• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch văn hóa: Cân bằng lợi ích bảo tồn di sản và khai thác

Du lịch 01/09/2021 15:06

(Tổ Quốc)- Văn hóa là một trong những tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất; là một loại "nguyên liệu" để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù…

Hiện cả nước có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trong đó có 8 di tích và thắng cảnh đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới là: Khu di tích cố đô Huế (1993), Khu thắng cảnh Hạ Long (1994,2000), Khu thánh địa Mỹ Sơn (1999), Khu phố cổ Hội An (1999), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành Nhà Hồ (2012) và Khu danh thắng Tràng An (2014). Đã có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.486 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố.

Trong lĩnh vực phi vật thể, cả nước có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành phố được kiểm kê, khẳng định sự đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học. Trong đó, có 301 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Du lịch văn hóa: Cân bằng lợi ích bảo tồn di sản và khai thác  - Ảnh 1.

Ở Thừa Thiên – Huế, địa phương này đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật phục vụ khách tham quan du lịch trong không gian của khu di sản văn hóa thế giới (ảnh: Lê Chung)

Những năm qua, việc tăng cường bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống từ đó đó tạo cơ hội cho việc phát triển du lịch đã được nhiều địa phương chú trọng và cho hiệu quả cao. Đơn cử như Thủ đô Hà Nội, ngành du lịch xác định mục tiêu hướng đến là du lịch văn hóa, sản phẩm chủ yếu xây dựng dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực. Dồn lực cho những điểm đến này, Hà Nội đã thu hút được nhiều du khách tới các điểm di tích nổi tiếng như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (hơn 1,5 triệu lượt khách năm 2019), đền Ngọc Sơn (gần 1,2 triệu), Văn Miếu - Quốc Tử Giám (gần 400 nghìn), di tích nhà tù Hỏa Lò (hơn 450 nghìn)… Hay như ở Thừa Thiên – Huế, địa phương này đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật phục vụ khách tham quan du lịch trong không gian của khu di sản văn hóa thế giới. Các loại hình di sản phi vật thể như Ca Huế, Nhã nhạc cung đình Huế cũng được đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch...

Không riêng gì Hà Nội hay Thừa Thiên Huế, du lịch văn hóa đã trở thành loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững và là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam. Qua việc gắn di sản với hoạt động kinh tế du lịch đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Ủng hộ phương thức này, PGS.TS Dương Văn Sáu- Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khẳng định trên VOV.vn: "Hoạt động này nhằm tận dụng và phát huy tốt nhất các sức mạnh nội và ngoại lực của các di sản văn hóa; đem lại những lợi ích khác nhau cho các đối tượng công chúng trong vai trò của du khách tham gia hoạt động trong môi trường di sản, cũng như cho cộng đồng và tổ chức quản lý di sản. Khi đó, di sản thực sự trở thành tài sản theo đúng nghĩa của từ này".

Theo ông Dương Văn Sáu, những lợi ích thu được từ các hoạt động du lịch sẽ chi phối trở lại các hoạt động của di sản, tạo điều kiện cho di sản tồn tại và phát triển bền vững; nhân đó mà tài sản văn hóa được tăng thêm không ngừng, mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng cư dân– chủ nhân của các di sản văn hóa.

"Trong kinh tế du lịch, văn hóa là một trong những tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất; là một loại "nguyên liệu" để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù", ông Dương Văn Sáu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cần hướng tới việc giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa, môi trường sinh thái. Việc trao quyền kinh doanh khai thác di tích, di sản đạt kết quả tốt hay xấu luôn phụ thuộc nhiều yếu tố, như: lựa chọn doanh nghiệp để trao quyền; cách tổ chức hoạt động khai thác kinh doanh; sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước...

Chính vì vậy, ông Dương Văn Sáu khuyến cáo cần phải cân bằng lợi ích, phải có sự tái tạo, duy tu, có quỹ phòng chống rủi ro, khủng hoảng; quỹ hỗ trợ di sản theo tỷ lệ phần trăm từ nguồn thu du lịch. Người dân phải được hưởng lợi, để họ có nguồn lực bảo tồn di sản đó.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, từ kết quả trong việc bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa, du lịch ở Thừa Thiên - Huế hay quần thể danh thắng Tràng An cho thấy nếu có quan niệm, định hướng đúng đắn kết hợp với tổ chức, quản lý, khai thác tốt, di sản văn hóa hoàn toàn có thể trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội ở một địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Thái Bình (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