(Tổ Quốc) - Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, sáng 11/3, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột đã thu hút hơn 450 đại biểu trong và ngoài nước đến tham dự.
Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 nhằm xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh năm 2023 và thời gian tới. Đây cũng là dịp để Đắk Lắk quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP của tỉnh nói riêng và các địa phương nói chung.
Hội nghị có sự tham dự của Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà; Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Nguyễn Nam Hải; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và các nhà nhập khẩu; nhà phân phối; sàn thương mại điện tử; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk có khoảng 210.000 ha cà phê, sản lượng bình quân hơn 550.000 tấn. Lượng cà phê xuất khẩu hơn 380.000 tấn, đạt kim ngạch hơn 800 triệu USD, chiếm hơn 21% về lượng và 20% về kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước.
Hiện nay, cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột và được bảo hộ tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện đa phần các cơ sở chế biến cà phê của Đắk Lắk hoạt động với quy mô nhỏ, chế biến khô với trang thiết bị máy móc đơn giản. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh và an ninh thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, kinh tế thế giới lạm phát cao gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cà phê. Do đó, để hội nhập và theo kịp sự đổi mới của thị trường cà phê thế giới, việc kinh doanh không chỉ là câu chuyện mua bán sản phẩm mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
"Hội nghị kết nối giao thương quốc tế lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột càng khẳng định quyết tâm của Đắk Lắk đưa cà phê Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới" ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 chính là cầu nối thiết thực cho các DN kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà phê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác, các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng cà phê lớn trên toàn cầu. Từ đó thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có những tham luận góp phần đóng góp, xây dựng thị trường cà phê Việt Nam đạt chất lượng hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu đến các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đồng thời các nhà nhập khẩu nước ngoài và các DN xuất khẩu cà phê trong nước đã được gặp mặt, trao đổi về cơ hội hợp tác.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk - Lê Đức Huy cho biết, Cà phê Việt Nam đang được đánh giá chất lượng hàng đầu của toàn thế giới, là nước tiên phong trong xây dựng thương hiệu cà phê Robusta với vùng cà phê đặc sản kết nối hàng trăm nông hộ nông dân tham gia những cuộc thi, xúc tiến thương mại thành công với nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Ý.
Tuy nhiên, việc nâng tầm giá trị cho ngành cà phê Việt Nam từ 4 tỷ USD lên trên 10 tỷ USD thì còn rất nhiều trăn trở, còn rất nhiều việc phải làm. Ngành Cà phê Việt Nam cần tập trung vào chế biến sâu, có cơ chế ưu đãi, nâng cấp về cơ sở hạ tầng kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa, mở rộng các khu sản xuất, chế biến trong thời gian đến.
Ông Guofeng Yang Xi - Đại diện DN đến từ Trung Quốc chia sẻ, công ty hiện đang hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa chủ yếu qua kênh thương mại điện tử đối với tất cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Hiện hệ thống phân phối của đơn vị trải khắp thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới. Đến với sự kiện lần này, công ty hy vọng có thể đạt được sự hợp tác với các công ty nông sản và sản phẩm phụ của Đắk Lắk. Đồng thời kết hợp lợi thế của hai bên để cùng nhau thúc đẩy phát triển thương mại song phương một cách bền vững.
Cũng theo nhiều doanh nghiệp, trong bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt, cần đề cao và luôn nhấn mạnh quan điểm chế biến sâu sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với xuất khẩu nguyên liệu thô. Đây chính là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương tới thị trường nội địa và quốc tế.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá: Tiềm năng và nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất lớn, các ngành chức năng và các doanh nghiệp địa phương cần phải đưa ra các giải pháp thích hợp, như tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu, tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu.
Bên lề Hội nghị còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các DN; quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh và những địa phương khác... hay những phương án kêu gọi đối tác hợp tác đầu tư vào chuỗi chế biến, cung ứng thị trường cà phê xuất khẩu trong thời gian đến.
Thông qua chương trình, tại hội nghị, các công ty chế biến, xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã có 10 ký kết biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác với các đối tác thuộc tập đoàn, công ty đa quốc gia trong thời gian tới.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cà phê, thời gian qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành triển khai nhiều giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các doanh nghiệp thu mua nông sản nói chung và cà phê nói riêng phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.