(Tổ Quốc) -Người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã nhấn mạnh như vậy trong phần giải trình của mình tại phiên thảo luận về Luật Du lịch (sửa đổi) tại hội trường chiều 18/11.
Luật Du lịch (sửa đổi) cởi mở, thông thoáng hơn
Toàn cảnh phiên thảo luận Luật Du lịch (sửa đổi) chiều 18/11 |
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đều nhận định rằng, Luật du lịch được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong việc quản lý và phát triển du lịch. Từ chỗ du lịch được coi là hoạt động nghỉ dưỡng đơn thuần thì đến nay du lịch được xác định định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thực tế những năm gần đây du lịch Việt Nam mang lại cho nền kinh tế quốc dân một nguồn thu không nhỏ. Theo số liệu của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, thu nhập từ du lịch có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 30%.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, Luật đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc hoạt động và phát triển của ngành du lịch, như: Có một số nội dung chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, một số quy định về quy hoạch trong Luật du lịch không còn phù hợp với quy định của pháp luật liên quan… Và để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và để giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên thì việc sửa đổi luật và ban hành luật là rất cấp thiết, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, cá nhân bà rất kỳ vọng vào dự thảo luật lần này. Qua nghiên cứu dự án Luật du lịch (sửa đổi) đại biểu này nhận thấy, trong 56 điều đã được sửa đổi, bổ sung và 21 điều quy định mới trong dự thảo đã có rất nhiều thay đổi, cởi mở hơn, thông thoáng hơn so với Luật du lịch năm 2005.
Tuy nhiên, nữ đại biểu này cũng đề nghị Ban soạn thảo cần thận trọng, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để khi luật ban hành vừa có thể đảm bảo chính sách thông thoáng nhằm phát triển ngành du lịch nhưng vẫn phải đảm bảo các vấn đề về an ninh quốc gia, văn hóa và môi trường.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng nêu vấn đề nguồn nhân lực. “Tôi đề nghị cần bổ sung thêm vào dự luật một chương riêng về đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Bên cạnh đó, đội ngũ hướng dẫn viên là linh hồn của ngành du lịch cần phải được quan tâm. Theo tôi, nên phân ra thành 3 loại hướng dẫn viên: hướng dẫn viên nội địa, hướng dẫn viên quốc tế, hướng dẫn viên tại điểm để đảm bảo tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng phục vụ vì yêu cầu trình độ của mỗi loại hướng dẫn viên là khác nhau”, đại biểu Dương Minh Ánh nói.
Còn đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhận định, đây là lần đầu tiên chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn, nên Luật Du lịch (sửa đổi) đã có nhiều bước tiến triển quan trọng như: đã định hình rõ hơn các mối liên kết về hoạt động du lịch, định hình rõ hơn các sản phẩm du lịch của các địa phương...
“Vì chúng ta xác định phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên gánh nặng đặt lên vai bộ Văn hoá, Thể thao , Du lịch là rất lớn. Và Ban soạn thảo đang có vai trò hết sức nặng nề, đó là làm sao để mỗi lần làm luật là “tạo một hành lang pháp lý tốt hơn” cho sự phát triển của đất nước”, đại biểu này nói.
Những quy định "mềm mại" hơn
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giải trình trước Quốc hội |
Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cảm ơn Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành du lịch nói chung và đối với Luật du lịch (sửa đổi) nói riêng.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, các ý kiến đề ra tại phiên thảo luận tại tổ cũng như phiên thảo luận tại hội trường, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc và đầy đủ để hoàn chỉnh Luật du lịch (sửa đổi) với mong muốn đáp ứng sự mong mỏi và kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội.
Về quan điểm sửa đổi Luật du lịch, theo Bộ trưởng, Ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ, tiếp thu rất nhiều ý kiến và tinh thần lần này muốn thay đổi cách tiếp cận.
Một số đại biểu đặt câu hỏi tại sao lại bỏ đi một số điều cấm hoặc hạn chế các yêu cầu này khác, Bộ trưởng cho rằng, Luật sẽ quản lý nhưng không bằng hình thức cấm, các quy định cấm, hạn chế mà cố gắng kết hợp quản lý nhà nước bằng các quy định của pháp luật và bằng công cụ của kinh tế thị trường. Nhà nước sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tức là tạo sân chơi bình đẳng và nhà nước sẽ hậu kiểm, thổi còi tất cả những gì không đúng luật pháp.
“Có những điều quy định có thể mềm mại hơn. Điều chủ đạo mà Luật du lịch (sửa đổi) toát lên là rất ít từ "cấm". Ví như về xếp hạng cơ sở lưu trú, từ "bắt buộc" chuyển sang "tự nguyện. Thế giới hiện nay, ở châu Á chỉ còn Trung Quốc quy định bắt buộc nhưng không phải quy định trong luật. Một số nước châu Âu, đặc biệt là Nam Âu và Đông Âu có quy định bắt buộc, còn lại tất cả đều tự nguyện”, Bộ trưởng lấy ví dụ.
Đối với hướng dẫn viên du lịch là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, điều kiện này trong Luật du lịch (sửa đổi) thông thoáng hơn.
Ví dụ, tiêu chuẩn trong Luật du lịch cũ là để công ty lữ hành hoạt động được thì người điều hành phải có kinh nghiệm 4 năm. Nhưng nếu quy định chung chung như thế này thì cuối cùng sẽ tạo điều kiện cho sự nhũng nhiễu của các cơ quan cấp phép.
“Cho nên chúng tôi đề nghị bỏ và hạ tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch xuống, không có nghĩa làm giảm tiêu chuẩn nhưng trên thực tế hiện nay lượng hướng dẫn viên quốc tế và trong nước chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu hướng dẫn viên. Đây là một trong những lý do tại sao có hướng dẫn viên chui. Vì thiếu hướng dẫn viên, nhưng khách đến thì vẫn phải đi”, Bộ trưởng nói.
Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, với với mong muốn phấn đấu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên đã có đến 49 đại biểu đăng ký phát biểu tại hội trường. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên chỉ 19 đại biểu Quốc hội được phát biểu. Còn 31 đại biểu chưa được phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị được thông cảm và xin lại các ý kiến đã chuẩn bị để đoàn thư ký và Tổng thư ký tổng hợp đưa vào chương trình tiếp thu. Sau đó sẽ xây dựng một bản báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý để thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội để có thể thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) tại kỳ họp tới.
“Đặc biệt chúng ta có thể sẽ tổ chức thêm các hội nghị đại biểu chuyên trách và các cuộc hội thảo để tiếp tục lắng nghe, đón nhận ý kiến của các đại biểu vì đây mới chỉ là phiên đầu tiên để chúng ta thảo luận về dự án luật này”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay./.
Hà Giang – Song Đào
Ảnh: Nam Nguyễn