• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​Đưa di sản vào trường học: Nhìn từ Hoàng thành Thăng Long

30/01/2018 10:13

(Cinet) - Chúng tôi đặt ra mục tiêu giáo dục gắn với di sản. Bằng khoa học và các hình thức chúng tôi gắn di sản thật dễ hiểu đưa vào giáo dục - ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

(Cinet) - Di sản Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội là một địa chỉ văn hóa, một trong những điểm đến tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Di sản đặc biệt này có bề dày lịch sử hơn 1300 năm với các tầng văn hóa khảo cổ học độc đáo.



“Cái khó” trong việc tiếp cận du khách của di sản về khảo cổ học



Hiện nay, khu di sản  Hoàng thành Thăng Long còn một số công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng từ thời Lê và thời Nguyễn như: Cột Cờ Hà Nội, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn và các di tích Cách mạng quan trọng như Nhà D67 và Hầm D67.



Nằm ngay trung tâm của thủ đô Hà Nội, khu di sản có điều kiện thuận tiện để kết nối với các điểm di tích nổi tiếng khác như Lăng Bác, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, di tích danh thắng Hồ Tây, làng cổ Đông Ngạc, làng gốm Bát Tràng…

Trải nghiệm Lễ hội truyền thống dịp Tết tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Gia Linh

Năm 2017, khu di sản Hoàng thành Thăng Long vinh dự lần đầu tiên được trao giải thưởng điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam cùng với các điểm đến như: Hoàng cung Huế, Khu di tích Văn Miếu – Quốc tử giám, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Khu di tích địa đạo Củ Chi, Thung lũng hoa Đà Lạt.



Tuy nhiên, khác với nhiều điểm đến khác tại Thủ đô Hà Nội, Di sản Hoàng thành Thăng Long dù mang trong mình những giá trị to lớn nhưng những giá trị đó lại không bộc lộ một cách trực quan. Chính điều này đã gây khó khăn trong việc tiếp cận của du khách. Bởi nhiều giá trị chỉ có thể được cảm nhận qua những hiện vật khảo cổ, trong khi những dấu vết nền móng công trình… vô cùng khô cứng, khó dung nạp, và không nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách.



Xét về lượng du khách so với các điểm đến khác tại Thủ đô, lượng du khách tới với Hoàng thành còn hạn chế. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, “Có lẽ cách tiếp cận với cộng đồng của chúng tôi vẫn chưa đạt. Hoặc có những giá trị mà thế giới công nhận nhưng chúng ta chưa diễn giải để cộng đồng hiểu được. Tức là các nhà khoa học luôn nhìn thấy những giá trị tuyệt vời của di sản nhưng người dân số đông không nhìn thấy. Do đó, năm nay chúng tôi đặt ra vấn đề diễn giải di sản là vấn đề vô cùng quan trọng. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi hình thức và đánh vào các giác quan cho các đối tượng.” 



Điều đó có nghĩa, thay vì du khách trước đây tham quan Hoàng thành một cách thụ động. Hoàng thành Thăng Long sẽ đổi mới hoàn toàn hoạt động tham quan, ở đó du khách phải là trung tâm. Để hấp dẫn được du khách, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phải trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để làm mới những giá trị cũ? Làm thế nào để khám phá di sản Hoàng thành Thăng Long trở thành một hành trình hấp dẫn? Đâu là những “khách hàng tiềm năng”?



Giáo dục gắn với di sản

Giới thiệu về Tết Việt cho học sinh tại di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Gia Linh

Đó cũng là một trong các lý do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội hướng sự quan tâm của mình vào các du khách nhí và chú trọng công tác giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, thông qua việc xây dựng những chương trình học tập phù hợp, sinh động, cuốn hút và hết sức bổ ích cho các em học sinh thuộc nhiều lứa tuổi. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều bảo tàng, di tích tại Việt Nam hiện nay. Tại Hoàng thành Thăng Long, các em được học mà chơi, chơi mà học, chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, từ đó góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm…



Ông Trần Việt Anh chia sẻ: “Chúng tôi đặt ra mục tiêu giáo dục gắn với di sản. Bằng khoa học và các hình thức chúng tôi gắn di sản thật dễ hiểu đưa vào giáo dục. Hiện nay tôi đã gặp chủ tịch các Quận quanh khu di sản và đề nghị các phòng giáo dục gắn giáo dục với di sản, đưa các em học sinh tới tìm hiểu. Phải làm thế nào để truyền tải cả chiều dài lịch sử qua hình vẽ, qua minh họa, thuyết minh? Do đó chúng tôi làm mọi cách để diễn giải di sản một cách dễ hiểu nhất.”



“Việc chúng tôi trồng hoa hướng dương ở Hoàng Thành cũng không nằm ngoài mục đích đó. Nếu đầu tiên khách đến với chúng tôi chỉ để chụp ảnh nhưng sau họ sẽ tiếp cận với di sản bằng hình ảnh. Tức là du khách có thể tiếp cận di sản bằng nhiều cách”, ông Việt Anh cho hay.

Trải nghiệm tập gói bánh trưng. Ảnh: Gia Linh
Tranh dân gian dưới góc nhìn của họa sĩ nhí. Ảnh: Gia Linh

Để tạo điểm nhấn, nhiều chương trình giáo dục di sản kết hợp trải nghiệm đã được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Riêng trong năm 2017, nhiều chương trình hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long đã gây được tiếng vang. Gần đây là chương trình dịp Tết Trung Thu, chương trình Tết Việt 2018 khai mạc vào ngày 22/1 vừa qua thu hút rất đông học sinh các trường trên địa bàn Thủ đô tham gia.



Em Khánh Chi – Trường THCS Hoàng Hoa Thám tham gia trải nghiệm tại chương trình Tết Việt 2018 chia sẻ: “Em rất thích thú với các hoạt động trải nghiệm hôm nay. Chương trình có nhiều hoạt động như: tìm hiểu phong tục Tết của người Việt, tập vẽ tranh Đông Hồ, tập gói bánh trưng, tập làm hoa đào tết, các trò chơi dân gian… hoạt động nào em cũng rất thích. Các hoạt động giúp em có thêm nhiều thông tin về phong tục tập quán của người Việt dịp Tết Nguyên đán.”



Từ thực tế công tác giáo dục gắn với di sản tại Hoàng thành Thăng Long có thể nhận thấy vai trò quan trọng của phòng giáo dục các quận, huyện cũng như Ban Giám hiệu nhà trường trong việc đưa học sinh tiếp cận với các di sản văn hóa của dân tộc qua các chuyến đi thực tế sinh động. Bởi nếu không có sự đồng thuận từ các đơn vị này, việc đưa học sinh tới trải nghiệm tại di sản thật sự khó khăn và thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, phía các di sản nói chung và Hoàng thành Thăng Long nói riêng cần thường xuyên thay đổi các hình thức giáo dục, trải nghiệm thật hấp dẫn, không trùng lắp, có tính tương tác cao với đầy đủ dụng cụ, mô hình để học sinh luôn tìm thấy sự hứng khởi khi tham gia các chương trình tại đây.





Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