Ông Hai Rạng về nhà thấy Tính ôm chai rượu nằm võng. Nhà Tính kề bên, biệt thự nguy nga trên đất vườn sang của nhà ông Hai. Ông chỉ còn thẻo đất cất cái nhà lá nhỏ nhoi. Tính gắn bó với ông già độc thân từ thuở con nít.
Ông Hai Rạng về nhà thấy Tính ôm chai rượu nằm võng. Nhà Tính kề bên, biệt thự nguy nga trên đất vườn sang của nhà ông Hai. Ông chỉ còn thẻo đất cất cái nhà lá nhỏ nhoi. Tính gắn bó với ông già độc thân từ thuở con nít.
Cậu nói như lời ca tài tử ba nam sáu bắc về ngôi nhà cửa ra vào không cánh đóng khép, bên trong có cái võng vải giăng cạnh bếp un. Cánh võng vải tuổi gấp rưỡi tuổi cậu, ngọn khói un muỗi thì vương từ mở cõi. Độc chiêu là vách nhà lá máng dàn đờn tài tử gia truyền. Dòm Tính ông Hai nóng máu, thằng tự dưng dở chứng ôm rượu ngoại kìa! ông Rạng rầy: Cháy cái họng mày! Nhắc mày “đế” mức vua. Đế với cá đồng, rau nội, cóc ổi vườn, ớt hiểm… đã khẩu “ngài ngự”. Tửu Tây hỏa họng! Tính mở lời se sẽ: Lưu Linh Nam Bộ! Bác ham cữ sáu câu mút mùa Lệ Thủy thì chặt dừa tươi đổ loãng độ “hỏa” mà nhâm nhi. Bác à! Thời hiện đại phải Lưu Linh Tây, không dính Tây là thua nay thua mai đó. Mở cửa, không ra họ vẫn vào, họ cứ tới “cộng đồng” dính mình vào họ. Chủ động mới có ăn! Bác phải chủ động dính… dính Tây.
- Dính…? ê! Tao… cấp chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt… tao về kinh Long Phụng mày.
- Hì hì… Không ca: “Công danh chi nữa mà nhờ./ Về kinh Long Phụng đặt lờ nuôi em.” Mần ăn không mạnh tính là thua.
- Tao chỉ còn cái ghe tam bản “du ghe hầu” mình ên, tự chèo mà phục vụ mình.
Tính bật dậy khui rượu. Trùng ý rồi! Bác và cháu cùng nghĩ một công chuyện. “Bến du lịch” lập ngay địa bàn mình. Không ngại cánh ghe máy, canô siêu tốc. Có cách, có “móng tay nhọn”. Bác đưa đơn xin ủy ban phường chạy đò du lịch. Quan trọng là tay chèo, không được để váy các cô đầm phồng căng như cánh buồm cuốn họ xuống rạch làm nàng tiên cá. Mươi bữa nữa thấy có đám vu quy tân hôn… ý cháu là ngày tốt, du thuyền Hai Rạng nhập bến lấy khách xịn.
- Nín đi, khách xịn nhất của tao là mày tới nhà này!
- Bác uống đi! Giờ nói tới việc cháu lo “cái ghe hầu”, à cái du thuyền tiếp bác. Chai không giựt, 8X không ngưng lời tính.
- Ai da! @, 8X! Thì uống đốt xác, nghe mày nói!
o0o
Tưởng rượu nói mà ra tay ngon dữ.
