Đưa nghệ thuật Chèo đến gần với khán giả hơn qua nền tảng công nghệ số
(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh phát triển công nghệ số nhằm tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả.
Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và các đơn vị nhà hát thuộc Bộ nói riêng. Theo thông lệ hàng năm, khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến đầu hè là thời điểm thuận lợi cho lịch biểu diễn của các nhà hát. Thế nhưng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ khoảng đầu năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay đã khiến cho mọi kế hoạch thay đổi, gần như không thể thực hiện.
Chia sẻ với chúng tôi, NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh đã gây ra không ít khó khăn với nhà hát Chèo Việt Nam. Từ đầu năm 2020, có rất nhiều chương trình phải thay đổi lịch do ảnh hưởng của dịch. Đối với những chương trình diễn ngoài trời, chúng tôi phải thay đổi bằng cách ghi hình và đưa vào gìn giữ, sưu tầm, lưu lại làm tư liệu…nhiều buổi biểu diễn dù đã có kế hoạch từ trước nhưng cũng bị hủy do dịch bệnh bùng phát".
Theo NSƯT Thanh Ngoan, trong thời gian qua, Nhà hát Chèo phải hủy gần như toàn bộ các suất diễn phục vụ chính trị cũng như hợp đồng lưu diễn các tỉnh. Không có chương trình, nhà hát gặp vấn đề lớn trong việc chi trả tiền lương cho anh em nghệ sĩ.
Để đảm bảo cho các hoạt động của nhà hát được diễn ra theo đúng kế hoạch nhằm duy trì thu nhập đồng thời giữ lửa cho nghệ sĩ, ban lãnh đạo nhà hát đã thay đổi cách thức biểu diễn bằng phương án "chuyển đổi số". Quyết định này đã mang về những tín hiệu tích cực.
NSƯT Thanh Ngoan cho biết, trong bối cảnh hiện tại, nếu như không áp dụng công nghệ thông tin vào các buổi biểu diễn thì các tác phẩm của nghệ sĩ sẽ rất khó để được quảng bá đến với đông đảo người hâm mộ.
"Trước đây, khán giả đã quen đến rạp theo dõi các buổi biểu diễn, nhưng từ năm 2020 nhà hát đã tiến hành chuyển đổi số khi đưa những tác phẩm lên các nền tảng công nghệ. Những buổi biểu diễn trực tuyến giúp khán giả từ bất cứ đâu cũng có thể theo dõi được các trích đoạn Chèo do các nghệ sĩ của nhà hát biểu diễn. Từ đó, nhận được những phản hồi tích cực của khán giả ngay cả trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. " – NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ.
Đây là nguồn động viên rất lớn đối với tập thể ban lãnh đạo, nghệ sĩ Nhà hát Chèo trong bối cảnh toàn dân đang chống dịch, đồng thời cũng là dịp để các nghệ sĩ giữ được "lửa" nghề, tiếp tục luyện tập, để ngay khi hết dịch, họ có thể tiếp tục sản xuất ra những tác phẩm mới, chương trình mới để phục vụ khán giả.
Cũng theo NSƯT Thanh Ngoan, đây còn là dịp các nghệ sĩ tự soi lại mình, để khán giả có thời gian theo dõi và nhìn nhận kĩ lưỡng hơn loại hình nghệ thuật truyền thống này. Ngoài ra, qua các chương trình của Bộ, Cục cũng có thêm nguồn thu nhập cho các nghệ sĩ trong thời kì dịch bệnh khó khăn.
Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, tập thể ban lãnh đạo, nghệ sĩ của nhà hát chèo Việt Nam cũng đã có được những thành công nhất định khi số lượng khán giả quan tâm đến môn nghệ thuật truyền thống này đã tăng cao, lượng khán giả truy cập mỗi buổi diễn của Nhà hát Chèo đông đảo hơn so với việc theo dõi trực tiếp. Những thành công này đủ để Nhà hát chèo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
"Việc áp dụng CNTT mang lại kết quả hoàn toàn khả quan. Nền tảng online sẽ giúp cho nghệ thuật Chèo dễ dàng tiếp cận khán giả hơn. Có thể, đây chưa phải là nguồn thu nhập lớn, nhưng trong tương lai sẽ phương thức chính để phát triển" – NSƯT Thanh Ngoan nói.
Cũng theo Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, đơn vị đã có kế hoạch tiếp tục triển khai các buổi biểu diễn lên các nền tảng xã hội như Youtube, Fanpage nhà hát… Ngoài ra, ban lãnh đạo và các nghệ sĩ cũng sẽ chủ động đổi mới nội dung chuyển tải, tìm kiếm các phương thức mới cũng như tuyên truyền rộng hơn về phòng chống dịch bệnh./.