• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch Việt Nam năm 2024: Khám phá thiên nhiên qua các sáng kiến dựa vào cộng đồng

Du lịch 04/03/2024 17:04

(Tổ Quốc) - Trang BNN Breaking nhận định du lịch Việt Nam có xu hướng phục hồi đáng kể vào năm 2024, trong đó trọng tâm là các mô hình du lịch bền vững, dựa vào cộng đồng.

Tiếp cận du lịch bền vững, kết hợp hài hòa giữa văn hóa và thiên nhiên là xu hướng mà Việt Nam muốn hướng tới trong phát triển du lịch thời gian tới.

Du lịch Việt Nam năm 2024: Khám phá thiên nhiên qua các sáng kiến dựa vào cộng đồng - Ảnh 1.

Hồ Đa Mi. Ảnh: Leepee/ dulichbinhthuan

Tác giả bài viết Ayesha Mumtaz nhận định Việt Nam đã sẵn sàng cho sự hồi sinh du lịch đáng kể vào năm 2024, tập trung vào phát triển mô hình du lịch bền vững dựa vào cộng đồng, trong đó cụ thể là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa địa phương và bảo tồn thiên nhiên.

Cách tiếp cận này không chỉ nhằm mục đích phục hồi ngành du lịch Việt Nam đã bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 mà còn thúc đẩy văn hóa du lịch có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho cả du khách và cộng đồng địa phương. Điểm đến của sự hồi sinh này, theo tác giả Ayesha Mumtaz, phải kể đến Hồ Đa Mi đẹp như tranh vẽ ở tỉnh Bình Thuận, một ví dụ điển hình về vẻ đẹp thiên nhiên chưa được khai thác đang chờ được khám phá thêm.

Vẻ đẹp yên bình, phẳng lặng tựa như một nàng công chúa nằm ẩn mình trong rừng sâu của mặt hồ Đa Mi được hình thành bởi sự bao bọc của gần 20 ngọn núi lớn nhỏ, hoang sơ và đầy kỳ bí của vùng Hàm Thuận Bắc. Khung cảnh này làm nhiều người liên tưởng đến kiệt tác thiên nhiên tại Vịnh Hạ Long ở miền Bắc.

Phục hồi du lịch theo mô hình dựa vào cộng đồng

Du lịch dựa vào cộng đồng không phải là một khái niệm mới nhưng việc triển khai mô hình này ở Việt Nam có sức hút đáng kể, ví như một phần của chiến lược phát triển du lịch dài hạn của đất nước đến năm 2030.

Mô hình này tận dụng cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của Việt Nam, mang đến cho du khách trải nghiệm chân thực và phong phú hơn trong khi vẫn đảm bảo được tính bền vững của hoạt động du lịch.

Tỉnh Bình Thuận, với vẻ đẹp ven biển và vị trí gần Thành phố Hồ Chí Minh, đang dẫn đầu xu hướng này. Cách phát triển các sản phẩm du lịch được cho là phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về trải nghiệm du lịch lấy thiên nhiên làm trung tâm. Xu hướng phát triển các sản phẩm du lịch như vậy được xem là nỗ lực quan trọng để giảm áp lực lên các điểm đến có quá nhiều du khách ghé thăm và thúc đẩy kết nối khu vực.

Phát triển bền vững và trao quyền cho địa phương

Trọng tâm của du lịch dựa vào cộng đồng sẽ gắn liền với lời hứa kép: mang đến cho khách du lịch cơ hội kết nối lại với thiên nhiên và mang lại lợi ích kinh tế hữu hình cho cộng đồng địa phương.

Bằng cách thu hút người dân địa phương tham gia vào chuỗi giá trị du lịch, từ chỗ ở đến các chuyến tham quan có hướng dẫn viên, Việt Nam không chỉ nâng cao tính xác thực của trải nghiệm du lịch mà còn đảm bảo rằng lợi ích của du lịch sẽ lan tỏa xuống cấp địa phương.

Mô hình du lịch này đặc biệt hiệu quả trong việc thúc đẩy ý thức bảo tồn môi trường và văn hóa, vì khuyến khích cả chủ nhà và du khách tham gia vào thói quen du lịch có trách nhiệm hơn.

"Những ví dụ thành công về du lịch cộng đồng ở Việt Nam, như đã được nêu bật ở nhiều vùng khác nhau, chứng tỏ tiềm năng của du lịch của đất nước trong việc chuyển đổi nền kinh tế nông thôn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa quốc gia", tác giả Ayesha Mumtaz viết.

Những thách thức và cơ hội phía trước

Cho dù triển vọng đối với du lịch cộng đồng ở Việt Nam là đầy hứa hẹn nhưng thách thức đặt ra là đảm bảo quá trình tăng trưởng bền vững. Chẳng hạn như nhu cầu tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể và nâng cao cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan đang tích cực nỗ lực vượt qua những thách thức này, nhận thấy rằng sự thành công của du lịch cộng đồng là một phần không thể thiếu trong chiến lược du lịch tổng thể của đất nước. Khi Việt Nam tiếp tục phát triển, trọng tâm sẽ vẫn là tạo ra ngành du lịch cân bằng và toàn diện, tôn trọng môi trường và nâng cao tinh thần cộng đồng địa phương.

Và khi du lịch Việt Nam chạm tới những thành công đáng kể thì du lịch cộng đồng sẽ đóng góp vai trò quan trọng, không chỉ phục hồi kinh tế mà còn tuân thủ các nguyên tắc bền vững và toàn diện.

Mô hình du lịch lấy thiên nhiên là trung tâm sẽ mang đến cơ hội để Việt Nam xác định lại cảnh quan du lịch, giúp các điểm đến trở nên phát triển và sôi động hơn bao giờ hết. Từ đó, ngành du lịch Việt Nam sẽ được đón nhận nhiều hơn sự tín nhiệm của du khách trên khắp thế giới bởi cung cấp những trải nghiệm không chỉ đáng nhớ mà còn đầy ý nghĩa./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