(Tổ Quốc) - Theo khảo sát, 45% số người trả lời lựa chọn tour 2-3 ngày. Đây là cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch theo nhóm gia đình 3 thế hệ.
- 09.01.2022 Độc đáo bonsai dừa hình con hổ với đủ sắc thái biểu cảm cho năm Nhâm Dần 2022 ở TP.HCM
- 09.01.2022 Cận cảnh công viên hơn 700 tỷ đồng sắp khánh thành ở Đà Nẵng
- 09.01.2022 Khám phá bên trong những ngôi nhà triệu đô trên 'Núi tỷ phú' của Aspen: Khu dân cư dành cho giới siêu giàu, Jeff Bezos cũng mua nhà cho bố mẹ tại đây
- 08.01.2022 Ông lớn InterContinental hợp tác đầu tư thêm 4 khách sạn hơn 2.700 phòng của Sun Group
- 07.01.2022 Quảng Bình giảm mức thu phí tại một số tuyến du lịch
Sáng 11/1, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) phối với hợp với Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức công bố kết quả khảo sát “Nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời COVID-19” theo hình thức trực tuyến.
Khảo sát được thực hiện từ ngày 1-20/12/2021 với 10.717 người trả lời.
Kết quả khảo sát cho thấy, gần 90% số người khảo sát cho biết muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, trong đó có đến 53,7% muốn đi du lịch ngay trong giai đoạn từ tháng 12/2021 tới các tháng đầu năm 2022, thể hiện rõ nhu cầu mạnh mẽ của người dân trong thời gian tới.
Tuy nhiên tiêu chí “an toàn dịch bệnh” là mối ưu tiên cao nhất của du khách khi lên các kế hoạch đi du lịch trong điều kiện bình thường mới, với 56% số người lựa chọn, nhiều hơn các tiêu chí về giá, điểm đến hay sản phẩm du lịch.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký TAB, số liệu của khảo sát chỉ rõ, du lịch ngắn ngày là xu hướng chính, chiếm khoảng khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2-3 ngày; 78% chọn đi theo nhóm gia đình (nhất là du khách Hà Nội – 59%) hoặc nhóm bạn bè. Từ số liệu trên, nhóm nghiên cứu cho rằng đây là cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch theo nhóm gia đình 3 thế hệ, nằm trong bán kính 3-4 tiếng chạy xe tính từ 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TPHCM.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng, xu hướng đi du lịch theo nhóm gia đình, một mình đã tăng lên, còn đi theo nhóm bạn bè hoặc theo tour có xu hướng giảm.
Xu hướng khách đi du lịch ngắn ngày được thể hiện qua 3 cuộc khảo sát của Ban IV và TAB (tháng 9/2020 là 3,9 ngày; tháng 3/2021 là 3,9 ngày; tháng 12/2021 là 4,1 ngày).
So với 2 cuộc khảo sát trước, lần khảo sát này có độ dài trung bình được khách lựa chọn dài hơn (4,1 ngày). Từ đó cho thấy, sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch lần thứ tư cao hơn so với các đợt bùng phát dịch lần trước, tuy vậy, khách du lịch Việt vẫn có tinh thần tương đối lạc quan, lựa chọn du lịch dài ngày hơn.
Khảo sát cũng cho thấy có sự phát triển mạnh nhu cầu của du khách trong việc sử dụng công nghệ số để tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ du lịch, trong đó có tới 75% số người được hỏi mong muốn các nền tảng số lĩnh vực du lịch tập trung vào việc cung cấp thông tin du lịch an toàn, 57% để đặt, mua và thanh toán dịch vụ du lịch và 51% để chăm sóc, phục vụ khách hàng.
Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều mối lo ngại của du khách cần được giải tỏa để yên tâm du lịch, trong đó, du khách lo ngại nhiều nhất là khi đi du lịch sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà (87%), nguy cơ bùng phát dịch trong khi đi du lịch (61%) và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%)./.