• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dư Thị Hoàn và những “Lối nhỏ” trong thơ

02/04/2017 08:22

(Tổ Quốc)- Dư Thị Hoàn là một nhà thơ nữ có cá tính, viết nhiều về nỗi đau, sự cô đơn của thân phận đàn bà. Tiếng thơ Dư Thị Hoàn đã trở thành một hiện tượng trong thơ Việt đương đại.



(Tổ Quốc)- Nhà thơ Dư Thị Hoàn tên thật là Vương Oanh Nhi, sinh năm 1947 tại Hải Phòng. Chị từng là công nhân máy tiện tại xí nghiệp Z21 trong thời chiến tranh chống Mĩ. Sau năm 1979 chị chuyển sang làm kinh doanh, từng là trưởng đại diện một doanh nghiệp Hồng Kông tại Hải Phòng. Nhà thơ còn có bút danh khác là Nữ Lang Trung. 

Chị đã cho ra mắt công chúng 2 tập thơ: Lối nhỏ (1988), Bài mẫu giáo sáng thế (1993). Ngoài làm thơ chị còn viết tiểu thuyết tự truyện, viết sách du ký, dịch một số tác phẩm đương đại của Trung Quốc.

41 tuổi bước vào làng thơ bằng một Lối nhỏ, Dư Thị Hoàn dường như không có ý định làm thơ như một sự chọn lựa sinh tồn, mà thơ đến với chị như sự bù đắp những nghiêng ngả mệnh kiếp long đong” (Lê Thiếu Nhơn).

Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ/ Em thả bước chán chường/ Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá/ Gót chân em nện xuống dữ dằn/ Có lối nhỏ vương cây xấu hổ/ Em sợ nó khép mình/ Biết làm sao bây giờ/ Chính lối này đưa em tới anh… (Lối nhỏ).

Đọc thơ Dư Thị Hoàn ta bắt gặp tâm hồn của một người đàn bà mang nhiều nỗi niềm ẩn ức. Chính cuộc đời nhiều thăng trầm, khổ ải sản sinh ra một hồn thơ đặc biệt như chị. Dư Thị Hoàn ký gửi vào thơ nỗi buồn khó nói, nỗi đau khó diễn tả, những nỗi giằng xé trong tâm can mình. Đó cũng chính là những “lối nhỏ” để nhà thơ giãi bày lòng mình, những suy nghĩ, quan điểm của mình trước bản thân, con người và thời đại.

Bao biến động của thời cuộc, những gập ghềnh, gấp khúc, ngã rẽ của cuộc đời mình, của gia đình, người thân; và những tai họa liên tiếp ập đến với chị. Dư Thị Hoàn cảm thấy bất an, nhiều lúc như mất niềm tin vào thực tại. Chị chợt nhận ra số phận của mình, nhà thơ thẳng thắn nêu lên quan điểm:

Đừng bắt tôi lên diễn đàn/ Đừng buộc tôi ra sân khấu/ Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối/ Như cái triện đen/ giáng xuống/ Tờ khai sinh của tôi 

Thời cuộc sắp đặt tôi/ Gần hết một đời rồi/ Tôi đã quen chỗ ngồi/ Góc tối

(Số phận)

Dư Thị Hoàn cảm nhận rõ những mất mát và tổn thương của bản thân mình. Một sự thật đau buồn: Như cái triện đen/ giáng xuống/ Tờ khai sinh của tôi. Khi tuổi thanh xuân không còn nữa, đã gần hết một đời, nhà thơ cảm thấy trơ lì, già nua, cằn cỗi. Một thế giới đầy rẫy những nghịch lý, oái oăm. Nên chị không thích chốn ồn ào, đông đúc, thị phi. Chỉ quen chỗ ngồi là góc tối!