Tính hối bác Hai cầm đơn tới phường còn cậu cho tung tin ông Hai lo Hợp tác xã Du lịch và kéo bạn bè tới tu sửa trang trí biến cái ghe tam bản của bác thành du thuyền. Ông Hai nghĩ miên man sao tự dưng thằng Tính sửa soạn cho mình hành nghề vầy? Ông Hai ra chèo tới bến, lỗ nhĩ mông lung lời đàm tiếu. Chẳng giống ai! Ghe mà sơn. Người mần ăn kĩ cho ván xuồng ghe uống dầu, ai mà sơn sơn tô tô như đào tơ vẽ mặt. Nịnh Hà Bá dữ kìa! Họa tiết ông bà vẽ bao lam, thành vọng, tủ thờ mà vẽ lên be ghe, vẽ lên cây chèo. Khỉ khô! Biển hiệu Du thuyền Hai Rạng chữ Anh, chữ Pháp, chữ Tầu, chữ Hàn, chữ Thái… treo như bẹo hàng. Ê, các tay chèo! Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy! Ổng Hai Rạng tính làm chủ nhiệm hợp tác du thuyền đó! Lời nhắc làm “các xã viên tương lai” sáp tới ông Hai đua nhau tiếu:
- Chào sếp Du thuyền! Chào sếp Hợp Tác Xã!
Ông Rạng nâng mái chèo lên cao:
- Tôi ghe tam bản chèo tay hà!
- Sếp bẹo chẳng giống ai!
- Bẹo… Hai Rạng!
- Bẹo… khách hàng!
Trên bến, khách nước ngoài vẫy Du thuyền Hai Rạng. Ông Hai mở cassette chào khách tiếng nước ngoài rộn rạo. Ông mở lái, cây chèo họa tiết vung lên, khách vội lấy máy quay phim chụp hình.
o0o
Du thuyền làm ông Hai Rạng sống thực thực mơ mơ.
Đêm ông mở băng tiếng ngoại nghe cho đã lỗ nhĩ cái sự tài giỏi của thằng Tính. Những lời ý giới thiệu vườn tược cháu mướn dịch ghi băng cho khách, bác chỉ nghe xì xồ mà vui lơ vui lửng. Đó là phần nổi của nỗi sung sướng về công việc, phần chìm là tiền! Một ngày du thuyền kiếm bằng mươi ngày thả lưới giăng câu.
Nghe riết tiếng ngoại ông Hai “ngứa tay” lấy trái cây gọt vỏ. Ông mần kiểu ngoại, cầm ngược lưỡi dao về phía mình. Lộng cộng, dao bâm tay tóe máu. Tính lắc đầu:
- Cầm dao để máu mình chảy. Làm theo cách mình thạo chớ bác.
- Thử ở nhà thôi, ra bến tao theo y chân lời mày. Đưa khách tới những nhà bác cháu đã lựa: có vườn tốt, có tủ thờ, bộ ngựa. Tao tính kĩ giờ con nước từng đường du thuyền, đố ai qua mặt.
- Vậy tính cầm ngược dao gọt trái cây qua mặt ai hay có cô đầm nào bắt hồn bác?
- Phim ảnh mang đi hình ông du thuyền Cửu Long chớ tao vẫn ở miệt vườn
Ông Hai Rạng lấy ra xếp tiền. Tính lắc đầu nói vui cháu không coi lại giùm đâu. Bác mà nhận lộn mấy đồng dola, đồng yên, đồng won “âm phủ” thì… xài lối địa âm. Ông Hai cười ha hả. Vận đỏ, không có chuyện âm phủ âm ti, thế là dứt nợ tiền trang trí du thuyền, bác chờ 8X nói tiếp cách làm dịch vụ đây. Tính đắn đo bác có nên ra những cái bịch đựng trái cây in chữ Du thuyền Hai Rạng… Bịch theo khách, địa chỉ mình theo du khách, năm châu bốn biển người ta nối nhau tới đây bỏ tiền vào túi bác.
Ông Hai vui:
- Hay quá sá!
Tính:
- Không nói giành thương hiệu trái cây Hai Rạng. Cháu nói lo cái địa chỉ in trên bao bì, mà làm đúng hơn phải là bác in “cạc” đưa khách.
Ông Hai sững người:
- In cạc… khách liên hệ bằng alo di động. Cái máy di động tao ráng mang bên mình như mang bịch thuốc gò. Ngặt nỗi alo với khách nước ngoài tao không biết tiếng ngoại có mà giáp mặt ra hiệu tay mới truyền được ý.
Tính cười ngặt nghẹo:
- Vậy mới kêu bác phải uống rượu Tây.
