(Toquoc)-Khái niệm Du lịch trách nhiệm (Responsible Travel) không còn xa lạ tại Việt Nam. Song loại hình du lịch này mới chỉ hiện hữu tại một số ít địa phương, trong một nhóm nhỏ cộng đồng, doanh nghiệp và du khách.
(Toquoc)-Khái niệm Du lịch trách nhiệm (Responsible Travel) không còn xa lạ tại Việt Nam. Song loại hình du lịch này mới chỉ hiện hữu tại một số ít địa phương, trong một nhóm nhỏ cộng đồng, doanh nghiệp và du khách.
Du lịch trách nhiệm đang được cổ vũ mạnh mẽ để trở thành xu hướng du lịch mới của thế giới. Hằng năm, Tuần lễ Du lịch trách nhiệm được tổ chức định kỳ trên các web du lịch lớn nhất thế giới với các chủ đề thảo luận trực tuyến kéo dài 7 ngày.
Tại Việt Nam, du lịch trách nhiệm cũng đang được quảng bá và xây dựng dưới sự tài trợ tích cực của các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức phát triển Hà Lan, EU, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên vùng sông Mê Kông…
Một khảo sát mới đây của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) với du khách tại 5 điểm du lịch là Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Hạ Long và Huế cho thấy: 97% người được phỏng vấn sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một kỳ nghỉ có trách nhiệm với môi trường và mang lại lợi ích cho người nghèo. Trong đó, tính trung bình, mỗi khách quốc tế sẵn sàng góp thêm nhiều hơn 47USD nếu chuyến du lịch có thêm dịch vụ về du lịch trách nhiệm trong tour. Với khách Việt Nam, con số này là 27USD và không giới hạn nếu chuyến du lịch có nội dung chính là hoạt động từ thiện.
Tại các địa phương như Huế, Hội An, Đà Nẵng, các nhóm du lịch trách nhiệm bao gồm các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa liên kết với nhau để xây dựng chung một sản phẩm mang tính bền vững cao đã được hình thành. Nhiều tour du lịch sinh thái, văn hóa được ra đời và có sức hút lớn tại khu vực này, điển hình như các tour về làng rau Trà Quế ở Hội An, tour Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, tour đến các làng nghề và làng cổ tại Huế… Tuy nhiên, hình thức liên kết này chưa được nhân rộng ra các địa phương khác.
Ông Phạm Trung Lương – Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng nguyên nhân nằm ở công tác tuyên truyền, quảng bá thông điệp du lịch trách nhiệm tới người dân cũng như sự nhận thức của người làm quản lý du lịch địa phương và doanh nghiệp du lịch.
Theo ông Lương, tại nhiều điểm du lịch, trong khi địa phương có hiểu biết và nhận thức tốt về làm dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên thì khách tham quan lại có nhận thức chưa tốt về vấn đề này. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng cho kết quả khoảng 70% cộng đồng tham gia vào dịch vụ du lịch, nhưng lại có tới hơn 72% du khách không được phổ biến những quy tắc tác động đến môi trường tự nhiên, văn hóa - xã hội.
Điều ngược lại xảy ra tại các điểm du lịch mới vùng Tây Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La..., nơi thu hút khá đông các nhóm du lịch bụi và khách quốc tế hạng sang với lịch trình du lịch đặc biệt. Đây là đối tượng du khách có nhu cầu cao về tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa và hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng dân cư, ít có tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên và đóng góp nhiều vào cải thiện chất lượng sống của người dân địa phương.
Song sự gia tăng lượng khách tại vùng du lịch này lại tạo nhiều sự biến đổi tự phát không muốn lên cuộc sống sinh hoạt và văn hóa bản địa. Điển hình là việc “Kinh hóa” chợ tình vùng cao từ chợ tình Sa Pa, chợ tình Bắc Hà đến chợ tình Khau Vai cũng như nhiều phiên chợ của cộng đồng các dân tộc thiểu số khác.
Phùng Quang Anh – một điều hành tour – cho biết: “Kể từ khi Hà Giang tổ chức Lễ hội chợ tình Khau Vai với 4 ngày rộn ràng những món văn hóa tổng hợp thì chợ tình Khau Vai văn minh khi xưa cũng không còn. Khách đi Khau Vai có tỷ lệ quay trở lại rất thấp. Điều này đã từng xảy ra với chợ tình Sa Pa, Bắc Hà nhưng sự nóng ruột trong việc làm du lịch và nhận thức chưa cao về du lịch bền vững của địa phương đã khiến nhiều yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc khác liên tục bị phá vỡ”.
Đề án cấp chứng chỉ cho du lịch trách nhiệm của Tổng cục Du lịch hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu sâu để cho ra bộ tiêu chí hoàn chỉnh được cộng đồng doanh nghiệp du lịch chấp nhận được.
Một chuyên gia du lịch cho rằng: Bộ tiêu chí này không dễ dàng để hoàn thiện trước khi các doanh nghiệp du lịch, các nhà quản lý du lịch địa phương và cộng đồng dân cư, khách du lịch nhận thức được một cách đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong hoạt động du lịch và lợi ích bền vững được hưởng từ đó. Sẽ mất nhiều thời gian thuyết phục lẫn những quy định chặt chẽ để bắt buộc các doanh nghiệp phải tự loại bỏ những nguồn lợi lớn nhưng “ăn xổi” để đi vào hoạt động có trách nhiệm với nguồn lợi lâu dài hơn.
Đại diện Tổng cục Du lịch cũng khẳng định sự cần thiết phải sớm có chứng chỉ du lịch trách nhiệm trong chiến lược phát triển du lịch bền vững và cần phải tổ chức nhiều chuyên đề bàn thảo sâu hơn để đi đến thống nhất một tiêu chí hoàn chỉnh, có tính hiệu quả cao trước khi áp dụng rộng rãi. Các địa phương cũng phải lấy những tiêu chí đó như là kim chỉ nam cho việc quy hoạch và xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương./.
Khánh Hải