• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch Việt Nam đối mặt với những điểm nghẽn nào?

Thời sự 08/07/2018 14:05

(Tổ Quốc)-Nhân dịp 58 năm Du lịch Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có bài viết về “Hành trình và mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Theo đó, bài viết đã trích thông tin: Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2017, du lịch Việt Nam xếp hạng 67 trên 136 nền kinh tế, sau Singapore (hạng 13), Malaysia (hạng 26), Thái Lan (hạng 34), Indonesia (hạng 42); xếp trên Philippines (hạng 79), Lào (hạng 94), Campuchia (hạng 101).

Việt Nam còn xếp hạng thấp về mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh (hạng 116), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), chi tiêu Chính phủ cho ngành Du lịch (hạng 114), mức độ toàn diện của các dữ liệu liên quan đến du lịch (hạng 116) và chiến lược thương hiệu quốc gia (hạng 107).

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, hiện nay còn có nhiều điểm nghẽn hạn chế sự phát triển du lịch, nhất là về chính sách thị thực nhập cảnh, hạ tầng sân bay đường bộ và đường hàng không, công tác xúc tiến quảng bá, quản lý điểm đến.

Việt Nam đặt mục tiêu đạt 16 triệu lượt khách quốc tế năm 2018. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

“Bản thân ngành Du lịch còn có những yếu kém, nhất là tình trạng kinh doanh du lịch chui, hướng dẫn viên du lịch trái phép, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiêu chuẩn dịch vụ chưa đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, kiểm soát chất lượng chưa hiệu quả”- Bài viết nêu.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 08 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra các mục tiêu đối với ngành Du lịch: đến năm 2020 đón 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ đô-la Mỹ, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ đô-la Mỹ.

Hai là, góp phần giải quyết các vấn đề lớn về việc làm và văn hóa-xã hội, đến năm 2020 tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp, góp phần thực hiện các mục tiêu khác về văn hóa, đối ngoại…

Ba là, lan tỏa, thúc đẩy sư phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác.

Nghị quyết cũng chỉ rõ 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới với nhiều nội dung vừa mang tính chỉ đạo định hướng, vừa mang tính tháo gỡ vướng mắc tồn tại từ nhiều năm để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, bao gồm: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước./.

Thái Tùng (T/h) 

NỔI BẬT TRANG CHỦ