• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Quan trọng vẫn là làm thế nào để tránh việc trở thành "luật trên trời"

Thời sự 12/11/2018 16:08

(Tổ Quốc) - Nhiều vấn đề vẫn còn được tranh cãi, chưa tìm ra giải pháp nào hữu hiệu trong việc phòng chống tác hại của rượu bia.

Nói đến tác hại của bia, rượu và biện pháp phòng, chống tác hại của bia, rượu thì hàng chục năm nay, đã có nhiều văn bản quy định. Trong đó có cả văn bản mới được soạn thảo xong, chưa đưa vào áp dụng đã phải bỏ xó vì sự bất khả thi của nó.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, Bộ Y tế lại vừa trình bản dự thảo "Luật phòng, chống tác hại của bia, rượu". Trước đó vài ngày, một cuộc "Hội thảo bàn về chống tác hại của rượu bia" cũng diễn ra, do các nhà khoa học và doanh nghiệp tổ chức. Nhưng xem ra, ở cả hai diễn đàn này, nhiều vấn đề vẫn còn được tranh cãi, chưa tìm ra giải pháp nào hữu hiệu.

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Quan trọng vẫn là làm thế nào để tránh việc trở thành luật trên trời - Ảnh 1.

Cái khó đầu tiên là bia, rượu không phải mặt hàng quốc cấm (ảnh minh họa)

Cái khó đầu tiên là bia, rượu không phải mặt hàng quốc cấm. Mà đã không phải là thứ bị cấm thì nó phải được công khai tồn tại và tự do tiêu dùng. Vì vậy, nhiều ý kiến phản đối tên luật là không nên gọi là "Luật phòng, chống tác hại của bia rượu". Cả nước có 80% người từ độ tuổi 15 trở nên, tức hơn 72 triệu người thường xuyên dùng bia, rượu thì lấy đâu ra đủ lực lượng chức năng để đi giám sát số người uống bia, rượu mà chống được?

Có những đại biểu Quốc hội đã khẳng định, dùng bia, rượu là một sinh hoạt văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Nếu cấm thì chắc chắn không được; mà nói chống tác hại của nó thì cũng mâu thuẫn với việc sản xuất, kinh doanh đang được pháp luật cho phép. Vì nếu chỉ nói rượu, bia có tác hại thì làm sao được phép lưu hành.

Đúng là Việt Nam được xếp hạng sử dụng bia, rượu nhiều ở khu vực và trên thế giới nhưng cũng chưa phải ở nhóm đầu bảng. Vấn đề vẫn ở việc tuyên truyền để người dân sử dụng hạn chế hơn mà thôi.

Từ cán bộ đến người dân, ngày giỗ, tết, lễ hội, có bao giờ mở tiệc mà thiếu bia, rượu. Từ ma chay, cưới xin, xây nhà mới, thăng quan, tiến chức, mua sắm đồ dùng giá trị, lâu ngày gặp lại, sinh nhật, ký hợp đồng, khai trương, tổng kết và trăm thứ khác đều tổ chức nhậu. Không nhiều thì ít, ai cũng uống. Người Việt còn có câu truyền miệng "Nam vô tửu như cờ vô phong" (Nam giới mà không uống rượu thì như cờ không có gió), rồi ai uống kém thì bị bạn bè giễu cợt là "loại đàn ông mặc váy". Thậm chí, uống không say chưa phải là uống; say xỉn mới là thật lòng; không uống không thể làm việc được. Cho nên, nhiều cán bộ và doanh nhân khổ sở vì phải đi tiếp khách, không nhậu say thì đối tác không nhiệt tình ký kết dự án hoặc hợp đồng kinh tế. Chính cái tập tục lâu đời nay như vậy nên mới khó hạn chế việc dùng bia, rượu.

Với người dân, nếu có cấm nhà nước sản xuất hoặc hạn chế sản xuất thì họ tự sản xuất bia, rượu để uống. Bởi hiện nay, hàng nghìn cơ sở tư nhân nấu rượu bia, không cơ quan chức năng nào kiểm soát nổi. Thế rồi họ uống ở quán xá, uống tại nhà, ai quản lý, hạn chế được họ mà lại ra những quy định bất khả thi như: cấm bán bia, rượu cho người dưới 15 tuổi, mỗi ngày một người chỉ được uống 2 đơn vị (khoảng 2 chén nhỏ), rồi quy định bán theo giờ…

Trong dự thảo lần 1, Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h đã gây ra nhiều tranh cãi về tính khả thi. Trong dự thảo lần 2, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được công bố, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu bia. Phương án 1: Chỉ được bán rượu bia trong khoảng thời gian từ 11-14h và 17-22h hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6-22h…

Bộ Y tế cũng đưa ra con số về mức độ tiêu thụ rượu, bia, nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất, thì bình quân một người trên 15 tuổi ở nước ta sử dụng 8,3 lít/năm vào năm 2016. Theo xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đứng vị trí 64/194 quốc gia.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2017, cả nước tiêu thụ 4 tỷ lít bia với nồng độ cồn 5% và 310 triệu lít rượu các loại, nồng độ cồn 35%, tính ra lượng cồn nguyên chất là 308.500.000 lít. Nếu chia đều cho tổng số dân là 3,2 lít/người/năm, còn chia cho số người từ 15 tuổi trở lên là 4,26 lít/người/năm.

Nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại Việt Nam ở mức thấp nhất thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại đã là khoảng gần 65.000 tỷ đồng/năm, gấp trên 1,4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát ở Việt Nam năm 2017 (khoảng 50.000 tỷ đồng). Nếu cấm sản xuất thì mỗi năm nhà nước thất thu 50.000 tỷ đồng từ những mặt hàng này. Cho nên, các doanh nghiệp là đối tượng phản ứng đầu tiên.

Tại Tọa đàm phòng chống tác hại của bia, rượu, một số đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc dự thảo luật có quy định không được bán rượu, bia trên mạng Internet và máy bán hàng tự động là không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử. Dự luật còn cấm tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia và quảng bá hoạt động tài trợ của nhà sản xuất rượu bia. Nếu dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thì các hoạt động thể thao, văn hóa được tài trợ bởi các công ty bia rượu cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển du lịch, kinh tế xã hội ở Việt Nam. Rồi việc cấm khuyến mại, quảng cáo, tài trợ đối với bia rượu dưới 5,5 độ cồn. Cấm với doanh nghiệp trong nước thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhảy vào thay thế, doanh nghiệp trong nước sẽ thua ngay trên sân nhà.

Chính vì những lý do trên, dự thảo Luật phòng, chống tác hại của bia, rượu sẽ còn gây tranh cãi nhiều. Giải pháp để sửa đổi dự án luật này sẽ phải điều chỉnh lại. Nếu không, khi luật được ban hành lại trở thành "luật trên trời" xa vời với thực tế và bất khả thi! Hướng tuyên truyền, giáo dục vẫn là giải pháp quan trọng chứ không thể cấm và chống sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc được!

Đức Toàn

NỔI BẬT TRANG CHỦ