(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh nhu cầu du lịch xanh và bền vững ngày càng gia tăng, du lịch sinh thái nông nghiệp hay còn gọi du lịch trang trại nổi lên như một xu hướng phát triển mạnh mẽ. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân, cộng đồng địa phương mà còn thúc đẩy bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương.
Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái hay du lịch sinh thái nông nghiệp đang trở thành xu hướng mới trong lĩnh vực du lịch bền vững. Mô hình này kết hợp giữa trải nghiệm du lịch và sự kết nối với nền nông nghiệp, văn hóa địa phương. Du lịch sinh thái nông nghiệp đã và đang thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế tham gia khám phá... Việc tiếp tục phát triển mô hình du lịch này là một trong những bước đi quan trọng hướng tới một tương lai du lịch bền vững hơn, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.
Phát triển du lịch trang trại - Xu hướng cạnh tranh tất yếu
Chia sẻ mở đầu tọa đàm, TS Hồ Minh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường & Truyền thông quốc tế, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam đánh giá, phát triển du lịch trang trại, sinh thái gắn liền với nông nghiệp và nông thôn đang là xu hướng trên toàn cầu, hiện tại mô hình này đã phần nào giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch.
Theo ông Hồ Minh Sơn, hiện nay nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới đã dựa vào các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với khoa học công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch để thu hút khách du lịch. Đồng thời thông qua khách du lịch tiêu thụ và tăng doanh thu cho các sản phẩm nông nghiệp.
Dẫn chứng từ thực tế, nhiều mô hình khai thác du lịch gắn liền với sinh thái nông nghiệp của các nước như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã rất thành công, đem lại giá trị gia tăng cao cho cả du lịch và nông nghiệp.
Đối với Việt Nam, ông Sơn cũng cho rằng, du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển.
"Với gần 65,6% dân số hiện sống ở khu vực nông thôn, cùng với lợi thế cảnh quan tươi đẹp, yên bình, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Đặc biệt trong những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước đang có xu hướng chọn các vùng nông thôn là điểm đến để trải nghiệm", ông Hồ Minh Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ThS.LS Đặng Thị Ngọc Hạnh – Trưởng Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế nhìn nhận, khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, gắn với bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời của Việt Nam, đây là yếu tố đầu vào quan trọng hình thành nên điểm đến và sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, bà Ngọc Hạnh cũng cho rằng trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, hoạt động sản xuất khó đạt được giá trị gia tăng cao, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong đó phát triển du lịch gắn với sinh thái nông nghiệp là một hướng đi tất yếu, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn.
Tại Việt Nam, du lịch sinh thái nông nghiệp đang ngày càng phát triển, đặc biệt là ở những vùng nông thôn có tài nguyên thiên nhiên phong phú và văn hóa đặc sắc. Các tỉnh như Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Nai, và những vùng Tây Bắc đã triển khai nhiều mô hình du lịch trang trại kết hợp với sản xuất nông sản đặc trưng như chè, cà phê, dâu tây, hay hoa quả nhiệt đới.
Các địa phương cũng đã có những chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giúp người dân tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trong đó, một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã thu hút lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá, trải nghiệm như: Mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim (Trà Vinh) tận dụng cảnh quan và không gian sông nước miệt vườn nguyên sơ để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn....
Cần cơ chế, chính sách mang tính đột phá
Chia sẻ tại tọa đàm, GS.TS Bùi Quang Hải - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL nhìn nhận, phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp là một hướng đi tiềm năng cho việc nâng cao giá trị kinh tế và bảo tồn những giá trị văn hóa nông thôn, chính vì thế cần được đầu tư phát triển rộng rãi. Song công tác phát triển loại hình du lịch này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với tiềm năng lợi thế, đặc trưng của nhiều địa phương.
Theo GS.TS Bùi Quang Hải, thực trạng hiện nay về công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nhiều địa phương vẫn chưa hoàn chỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật riêng, hoặc các giải pháp ưu tiên thúc đẩy phát triển loại hình du lịch nông nghiệp chưa được ban hành cụ thể, từ đó dẫn đến mô hình du lịch này còn tự phát, manh mún...phần lớn dịch vụ do các hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp ở mức độ đơn giản, chất lượng dịch vụ không đồng đều, nguồn khách không ổn định, nhiều còn nơi phát triển tự phát.
"Để mô hình du lịch này phát triển, thời gian tới các địa phương cần rà soát, đánh giá các giá trị tài nguyên, thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch nông thôn đặc trưng; có chính sách sử dụng quỹ đất, đầu tư hạ tầng, quản lý du lịch nông thôn trên cơ sở phù hợp quy hoạch vùng, địa phương, bảo đảm liên kết, kết nối các điểm đến theo hướng liên tỉnh, liên vùng", GS.TS Bùi Quang Hải chia sẻ.
ThS.LS Đặng Thị Ngọc Hạnh – Trưởng Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng chỉ ra rằng, hoạt động du lịch nông nghiệp chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp. Nhưng yêu cầu của hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp là phải có các công trình phụ trợ, như: đường đi, bãi đậu xe, bếp ăn, nhà vệ sinh, khu trưng bày, trạm dừng nghỉ... Đây chính là nút thắt lớn nhất trong quá trình vận hành và phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Phúc (Bình Phước) cũng nêu vấn đề về việc các chủ nông trại rộng lớn muốn làm du lịch đang vướng mắc nhiều về các thủ tục đất đai.
Theo vị đại diện này, Công ty cổ phần Vĩnh Phúc sở hữu quỹ đất 05ha, có nhiều công trình như vườn hoa, cột cờ cầu, nhưng nếu muốn làm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời cũng phải thông qua việc đấu giá đất, điều này gây khó và ngoài nguồn lực của doanh nghiệp.
Để mô hình du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả, tại tọa đàm ThS.LS Đặng Thị Ngọc Hạnh bày tỏ mong muốn các cơ quan, ban ngành cần có sự quan tâm, nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù về những vấn đề pháp lý như quy hoạch đất đai, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường, quyền lợi của các bên liên quan và đảm bảo an toàn cho du khách. Việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đồng thời cung cấp hỗ trợ từ nhà nước, sẽ giúp du lịch nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, để khuyến khích các mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, ngoài kết hợp giữa du lịch và sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn; cần có cơ chế để tận dụng nguồn lực sẵn có của địa phương, bảo tồn văn hóa và môi trường, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề… gắn liền với thiên nhiên, bảo vệ môi trường…; cùng với cải thiện về cơ sở hạ tầng khác, như: đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước…; hay, các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, và đào tạo nguồn nhân lực.../.