(Tổ Quốc) - Nhiều sản phẩm du lịch xanh mang đặc trưng văn hóa sinh thái của tộc người đã từng bước được khai thác có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch theo các mục tiêu khác nhau.
Trong những năm qua, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Dao nói riêng luôn được định hướng và gắn chặt với phát triển du lịch, đây cũng là hướng đi được nhiều địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Dao sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc quan tâm thực hiện.
Dân tộc Dao cũng như các dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, với người Dao nghề làm thuốc, nghề chạm bạc, nghề thêu... là những nghề truyền thống tạo ra những sản phẩm có giá trị sử dụng, giá trị nghệ thuật và lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống của tộc người trong mỗi sản phẩm.
Bởi vậy, nếu những giá trị văn hóa truyền thống này được quan tâm bảo tồn và phát huy đúng mức sẽ góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, du lịch cộng đồng của tộc người Dao nói riêng và các tộc người thiểu số khác nói chung.
Nhận thức được tầm quan trong của việc bảo tồn những giá trị truyền thống của văn hoá Dao và xu hướng sống xanh hiện nay của con người nên một số tỉnh miền núi phía Bắc có người Dao sinh sống đã hướng bà con người Dao làm du lịch xanh để du khách khi đến với những bản làng người Dao sẽ được "ăn xanh - hít thở xanh - sống xanh".
Tiềm năng du lịch xanh của người Dao tập trung ở một số cụm du lịch: cụm du lịch Sìn Hồ - Lai Châu; cụm du lịch vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén và phụ cận; Cụm du lịch Na Hang - Tuyên Quang và phụ cận; cụm du lịch đỉnh Mẫu Sơn và phụ cận; cụm du lịch Sapa và phụ cận. Nhận thức tầm quan trọng của du lịch xanh nên thời gian qua, ngành du lịch các tỉnh có người Dao sinh sống đã đẩy mạnh khai thác họat động du lịch gắn với văn hoá truyền thống và môi trường tự nhiên. Qua đó, bước đầu hình thành các sản phẩm du lịch khá phong phú, mang tính đặc thù của tộc người.
Nhiều sản phẩm du lịch xanh mang đặc trưng văn hóa sinh thái của tộc người đã từng bước được khai thác có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch theo các mục tiêu khác nhau.
Sản phẩm du lịch xanh hiện đang khai thác trên các cụm du lịch tập trung vào các nhóm: sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái rừng; sản phẩm dựa trên khai thác từ rừng tự nhiên; sản phẩm dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống của tộc người; sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái; nhóm sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch xanh như: thực phẩm, đồ uống, đặc sản địa phương, quà tặng, đồ trang trí, hàng lưu niệm; sản phẩm du lịch dựa trên những giá trị văn hoá, lễ hội, phong tục tập quán của người Dao…
Tuy nhiên, theo TS, Bàn Thị Quỳnh Giao, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trên thực tế họat động du lịch xanh trên địa bàn các tỉnh có người Dao sinh sống đang được khai thác vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa đồng đều, còn nhỏ lẻ, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để tạo điều kiện cho các hộ dân cư phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch. Sự hiểu biết về hành lang pháp lý các quy định kinh doanh nên sự kiểm soát về họat động kinh doanh đảm bảo các điều kiện an ninh trât tự, phòng cháy chữa cháy, điều kiện đảm bảo vật chất kỹ thuât, an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý rác thải môi trường…trong họat động du lịch hiện đang hạn chế.
Đơn cử như trên địa bàn huyện Na Hang, Tuyên Quang đang khai thác điểm du lịch xanh gắn nông nghiệp nhà vườn ở xã Hồng Thái. Điểm du lịch phát triển do một số hộ người Dao tại xã Hồng Thái kinh doanh tự phát, tương đối nhỏ đáp ứng được phần nhu cầu người dân địa phương và số ít khách du lịch tại các khu vực lân cận đến tham quan với sản phẩm du lịch vườn cây lê ăn trái quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật còn hạn chế, chất lượng dịch vụ phụ vục khách chưa cao.
Hay tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng khu sinh thái Kolia, khu sinh thái Phia Oắc - Phia Đén đang khai thác và giới thiệu đến du khách các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp như vườn cây lê, vườn chè, vườn trồng dong riềng đỏ, vườn thuốc nam, hồ nuôi cá tầm, cá hồi… Tuy nhiên, hiện nay phần lớn họat động du lịch xanh gắn với nông nghiệp, nông thôn của người Dao vẫn còn manh mún, đơn điệu, mang tính tự phát, trùng lặp chưa khai thác hiệu quả
TS, Bàn Thị Quỳnh Giao cũng chỉ ra, bên cạnh đó, tính cộng đồng, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của các hộ dân người Dao làm du lịch vẫn chưa cao, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với cùng một sản phẩm du lịch làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Về lợi ích kinh tế của người dân tham gia họat động du lịch xanh được hưởng lợi chưa cao, chưa tương xứng, bởi họ vẫn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hãng lữ hành.
Theo TS, Bàn Thị Quỳnh Giao, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Muốn làm được du lịch xanh trước hết chúng ta phải dựa vào tự nhiên và văn hoá truyền thống của tộc người, hạn chế những tác động xấu tới môi trường như xả khói, xả thải, tàn phá động thực vật…ít tác động tiêu cực đến "mẹ thiên nhiên", khai thác, phát huy được những thế mạnh vốn có của tự nhiên và tạo ra được các sản phẩm tự nhiên thân thiện với môi trường song vẫn mang được nét văn hoá đặc trưng của tộc người.
Để người Dao phát triển du lịch xanh một cách có hiệu quả, theo TS.Bàn Thị Quỳnh Giao, cần có sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người Dao, có chính sách khuyến khích phát triển du lịch xanh. Đồng thời, huy động sức dân tự nguyện làm du lịch để tăng thu nhập của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Nữ TS. cũng khuyến cáo việc phát triển du lịch xanh không nên làm ồ ạt, làm theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là công tác tìm hiểu thị trường khách, quảng bá và các điều kiện phục vụ du khách. "Phải thay đổi tư duy làm du lịch xanh, du lịch xanh phải làm cho du khách có cảm giác như "được mẹ thiên nhiên ôm vào lòng". Ở đó, du khách được đắm mình trong không gian xanh, có chỗ nghỉ ngơi thoải mái, được hít thở không khí xanh, sạch…"
Ngoài ra, làm du lịch xanh phải tính toán sao cho không chỉ duy trì tính nguyên bản của điểm đến mà còn làm cho du khách cảm nhận được đầy đủ các giá trị văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng.