàn, các hoạt động du lịch mạo hiểm đảm bảo an toàn, lựa chọn những công ty có uy tín. Hiện nay, trên thực tế, chúng tôi đã tiến hành việc soạn thảo Thông tư quản lý về du lịch mạo hiểm để trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL). Đến thời điểm này Thông tư đã cơ bản hoàn thiện, chúng tôi sẽ trình lên Bộ VHTTDL trong Quý 2 của năm 2017
Ông Trần Hùng Việt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, Tổng Giám đốc Tổng công ty Saigontourist: Chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở ra nhiều loại hình du lịch là một việc cần thiết. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phải có những quy chế, quy định chặt chẽ để quản lý, đặc biệt là với loại hình du lịch mạo hiểm, để tránh tình trạng du lịch mạo hiểm phát triển tự phát, còn du khách nước ngoài và trong nước nghĩ rằng những loại hình du lịch được đưa ra như vậy đã được kiểm tra chặt chẽ rồi và để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy. Tôi cho rằng, khi xây dựng các quy định, chế tài để quản lý, chúng ta cần phải liệt kê ra các loại hình du lịch cụ thể, trong đó các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch trên sông, leo núi, lướt ván… Tất cả loại hình du lịch phục vụ khách, chúng ta phải đặt ra vấn đề làm sao để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách và phải có trách nhiệm với du khách. Theo tôi, phải kiểm soát tất cả các loại hình du lịch và phương tiện, ví dụ như đi trên sông chở khách quá số người quy định mà không có áo bảo hộ thì tôi cho rằng đó là vô trách nhiệm.