(Tổ Quốc) - Bộ GDĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (Dự thảo) theo quy định của Luật Ban hành ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên từ khi đăng tải tới nay đã có nhiều ý kiến trái ngược về những nội dung quy định trong Dự thảo này.
Trước những nội dung được xem như không phù hợp với thực tiễn, báo Lao động sáng nay đã có bài viết “Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Phạt tiền chỉ là biện pháp “cắt ngọn”!” trong đó nhấn mạnh đến việc xử phạt bằng tiền quy định trong Dự thảo sẽ không giải quyết được ‘gốc rễ’ của vấn đề.
Bài báo cũng đề cập đến việc cần phải có chế tài xử lý hành vi vi phạm và giáo viên cũng như học sinh đều phải được xử lý công bằng, bình đẳng như nhau, cùng chịu chung chế tài của pháp luật. Và để xử lý các vi phạm cần phải lấy giáo dục làm gốc, xử lý bằng các biện pháp giáo dục. Liên quan đến Dự thảo này, ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, Dự thảo này chỉ nhằm mục đích cảnh báo, ngăn ngừa là chính, không lấy việc xử phạt là mục tiêu.
Văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục đang bị "ô nhiễm" (ảnh: Lao động) |
Trao đổi với báo chí về Dự thảo này, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, Dự thảo này nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục và việc đăng tải Dự thảo lấy ý kiến thực hiện theo quy định để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Chính phủ ban hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bài được đăng tải trên chuyên trang Thanh tra Bộ GDĐT.
Dự thảo được sửa đổi vẫn giữ bố cục như Nghị định 138/2013/NĐ-CP nhưng có một số mục, một số điều mới. Dự thảo bổ sung nhiều hành vi quy định đối với tổ chức, về quản lí cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm cho việc tự chủ tốt hơn; tương tự đã bổ sung hành vi in xuất bản SGK không đúng quy định bảo đảm tương thích với quy định về xuất bản SGK; bổ sung quy định về tư vấn du học…
So sánh với Nghị định 138/2013/NĐ-CP về hành vi tổ chức dạy thêm học thêm thì trong Dự thảo này bổ sung cả hành vi về dạy thêm. Dự thảo đã tách quy định xúc phạm danh dự nhân phẩm và xâm phạm thân thể thành 2 nhóm hành vi khác nhau. Các hành vi về cấp phát văn bằng chứng chỉ, tuyển dụng, thực hiện chế độ với nhà giáo, liên thông liên kết đào tạo cũng được quy định rõ hơn.
Trong Dự thảo cũng bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả như, Buộc hủy bỏ phôi văn bằng chứng chỉ đã in không đúng nội dung quy định, buộc hủy bỏ văn bằng chứng chỉ do gian lận được cấp, buộc trả lại hồ sơ giấy tờ của người học do có hành vi giữ không đúng quy định...
Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cũng cho hay, mặc dù Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục rất quan trọng nhưng đây không phải là cây gậy vạn năng giải quyết mọi vấn đề mà cần phối hợp sử dụng nhiều công cụ quản lí khác. Và do Nghị định chỉ tập trung quy định về hành vi nên khi thực hiện phải áp dụng cả quy định ở Luật xử lí vi phạm hành chính và phải tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu, làm đúng theo tinh thần “Xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.
Quỳnh Nga (t/h)