Nhà thơ Dư Thị Hoàn

Chị bước vào làng văn nghệ khá muộn, ở tuổi ngoài 40 và gia nhập làng văn đúng vào thời điểm đổi mới, mở cửa, văn nghệ được “cởi trói”. Người nghệ sĩ có quyền nói lên tiếng nói cá nhân, khám phá, mổ xẻ dưới cái nhìn đa chiều. Tiếng nói ấy của chị là tiếng nói về cái tôi cá nhân của mình: một cái tôi buồn, cô đơn, hoài nghi, đầy chênh chao và biến động. Trên cơ sở đó, chị có cái nhìn, suy tư, trăn trở về con người và những vấn đề của đời sống.

Tất cả đều biến dạng/ Méo mó/ Mọi người đều hóa hình/ Quái gở - Người ta tung tiền vào đây/ Cốt để phá lên cười/ Cười khoái trá/ Cười rũ rượi/ Cười quên hết sự đời - Còn tôi/ Tình nguyện vào đây/ Để khóc/ Không chỉ cho một mình tôi (Nhà cười).

Cuộc sống thật - giả lẫn lộn, quái gở, “nhiễm độc”, sống vì tiền… Nhà thơ rơi vào tình thế bi đát và tình nguyện khóc. Khóc không chỉ cho bản thân mình mà là khóc cho tất cả những con người có phận kiếp như mình.

Dư Thị Hoàn tự vấn với chính mình. Đó là cách nhà thơ tự “thanh lọc”, nhìn nhận, đánh giá mình đầy đủ nhất. Và sau đó, chị cảm thấy mình đau khổ và cô đơn hơn. Dư Thị Hoàn sẵn sàng chịu thua thiệt: Thân tôi bẩn cho các người sạch sẽ (Lời giẻ lau).

Trong bài thơ Hóa công nhà thơ lại đau đáu khi thấy mọi thứ trên cuộc đời giống như một màn kịch.

Mượn xác càn khôn/ Vi hành trên cõi/ Sáu tư quẻ/ Gieo xuống trần gian/ Sinh sự/ Mà thản nhiên/ Đến nỗi/ Chỉ loài người đổ lỗi cho nhau.

Dư Thị Hoàn là người phụ nữ có cá tính, thích xê dịch: Đang làm cái này thấy cái khác hay hơn thì bỏ, đang ở chỗ này thì muốn đến nơi khác; quan điểm của chị khá rõ ràng: Khâu lại chiếc ba lô chưa kịp rũ bụi/ Ừ, em đi/ Lại một hành trình không chú thích/ Thân gái dặm trường/ Mùa nào mà chẳng hư không (Vi vu).

Đối thoại với chính mình, nhà thơ cảm thấy như được trút xả những nỗi niềm nghẹn ứ mà bấy lâu phải kìm nén trong lòng. Biến cố xảy ra với gia đình, cha mẹ, người thân là nỗi đau lớn, luôn cắt cứa trong tâm hồn chị.

Sao mẹ không nói cho rõ/ Mẹ con mình rồi mỗi người một ngả/ Để con được lao vào lòng mẹ/ Khóc cho hết hơi/ Khóc cho trời sập/ Khóc cho cột điện đổ/ Khóc cho tà vẹt trôi/ Khóc cho còi tàu căm bặt/ Khóc cho tay lái rời vô lăng/ Khóc cho đoàn tàu không dám lăn bánh… (Mười năm tiếng khóc).

