• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Chính sách nào cho phim Việt phát triển?

Văn hoá 14/09/2019 07:51

(Tổ Quốc) - Sau 12 năm thực hiện, Luật Điện ảnh đang bộc lộ nhiều điều bất cập trong thực tế. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển, nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa có điều luật mới để chi phối. Nhu cầu sửa đổi Luật là cần thiết.

Những bất cập

Theo Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Điện ảnh, đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế, khó thực thi. Các quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh.

IMG-0387

Bộ VHTTDL lấy ý kiến góp ý Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi

Cụ thể, quy định về đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước tại Điều 24 Luật Điện ảnh không khả thi vì chủ đầu tư không có đủ cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn cơ sở sản xuất thực hiện dự án sản xuất phim. Luật Điện ảnh chưa theo kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim.

Trong khi thế giới, công nghiệp điện ảnh đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ số hóa thì một số quy định của Luật Điện ảnh vẫn đang điều chỉnh việc sản xuất, phát hành và phổ biến phim theo công nghệ 35mm hoặc video (Betacam hoặc VHS), dẫn đến tình trạng không phân biệt rõ sản phẩm nghe nhìn nào được xem là một tác phẩm điện ảnh hoặc không phải là tác phẩm điện ảnh, chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý việc phát hành và phổ biến phim trong môi trường số hóa, trên internet, phổ biến phim online và các phương tiện truyền thông khác.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh quy định tại Điều 5 Luật Điện ảnh chưa có tính khả thi cao, chưa được thực thi nghiêm túc: Chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách đặc thù đối với các Đội chiếu phim lưu động; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh (quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Điện ảnh).

Chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, thiếu nhi, phục vụ nhiệm vụ chính trị (quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Điện ảnh) trên thực tế chưa được thực hiện triệt để do chưa có nguồn kinh phí. Chính sách về dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị (quy định tại Khoản 6 Điều 5 Luật Điện ảnh) chưa được thực hiện, trong khi đó nhiều rạp chiếu phim của các cơ sở điện ảnh tại các địa phương bị sáp nhập hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng…

IMG-0388

Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà: Một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh quy định tại Luật Điện ảnh chưa có tính khả thi cao, chưa được thực thi nghiêm túc

Sửa đổi để gỡ khó cho ngành

Bà Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, thời điểm này việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) là cần thiết, không còn gì phải bàn cãi. Bà Ngô Phương Lan cho rằng, đề xuất bỏ quy định doanh nghiệp muốn nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim là rất quan trọng và cần phải tính đến phương án phát triển rạp chiếu của các công ty, đơn vị trong nước. Để làm được điều này, theo TS. Ngô Phương Lan, cần quan tâm đến việc ứng xử với các nhà đầu tư nội trong việc xây dựng rạp chiếu trong nước.

Bà Ngô Phương Lan lấy ví dụ, ở Hàn Quốc thì 2 đơn vị phát hành hàng đầu của nước này đều là đơn vị trong nước (CGV, Lotte), chiếm tới 90% thị trường phát hành phim; trong khi đó con số hệ thống rạp chiếu nội địa ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%. Ở một số nước lân cận trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Maylaysia… tỷ lệ hệ thống cụm rạp nội địa cũng áp đảo (trên 70%) so với cụm rạp nước ngoài.

TS. Ngô Phương Lan cũng nhấn mạnh, cần xem lại việc phát triển ồ ạt của các hãng phim tư nhân. Cụ thể đến cuối năm 2018 thì số lượng các hãng phim đã lên tới 500 hãng. Tuy nhiên trên thực tế thì chỉ có khoảng 20-30 hãng duy trì hoạt động sản xuất phim đều đặn, khoảng chục hãng sản xuất được 2-3 phim, còn lại 450 hãng không hề có phim. Vậy việc cấp phép thành lập hãng phim có cần thiết?

Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, điều cần thiết là phải tính đến phương tiện phát hành phổ biến phim ở thời đại kỹ thuật số này, nhất là khuyến khích phổ biến rộng rãi các phim có nội dung tốt, giá trị nhân văn và tính giáo dục cao.

Vấn đề sản xuất, phát hành và phổ biến phim được các vị đại biểu quan tâm và đưa ra góp ý, bàn luận, đặc biệt là các quy định về phát hành.

phim-thang-nam-ruc-ro-social-marketing

Tháng năm rực rỡ- một bộ phim Việt Nam thu hút khán giả khi ra rạp

Hiện nay, mỗi năm, điện ảnh Việt Nam sản xuất khoảng trên dưới 40 phim, tăng gấp 2 lần so với năm 2012 (2012: 16 phim, 2018: 37 phim), chiếm khoảng 25 - 30% tổng số phim phát hành trong cả nước. Giá đầu tư trung bình để sản xuất một phim truyện Việt Nam có thời lượng từ 90 đến 100 phút là khoảng từ 12 đến 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi phát hành và phổ biến trong mạng lưới rạp chiếu phim chỉ có khoảng 10% phim thu hồi được vốn sản xuất, đa số các phim còn lại không thu hồi được vốn, đặc biệt là phim nghệ thuật. Thực tiễn đó đòi hỏi cần phải thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để tạo điều kiện chủ động về tài chính trong sáng tạo, phổ biến tác phẩm điện ảnh.

Đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Ngô Xuân Hải, Chủ tịch Hội cũng cho rằng, Luật Điện ảnh sửa đổi cần quy định tỉ lệ phim Việt chiếu rạp một cách cụ thể, rõ ràng hơn, thậm chí quy định cả thời gian. Hiện nay, các rạp chỉ chiếu cho phim Việt vào chiếu vào các giờ không đông khách, các ngày làm việc… "Họ không chiếu phim Việt vào giờ vàng, rồi lại chọn các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 5 để chiếu phim, rồi họ quy chụp rằng phim Việt không thể thu hút được khán giả, chỉ chiếu vài suất rồi dừng"- ông Hải cho biết.

Rõ ràng, thực tế đòi hỏi phải có cơ chế ưu đãi cho phim Việt để chúng ta không thua ngay trên sân nhà. Được biết, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Chính phủ trong năm nay./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