Ông Hai ngồi cúi đầu, một hồi ông lại tính gọt trái cây. Ông trở trở bề lưỡi dao:
- Trời đất! Chẳng hiểu sao nữa! Lúc nói làm cách mình, lúc lại bảo phải theo họ. Cộng đồng hội nhập là thế nào ta?
o0o
Ông Hai ra chèo lầm lũi.
Khách trên du thuyền - ông Pho, đội nón cối ngồi bên cái ba lô cóc. Ở bến du lịch ông Pho kêu thuê bao đò đi Long Phụng mấy ngày theo đường ông chỉ. Người đời đi “xe ôm” còn đòi chỉ huy tay lái. Người ta tiếu chỉ “sếp bến” Rạng, nào ngờ thành mối. Họ đã đi với nhau mấy ngày tới gần lắm cái kinh Long Phụng một thuở. Chỗ ông Pho nỗi niềm nhất là đâu hả rừng sinh thái? Không lẽ dò dẫm chỉ đường hoài, ông Pho đổi cách:
- Cho tôi cầm chèo!
- Đi đò trả tiền chớ quá giang đâu mà chèo?
Ông Pho sáp tới giành việc:
- Đây bám miệt đồng hàng chục năm, tay còn dấu chai dầm chèo nè.
Ông Rạng ngồi ngó bốn bề lòng nao nao thuở “về kinh Long Phụng đặt lơ ứ”. Lúc đó phận ông như con chim con cá lung đồng hoang vu, ông dựng chòi nằm khoèo. Tư dưng cô Nhánh xinh đẹp tháo vát tới bảo mình là người gom hàng ra Ngã Bảy. Cô khuyến khích anh Hai làm điểu dân. Anh coi đặc tính, mùa vụ chim trời đặt bẫy, giăng lưới, móc tổ… bắt những le le, sâm cầm, ốc cao, chằng nghịch lồng lớn lồng nhỏ. Tình yêu của Hai Rạng với Nhánh bùng lên, nàng ngăn. Em người xứ “gạo trắng nước trong” bởi sự ham hố chia trái cấm nên nước trong nổi sóng dạt em tới đây bạn hàng các ngư dân, điểu dân, xà dân. Anh Hai bắt chim số dách nhưng đừng nghĩ thấy cánh chim nào cũng ra tay. Đôi khi Nhánh có quà chợ cho anh chỉ là một loại trái duy nhất nàng ưa thích là vú sữa Cần Thơ quê xứ nàng. Lâu lâu cô ngồi ăn với anh bữa cơm nghe anh chuyện về chim. Chàng thả lời như một vì linh điểu của lung đồng. Những dáng cánh di trú, định cư, những tiếng gụ cặp đôi và những tổ ấm chót vót ngọn cây hoặc sát mặt sóng. Chàng vừa kể vừa khao khát nàng gắn bó để rồi sau bữa buồn rụi nghe lời Nhánh chào cách biệt: Em về lãnh địa của em nhe! Ôi! Rồi cũng có bữa cơm ngon tuyệt trần đời Hai Rạng! Bữa đó anh vừa rót rượu, nàng dành li kêu cưa “trăm phần trăm”. Sau vòng thứ ba, mặt nàng đỏ hồng, lời nàng luyến như tiếng chim trong sương khuya. Nàng ngỏ ý cất chòi tạm trú trên lãnh địa của anh, cất kề sát chòi này. Hai Rạng cầm chai tu, nàng xích tới tựa đầu vào vai chàng. Anh cho em tựa, anh muốn ôm em thì phải chờ. Em chịu anh! Nhưng chúng mình và bao đồng đội về Long Phụng là để cho tâm tĩnh lại, là ta tự hun đúc ý chí bước tiếp. Ta chờ nhau bước tiếp rồi ở với nhau trọn đời trọn kiếp. Anh Hai à, lung đồng có bao nhiêu người ở, em xâm nhập “lãnh địa” của anh là để giữ mình.