Thơ Dư Thị Hoàn không phải là loại thơ dễ đọc. Thơ chị ngổn ngang, bề bộn nhiều thứ. Đó là thơ của một người đàn bà trải qua những va đập, khốn khó, mất mát và đau thương. Giọng thơ hoài nghi, đầy ẩn ức và tràn ngập nỗi cô đơn. Thơ chị liên kết lại bởi một chuỗi các sự việc, hiện tượng, hình ảnh, nó giống như những gì đang diễn ra trong suy nghĩ của nhà thơ. Chị không chú tâm nhiều đến hình thức, đẽo gọt, lắp ghép câu chữ. Với chị: không thể làm thứ thơ véo von, uyển chuyển dùng để ngâm vịnh, tán tụng nhau. Vì thứ thơ ấy dù có thịnh đến mấy thì cũng đã tới đỉnh của nó, phía bên kia đỉnh là vực thẳm. Trong bài Khi cầm bút, chị cũng đã thể hiện rõ quan điểm của mình: Tôi mong được làm điểm tựa/ Chống chọi sức đè nén/ Cho đòn bẩy nhấc bổng cuộc đời/ Những người xấu số. Điều này rất đáng trân trọng đối với một người cầm bút. Đó vừa là trách nhiệm, là ý thức tự giác của một nghệ sĩ có tâm.

Thời gian đầu Dư Thị Hoàn làm thơ cũng là lúc gia đình chị lâm vào cảnh khốn đốn, túng quẫn, bệnh tật. Chị bị bệnh tâm thần, trong bệnh viện người đàn bà tâm thần ấy lại có suy nghĩ: Tôi sẽ khỏi bệnh/ Lại dịu dàng hát bên khung thêu ngày ấy/ Không cần bác sĩ/ Không cần những viên thuốc đắt tiền/ Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến/ một nhành hoa dại thôi.

Cái quan trọng nhất đối với chị đó là tình thương. Tình thương, sự quan tâm giữa người với người nó quý hơn tiền bạc, hiệu nghiệm hơn gấp bội phần so với những thứ thuốc đắt tiền kia. Nhà thơ nhận thấy rằng: Cuộc sống hiện đại giờ đây vật chất thì đủ đầy nhưng tinh thần lại tẻ nhạt, lòng người dường như lãnh đạm, thờ ơ.

Ngay trong lúc bệnh tật mà chị có những vần thơ triết lý hay đến vậy. Lúc này, Dư Thị Hoàn tìm đến thơ và chính thơ là liều thuốc an thần hiệu quả nhất giúp chị mau lành bệnh.

Thơ Dư Thị Hoàn ám ảnh người đọc bởi lối suy tưởng, triết lý độc đáo, tạo nên những bất ngờ. Bài thơ Đi lễ chùa là một minh chứng.

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa

Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ

Người thứ nhất thở dài:

- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng

Người thứ hai chép miệng:

- Vô phúc nhất người đàn bà không con

Người thứ ba cười buông:

- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng

Người thứ tư điềm đạm:

- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con

Người thứ năm:

- Mô phật!

Lão xà ích giật dây cương

Roi quất

Tung bụi đường.

Năm người đàn bà đi lễ chùa là năm số phận. Người nào cũng có những nỗi niềm riêng, nỗi đau riêng của thân phận đàn bà. Đọc bài thơ ta như tìm về sự an ủi, nhẹ nhõm hơn trước cuộc đời vốn thăng trầm và đầy biến động. Nhưng có lẽ người đàn bà thứ năm là “tội nghiệp nhất”, “vô phúc nhất”, “bất hạnh nhất” và “tuyệt vọng nhất”. Khi nỗi đau lên đến tột cùng, người đàn bà thứ năm không than thở điều gì, và cũng chẳng biết than thở cùng ai, than thở thế nào. Thôi thì hãy tìm về cõi Thiền và chỉ nói Mô Phật!. Tìm đến cõi Phật để rũ bỏ mọi muộn phiền của đời sống trần tục, để nương tựa và bình tâm sau những tai ương, mất mát, nạn kiếp của cuộc đời. Thế nhưng liệu đó có phải là giải pháp tối ưu?.

Năm 1987, bài thơ Tan vỡ trình làng đã gây xôn xao dư luận. Bài thơ như là pháo lệnh đầu tiên khẳng định và nói lên tiếng nói tình yêu công khai, rõ ràng, dứt khoát của người phụ nữ.

Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ

Bút viết xong không đậy nắp bao giờ

Ôi anh yêu, lơ đãng đến là

Con nai rừng của em...

Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi

Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng

Nếu không có một lần…

Một lần như đêm nay

Sau phút giây

Êm đềm trên ghế đá

Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

Sự lơ đãng, sự vô tâm trong công việc còn có thể bỏ qua (Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ/ Bút viết xong không đậy nắp bao giờ). Nhưng sự vô tâm, lơ đãng của anh trong tình yêu đối với em thì không thể nào chấp nhận được (Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em). Vì trong tình yêu không cho phép và tối kỵ điều đó. Không có ý thức và thiếu trách nhiệm thì không thể có một tình yêu vững bền và hạnh phúc. Tình yêu ấy chắc chắn sẽ “tan vỡ”…

Trong những bài thơ viết về tình yêu, bao giờ nhà thơ cũng mạnh mẽ, chủ động đưa ra những yêu cầu đối với anh: Hãy buông xuống/ Đừng giơ bàn tay che ngọn đèn dầu/ Đừng khám phá em/ Bằng đôi mắt nấp sau bóng đêm (Ánh lửa).

Nhân vật trữ tình “Em” vẫn có nét bao dung của một người đàn bà thấu hiểu lẽ đời và biết tha thứ:

Anh chỉ vào vầng trăng/ rồi/ lại hứa…/ Anh ạ,/ Em không trách anh đâu!/ Bởi vì/ Trong trái tim tha thứ của em/ Vầng trăng bắt đầu biến tấu/ Những giai điệu dối lừa… (Bản Sonate).

Nhà thơ cũng nghiệm ra sự thật của cuộc đời: Nếu anh cũng như em/ Đòi nhau sự viên mãn/ Thì điểm gặp của chúng ta/ Còn thảm hại hơn hai hòn bi (Viên mãn).

Người đọc vô cùng cảm động khi đọc bài Chớ vội vàng hỡi con trai yêu (viết cho đứa con trai Thi Giang) của Dư Thị Hoàn. Bài thơ là lời tâm sự hết sức chân thành và ý nghĩa của một người mẹ, thể hiện “tính nữ” của chị rất rõ nét. Người mẹ đã quan tâm chở che, yêu thương con vô bờ; mọi việc làm, mọi sinh hoạt của con đều có mẹ bên cạnh. Nhưng rồi, người mẹ lại lo sợ con trai tuột khỏi tầm tay mẹ: “Từ khi con gọi thầm tên cô thiếu nữ”.

Tình yêu là lẽ sống. Con cũng cần phải có tổ ấm riêng mình. Người mẹ cũng thấu rõ điều đó nên mẹ cũng cảm thấy yên lòng, mẹ cảm thấy ấm áp trong những năm tháng cuối đời. Vì con được hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi. Nhưng trái tim của một người đàn bà trải qua sóng gió, bão táp cuộc đời như chị lại canh cánh một nỗi lo:

Hạnh phúc các con - một tia sáng cuối đời mẹ

Mẹ chỉ lo rồi vụt tắt đi

Một mai con lại thành xa lạ

Với người đàn bà non nớt kia

Một nỗi lo mang đầy tính nhân văn, nhân bản !.

Dư Thị Hoàn là một nhà thơ nữ có cá tính, viết nhiều về nỗi đau, sự cô đơn của thân phận đàn bà. Tiếng thơ Dư Thị Hoàn đã trở thành một hiện tượng trong thơ Việt đương đại. Những bài thơ, tập thơ của chị chính là những “lối nhỏ” để nhà thơ vào đời và kiếm tìm một sự thật, sự thật ấy được nói bằng ngôn ngữ của một nghệ sĩ có tâm và đầy ý thức trách nhiệm. Do vậy, tôi tin thơ chị sẽ có sức sống lâu bền với thời gian./.

Nguyễn Văn Hòa

NỔI BẬT TRANG CHỦ