(Tổ Quốc) - Sáng 26/6/2019, tại Hà Nội Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp và đồng chủ trì cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức Ngày du lịch trực tuyến 2019 với chủ đề "Xu hướng tất yếu của Du lịch trực tuyến".
Khách du lịch quốc tế khám phá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long - Ảnh Minh Dũng
Ngày Du lịch trực tuyến 2019 đã thu hút hơn 600 đại biểu trong và ngoài nước, hơn 20 diễn giả từ các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, DN trong lĩnh vực du lịch, công nghệ và thông tin. Nhiều DN lớn như Agoda, Tik Tok, Vietjet Air, Traveloka, Napas… tham dự.
Các nội dung trao đổi tại Ngày du lịch trực tuyến gồm: Phiên 1: Sự bùng nổ du lịch trực tuyến; Phiên 2: Nắm bắt hành vi du khách online; Phiên 3: Các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến; Phiên 4: Nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến.
Trong khuôn khổ chương trình Ngày du lịch trực tuyến 2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến, song song với đó Hiệp hội Lữ hành VN cũng sẽ có ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty Tiktok.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa thế giới bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội đã thay đổi cơ bản khi ứng dụng công nghệ hiện đại. Các khái niệm như internet vạn vật, blockchain, big data, trí tuệ nhân tạo đã ngày càng được phổ biến trong đời sống xã hội Việt Nam.
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, gắn liền với các yếu tố xã hội, do vậy Du lịch sẽ là ngành ứng dụng nhanh chóng sự phát triển của công nghiệp 4.0, điển hình là phát triển du lịch trực tuyến. Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại, Du lịch trực tuyến đã từng bước thay thế hoạt động của nhiều khâu trong du lịch và khẳng định là xu thế tất yếu của ngành Du lịch.
Kết quả nghiên cứu cuối năm 2018 của Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) và Oxford Economic do Google tài trợ cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình tiếp cận Du lịch trực tuyến của 12 nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thấp nhất là Ấn Độ 34%, cao nhất là Nhật Bản 93%, Việt Nam là 66%. Châu Á Thái Bình Dương cũng là khu vực có tỷ lệ người dân lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến khá phổ biến, 80% các tour du lịch được tổ chức sử dụng các hoạt động trực tuyến.
Cũng theo kết quả nghiên cứu này, tỷ lệ tổ chức du lịch trực tuyến tăng cao đã khiến khách du lịch đặt tour truyền thống giảm mạnh, từ 82% năm 2015 còn 47% năm 2017.
Xây dựng một nền tảng kỹ thuật số các điểm đến sẽ tạo điều kiện đưa thông tin về điểm đến cho khách du lịch một cách nhanh chóng, đầy đủ và hấp dẫn, điều đó làm tăng nhanh lượng khách.
Việc đổi mới không ngừng dữ liệu về điểm đến, từ chất lượng thông tin, đa dạng dịch vụ sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, góp phần tăng trưởng khách. Việc phát triển du lịch trực tuyến sẽ trực tiếp góp phần tăng GDP của ngành du lịch và tăng thêm việc làm.
Theo Google và Temasek thì quy mô Du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.
Tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler- FIT) tăng mạnh cả trong inbound (đón khách vào Việt Nam) và outbound (đưa khách từ Việt Nam ra nước ngoài), tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch. Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của Việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á nên còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác./.