Đó là lần đầu tiên, cũng là duy nhất Hai Rạng được phụ nữ cận kề. Mái tóc hương sả vấn vương ấy đủ cho anh ở vậy.
Ông Pho đội cái nón cối che nắng cho ông Rạng. Ông Hai dứt khỏi hồi tưởng la cầm chèo hay vậy! Tưởng được khen, ông Pho đáp chiến tranh tôi từng ở vùng này mà. Ông Rạng nổi nóng:
- Khỉ khô! Đi đi lại lại cái vệt ghe mình rẽ bèo.
Ông Pho cho ghé ghe vào mô đất. Ông mở ba lô lấy nhang và trái cây. Thấy vú sữa Cần Thơ ông Hai dằn lời hỏi:
- Cúng người xưa?
Ông Pho cất lời nửa kể nửa phân bua. Chúng tôi bị kỉ luật, tôi giận lẫy tầm bậy. Tôi… tôi về ở đây. Một lần, giăng câu tôi bị trúng gió gục trên cỏ lác. Không ngờ người cứu tôi lại vẫn là nàng. Tôi tha thiết hàn gắn; nàng nhất quyết không. Tôi cứ đeo tới chỗ nàng dựng lán ở năn nỉ hoài, tình cũ không rủ cũng theo mà. Dính máy bay do thám, nó gọi không lực Vùng Bốn chiến thuật…. Nhánh ơi, sống khôn thác thiêng…
Ông Rạng đập cái nón cối xuống ghe cái chát. Ông Pho trầm giọng:
- Đồ Trung Quốc bền hết biết đó. Giá ông đập đầu tôi được cho tôi nằm ở đây cùng cô Nhánh chia màu cỏ thiên thu!
Bỗng ông Rạng nghẹn ngào:
- Nàng giương súng bắn, vít cái máy bay xuống lều của nàng nổ tung. Chỗ nàng yên nghỉ ở cánh rừng bển…
o0o
Tính chạy obo đi kiếm bác Hai. Làm du thuyền mà bỏ ngang sương mất chỗ bác lại nghèo mạt, thằng cháu này cũng thua tính vụ này. Cậu gặp hai ông già thắp nhang đỏ đầu mũi ghe tới lui quanh quẩn khu vực cô Nhánh ở. Ông Pho chưa hết lịch trình thăm viếng, kêu dân vùng sinh thái cho đi tiếp. Tính buộc du thuyền vào obo kéo về. Ông Hai Rạng cười cười. Giá bác chịu sắm cái điện thoại di động cháu không phải đi kiếm cực. Từ nay cháu bảo làm chi bác làm nấy liền. Tính tăng tốc độ cái obo kẹt cứng bèo cỏ đường nước cao cả thước. Ông Rạng bảo tụi mày quen đường thoáng rộng. Ông cầm cây dầm lái quơ quơ xuống đám lục bình cỏ lác, ông lẹ tay chộp con rắn quay quay thảy nó ra xa làm Tính sợ hết hồn. Gỡ cỏ quấn obo xong ông Rạng thủng thẳng nhắc cấp trước sống chung với rắn độc làm điểu ngư. Thấy Tính nhìn mặt mình như dò lời, ông Rạng chu mỏ huýt gió tiếng chim cất lên véo von từng hồi từng hồi. Thế là một con hai con rồi cả chục con chim bay tới đậu trên cây hót ríu ran. Bất chợt ông Rạng đổi giọng huýt “choét” thất thanh, lũ chim hốt hoảng tung cánh vụt đi. Ông Rạng bảo:
- Xưa tao bắt hàng lồng bỏ mối, bây giờ chúng là chim, rắn quý của rừng sinh thái…
Tính nổ máy, cất lời hóm hỉnh:
- Chim rắn “sách đỏ” kỉ vật một thời của nàng Nhánh!
Cái obo ra khỏi vùng rừng, ông Hai lại nhắc hỏi cách dịch vụ du lịch mới? Tính bảo việc nhỡn tiền từ xưa mà bác cứ nghĩ kiếm tìm đâu đâu. Ngày xưa có ghe hầu du ca tài tử. Ông Rạng gật đầu:
- Tao có nghĩ… nhưng chẳng lẽ cái ghe chèo nhỏ mà nhóm một ban nhạc?
