• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tiếp tục mở rộng nội dung phân cấp, phân quyền cho địa phương

Văn hoá 10/09/2024 08:46

(Tổ Quốc) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024.

Theo đó, về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), cử tri phản ánh, nội hàm phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh chưa bao hàm việc phục hồi các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quy định cụ thể về việc phục hồi Di sản văn hóa phi vật thể.

Cử tri cho rằng, để cắt giảm các thủ tục hành chính khi xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các nhóm di tích quốc gia ít giá trị về kiến trúc, quy mô nhỏ, tạo điều kiện cho các địa phương linh động hơn trong phân cấp, cử tri kiến nghị trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục ủy quyền phê duyệt các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng quốc gia".

Cử tri cũng cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bổ sung quy định về "Thẩm quyền và thủ tục hủy bỏ xếp hạng di tích", góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích cũng như tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý di tích và giải quyết các vi phạm liên quan đến di tích. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về việc "Hạ cấp xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh".

Cử tri phản ánh, hiện nay nhiều địa phương, đơn vị có nhà truyền thống, nhà trưng bày (cũng phản ánh về văn hóa, lịch sử) nhưng chưa có quy định cụ thể. Từ đó, cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về nhà truyền thống, nhà trưng bày để các địa phương triển khai được thuận lợi hơn.

Tiếp đó, cử tri thành phố Hà Phòng phản ánh, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết việc "phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh" mà chỉ chú trọng hướng dẫn về công tác bảo quản, tu bổ di tích. Từ đó, kiến nghị sớm ban hành quy định chi tiết để các địa phương triển khai thực hiện.

Cử tri thành phố Hải Phòng cũng cho rằng, các dự án bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được quy định rất chi tiết với nhiều quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn liên quan. Tuy nhiên hiện nay, phần nhiều các di tích quy mô cấp xã được trùng tu, tôn tạo từ "nguồn xã hội hóa" và chưa chủ động được nguồn lực, phải kéo dài nhiều năm, nhanh hay chậm do sức đóng góp của Nhân dân. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét ban hành quy định đặc thù về thủ tục hồ sơ liên quan, cắt giảm những nội dung thực tế không áp dụng hoặc khó áp dụng so với các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Trả lời cử tri về kiến nghị liên quan đến việc phục hồi di sản văn hóa phi vật thể, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, việc phục hồi di sản văn hóa phi vật thể đã được quy định tại Điều 3 và Điều 13 Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã có các quy định về phục hồi di sản văn  hóa phi vật thể. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, phê duyệt về Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 08.

Về kiến nghị bổ sung vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nội dung "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục ủy quyền phê duyệt các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng quốc gia", Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho hay, đối với các dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích cấp quốc gia dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi) đã kế thừa một số nội dung phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật hiện hành đang được thực hiện ổn định, phù hợp và hiệu quả trong thực tiễn; Tiếp tục mở rộng nội dung phân cấp, phân quyền cho địa phương, đồng thời những nội dung phân cấp, phân quyền mới giao cho địa phương nhằm nhấn mạnh vai trò chủ động quản lý trực tiếp, toàn diện về di sản văn hóa của chính quyền địa phương các cấp;  đảm bảo rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng như chủ sở hữu; rút gọn quy trình thủ tục và thời gian thẩm định dự án để đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.

Các quy định cụ thể về phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lập, thẩm định, quyết  định  đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quy định cụ thể về bảo quản định kỳ, sửa chữa thường xuyên, tu sửa cấp thiết di tích phân cấp hoàn toàn cho địa phương đã được đưa vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được trình Quốc hội ban hành trong thời gian tới.

Về kiến nghị bổ sung quy định về việc hạ cấp xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tại Điều 23 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định về việc xếp hạng, hủy bỏ xếp hạng di tích. Theo đó, trong phạm vi quốc gia, di tích được xếp hạng ở 3 cấp độ: Cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tiêu chí xếp hạng di tích ở các cấp độ được quy định tại khoản 1 Điều 23  của dự thảo Luật. Trường hợp xác định di tích không còn đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 23 thì người có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định xếp hạng đối với di tích đó. Quy định này bảo đảm đánh giá xếp hạng di tích phù hợp với giá trị di tích ở từng cấp độ.

Về kiến nghị bổ sung quy định về nhà truyền thống, nhà trưng bày để các địa phương triển khai được thuận lợi hơn, tại Điều 48 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định về việc bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong nhà truyền thống, nhà lưu niệm, nhà trưng bày hoặc thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng.

Về kiến nghị ban hành quy định chi tiết về việc "phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh", tại khoản 24 Điều 3 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định rõ phục hồi di tích lịch sử  - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo đó, việc phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm dựng lại nguyên gốc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.

Về kiến nghị ban hành quy định đặc thù về thủ tục hồ sơ liên quan, cắt giảm những nội dung thực tế không áp dụng hoặc khó áp dụng so với các dự án sử dụng vốn ngân sách, kế thừa quy định từ Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội không quy định di tích quy mô cấp xã. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định đối với việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.


CTTĐT

NỔI BẬT TRANG CHỦ