(Tổ Quốc) - Các điểm đến du lịch hàng đầu Nam Âu như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đang có những tín hiệu dần phục hồi, nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn trong tình hình hiện tại.
Hy Lạp - giống như các nền kinh tế khác trong khu vực đồng Euro phải phụ thuộc vào du lịch ở rìa Địa Trung Hải - đang chứng kiến những dấu hiệu phục hồi rất cần thiết về số lượng du khách vào năm 2022. Tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy, du lịch là một ngành sử dụng nhiều lao động và đóng góp rất lớn vào doanh thu của nhà nước.
Nhưng trên toàn châu lục này, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi bộ mặt của ngành du lịch. Các khách sạn đã phải vật lộn với hóa đơn nhiên liệu cao hơn cùng lạm phát gia tăng. Và trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang thì tình hình này có thể còn tệ hơn.
Sự xáo trộn thị trường lao động do COVID-19 gây ra cũng đã kéo theo tình trạng thiếu hụt lao động. Đồng thời, các quan chức du lịch Italy cũng phải thừa nhận rằng trong thời kỳ dịch bệnh, ngành du lịch- với trọng tâm là vệ sinh, sạch sẽ và không gian thông thoáng, giữ khoảng cách - là một thách thức lớn đối với cơ sở hạ tầng du lịch cũ kỹ của nước này.
Trong khi đó, một thị trường cho các kỳ nghỉ quy mô nhỏ, khiêm tốn hơn đang mở ra: tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Với tâm lý e ngại của nhiều du khách về việc di chuyển quá xa thì xu hướng di chuyển gần và lưu trú ở các vùng nông thôn trong các lều, trại, đang gia tăng. Và tại Hy Lạp, các quan chức chính phủ và đại diện du lịch nước này dự báo doanh thu cũng sẽ đạt 80-90% so với mức kỷ lục trong năm 2019, thời điểm nước này đón 33 triệu lượt khách du lịch và mang lại doanh thu 18 tỷ euro, trị giá 1/5 tổng sản phẩm quốc nội.
Tuy nhiên, một mùa du lịch bội thu vẫn khó có thể hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp du lịch Hy Lạp đang gặp khó khăn, vốn bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2018.
Hậu đại dịch, thêm khó khăn từ cuộc khủng hoảng Ukraine
Vấn đề nghiêm trọng là trong khi giá dầu, khí đốt và điện tăng vọt – điều khiến Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hy Lạp SETE, Yiannis Retsos, phải viết thư cho các bộ trưởng nước này vào tháng Giêng kêu gọi hỗ trợ tài chính, nói rằng rất khó khăn để các khách sạn trang trải chi phí của họ, đặc biệt là sau những tháng mùa đông yên tĩnh hơn.
Các quốc gia mắc nợ nhiều ở phía nam châu Âu cũng đang chuẩn bị cho việc Ngân hàng Trung ương châu Âu loại bỏ các biện pháp kích thích kinh tế, lâu nay đã hỗ trợ cho các khoản vay của họ.
Mặc dù cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn biến phức tạp, nhưng khu vực phía nam châu Âu vẫn rất cần ngành du lịch hoạt động trở lại để có thể đối phó với các hệ lụy kinh tế mà cuộc khủng hoảng này mang lại,
Phát biểu một ngày sau khi Nga phát động "chiến dịch đặc biệt", Chủ tịch Liên đoàn Du lịch Hy Lạp (SETE) Yiannis Retsos cho biết còn quá sớm để đánh giá tác động của nó đối với lĩnh vực du lịch.
Hơn một tuần leo thang căng thẳng, chưa có sự gia tăng đáng kể nào về số vụ hủy chuyến trong toàn khu vực.
Khách du lịch Nga chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong khu vực Nam Âu với 2% doanh thu ở Hy Lạp vào năm 2019 và khoảng 1% đặt phòng khách sạn hàng đêm ở Bồ Đào Nha. Thổ Nhĩ Kỳ - nằm ngoài Liên minh châu Âu - là một điểm đến phổ biến với khách Nga hơn.
Tuy nhiên, với việc giá khí đốt của châu Âu đang ở mức cao kỷ lục và có khả năng gia tăng lạm phát trên toàn cầu, mối lo ngại ở các quốc gia như Hy Lạp là tình hình chiến sự sẽ làm xấu thêm triển vọng tăng trưởng vốn đã ảm đạm, làm giảm khả năng chi tiêu của du khách và tăng chi phí của các nhà cung cấp dịch vụ.
Cần thêm sự hỗ trợ
Babbis Voulgaris, người đứng đầu hiệp hội các khách sạn Corfu, một hòn đảo thuộc Hy Lạp, cho biết ngay cả những khách sạn đóng cửa trong mùa đông cũng lo lắng rằng họ sẽ không thể gánh thêm gánh nặng, vì đã thỏa thuận giá cả với các công ty lữ hành vào mùa hè năm ngoái.
Chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng Diavatis, người cũng sở hữu một khách sạn mở cửa quanh năm và một khu phức hợp công viên nước trên hòn đảo này, nhất trí với quan điểm trên.
Ông nói: "Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng thực sự đối với chúng tôi. Tôi sẽ không nói nó tồi tệ hơn đại dịch bởi vì ít nhất chúng tôi còn được mở cửa. Nhưng vào thời điểm dịch bệnh chúng tôi không mất tiền còn bây giờ chúng tôi sắp sửa thiệt hại."
Chính phủ Hy Lạp đã chi hơn 42 tỷ euro cho các biện pháp hỗ trợ đại dịch kể từ năm 2020 để duy trì kinh doanh và hỗ trợ các hộ gia đình và khoảng 2 tỷ euro kể từ tháng 9 năm ngoái để trợ cấp hóa đơn điện đến hết tháng 3. Đối với các chủ khách sạn, sự hỗ trợ này không đủ.
Tại Italy, Marina Lalli, chủ tịch hiệp hội du lịch Federturismo, cho biết tại các vùng biển của nước này, việc đóng cửa và giá năng lượng tăng cao cũng đã buộc nhiều khách sạn phải đóng cửa.
Và trong khi Lalli hy vọng ngành du lịch có thể phục hồi về mốc doanh thu năm 2019 trong năm nay, Italy phải đối mặt với một vấn đề khác là phải đổi mới.
"Trong thời kỳ hậu COVID-19, khách du lịch thậm chí còn quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, họ muốn được phục vụ một cách sạch sẽ và muốn cảm thấy an toàn."