Ôi, bác tính tới rồi! Tính khích lệ: du lịch ca cổ sao không? Ban nhạc nhưng chỉ một người vừa là danh cầm vừa là danh ca. Nghệ nhân Hai Rạng từng lừng danh miệng ca tay đờn. Bác ca cả giọng kép giọng đào mới độc. Bác đờn được tất các loại được. Từ trai trẻ bác đã chơi đủ ngón tài tử để nay có ban nhạc nhất nghệ nhân. Hay! Tài tử toàn năng hút hồn, khách ngoại móc ví… Còn nữa, khách mở ví bởi tay cầm đờn như trở bề cầm lưỡi dao. Ý là cháu nói mấy loại đờn guitar phím lõm tài tình và đờn gáo, đờn cò đặt dưới giò mà ngân giọng violon xứ người ta gác vai. Du thuyền tới nhà vườn, bác độc diễn các loại nhạc cụ và bác ca… cục yết hầu cần cổ nhương nhướng xuống xề. “Boa!” “Boa!” ông Hai vỗ ván sàn, mày nói nghe phát ham nhưng phải tính chớ kiểu này coi bộ giống chuyện ông bà kể anh chàng vợ bị bệnh đi cầu thần linh. Anh ta hứa lễ tạ tía lia khi vợ khỏi bệnh. Lần nhất lễ tạ con hai chân… con vịt. Lần nhì bốn chân, là heo. Quá tam lần ba hứa lễ tạ con vật tám chân. Lễ vật? Ồ, con cua tám cẳng hai càng! Lần sau nữa, hứa con nhiều nhiều chân hơn. Con gì? Ê con rít! Kinh tế thị trường mà vầy chắc chìm xuồng, cửa mở xuồng chìm hết đi. Du thuyền phải lớn và Ban nhạc phải đông tài tử mày. Xứ mình nhiều người ca muồi, đờn bá phát mà đang sống khó khăn, họ nghèo khó như mình khó nghèo. Ngày trước cô Nhánh phải có nhiều ngư dân, điểu dân mới có hàng gom ra Ngã Bảy. Nghe kịp không? Nghe kịp bác Hai à. Chưa dựng hợp tác xã du thuyền thì kêu nhau cùng làm Du thuyền tài tử. Bác tính hơn thằng cháu 8X bồng bột chỉ lo cá nhân ghe một chèo, nhất tài tử. Nay mai ngôi nhà cửa ra vào không làm cánh đóng khép của bác sẽ dập dờn tiếng đờn lời ca của ban nhạc du thuyền. Tính vui bốc đồng: bác chu mỏ huýt sáo thêm tiết mục những tiếng chim rừng sinh thái. Phải rước ngày nào mắc “làm chiến sĩ” chưa thực hiện kịp cái “dự án chung lãnh địa” về cho mái tóc hương sả gầy hứng lên “tiếng chim môi” của rừng sinh thái ríu ran du thuyền. Ông Hai cảm động:
- Có nhân có nghĩa! Tính vụ tiền âm phủ với mày thôi. Tao cho mày thổ cư.
- …
- Thằng nghe không kịp kìa. Thổ cư của bác cái nền nhà có bến nước, còn miếu Thổ Thần Ranh cựu đó. Tao cho đất, sau này mày cúng giỗ tao và cổ đốt tờ vàng tờ tiền. Chịu không?
Tính sướng lặng người. Nói vậy là bác nhận mình là con cháu trong nhà. Tính @, Tính 8X được thêm người cha nữa.
Ông Hai xích tới cất lời oang oang:
- Di chúc đàng hoàng. Lo xong cái vụ Du thuyền đờn ca tài tử là tao kiếm luật sư làm di chúc liền.
Tính ngả vào vai bác gọi: Cha!
Cái obo lướt tới.
Lương Minh Hinh