(Tổ Quốc) - Người cha, người mẹ khi về già, nên cô đơn trong 4 bức tường với bệnh tật, với người giúp việc hay nên đến với Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi để có bạn bè? Thế nào là đạo hiếu? Đây là một trong những vấn đề đặt ra của triển lãm ảnh “Chuyện tuổi già”.
Kỷ niệm 25 năm ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991 – 1/10/2015), ngày 30/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức đã tổ chức khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề “Chuyện tuổi già”.
Triển lãm là những tâm sự về niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn và sự cô đơn của các cụ già sống tại Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức – nơi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chọn để nghiên cứu.
NSND Trần Phương và NSND Tuệ Minh hội ngộ tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức |
33 cụ già được lựa chọn để họ tự kể câu chuyện về đời mình với những ước mơ và tâm sự của tuổi xế chiều. Những tâm sự giản dị ấy chất chứa những giá trị sống để người xem lắng nghe, suy ngẫm, ít nhiều rút ra những bài học kinh nghiệm cho chính mình để sau này không phải nói “giá như”.
Theo BTC triển lãm cho biết giữa 300 bức ảnh do các cụ chụp, Bảo tàng Phụ nữ đã lựa chon được 28 bức đề giới thiệu đến công chúng. Các khó của việc trao máy ảnh cho nhân vật đối với người già là bởi họ đã yếu, mắt đã mờ, tay đã run nên để chụp được một bức ảnh cần hướng dẫn tỉ mỉ và dẫn dắt nhiều hơn. Những bức ảnh do người già chụp có thể không hoàn hảo, lung linh mà cái bị rung, cái bị mờ, cái bố cục chưa đẹp… nhưng chính điều đó tạo nên sự chân thực của cuộc triển lãm. Thông qua những bức ảnh rất đời thường, những người già sẽ kể những câu chuyện về quan niệm sống, tình bạn, tình yêu, hồi ức về chồng con, gia đình… với nhiều cung bậc cảm xúc.
Theo đó, bằng phương pháp tiếp cận nhân học và trao máy ảnh cho nhân vật, những câu chuyện đời thực tế về cuộc sống của người già đã được thể hiện qua 3 chủ đề: Ước mơ; Tâm sự tuổi già; Nơi cuộc sống mới bắt đầu.
Khi nói đến ước mơ, người ta thường nói đến tuổi trẻ với đầy hoài bão. Nhưng không phải người già thì không có ước mơ. Ước mơ của người già, đã mấy ai suy nghĩ về nó. Những ước mơ giản dị, thậm chí nhỏ nhoi mà đến cuối cuộc đời họ vẫn mong đợi: Ước mơ có vợ, con như bao người khác; được về quê đón một cái Tết cuối đời; được có nhiều bạn bè để tâm tình trò chuyện; được đi du lịch một chuyến nước ngoài hay chỉ là được về nơi chôn rau cắt rốn khi từ biệt cõi đời…
Người già cần có bạn để tâm tình |
Những ước mơ ấy, lần đầu tiên được chia sẻ rộng rãi tại triển lãm như một tiếng chuông đánh thức những tâm hồn của những người con vô tình vì sự bận rộn của cuộc mưu sinh mà quên mất chính đấng sinh thành ra mình khi thời gian để ở bên nhau không còn bao lâu nữa.
Cùng với bệnh tật, tuổi già phải đối mặt với nỗi cô đơn. Con cháu đi làm từ sáng đến tối, nhiều người già phải ở nhà một mình “chỉ biết ôm ti vi”, hoặc làm bạn với người giúp việc. Người già thường sống bằng ký ức, hay hoài niệm về quá khứ. “Tâm sự tuổi già” là những câu chuyện đời thường của các cụ về cuộc sống, về tâm tư, tình yêu thương và hạnh phúc. Lắng nghe tâm sự của người già để hiểu hơn và yêu thương hơn người cha, người mẹ của mình.
Bà Lê Thị Nhật, 84 tuổi, ở Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, bị khớp, mỗi lần đi lại rất đau, hàng xóm cũng là hàng phố, người ta ít qua lại nên chỉ biết ở trong nhà. Buồn và cô đơn trong 4 bức tường.
Hay như cụ Nguyễn Thị Lai, 90 tuổi ở Vọng Đức, Hoàn Kiếm chia sẻ: “Buồn, cô đơn lắm. Các con, cháu đi học, đi làm từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mới thấy mặt. Ở nhà với giúp việc nhưng không thấy thoải mái”.
Không được cận kề con cháu, nhưng nhiều khi, tuổi già sợ cả việc mình không còn phù hợp khi trò chuyện cùng con cháu. Đạo diễn, NSND Trần Phương nổi danh một thời bây giờ cũng đối mặt với nỗi sợ của tuổi già. Ông chia sẻ: “Chục năm nay tôi lẩm cẩm không làm gì được nữa… nhiều khi tôi sợ nói chuyện không phù hợp với con cháu, thành ra thấy lúng túng trước bọn trẻ”.
Bên cạnh ước mơ với tâm sự tuổi già, triển lãm cũng thể hiện quan điểm khác nhau của cộng đồng về việc đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là “Tất yếu” hay “Bất hiếu”- một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi không phải là nơi “giam giữ” người già mà nơi cho họ một cuộc sống mới. Thay vì cô đơn, tách biệt với cộng đồng khi đến tuổi già, những người cao tuổi đã có một mái nhà chung.
Cụ Hồ Tấn Thạch, 88 tuổi ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội kể: “Vợ mất, tôi ở với con gái, hàng ngày con gái đi làm từ sáng đến tối mới về, có một mình tôi ở nhà, cô đơn và buồn lắm. Con gái đưa tôi vào Trung tâm 3 tháng nay rồi. Ở đây tôi thấy vui và thoải mái, có bạn để tâm sự, được chăm sóc chu đáo, sức khỏe tốt lên nhiều. Tôi không muốn về nhà nữa, sẽ ở đây đến cuối đời”.
Người xem triển lãm sẽ tự hỏi, bản thân đã hiểu mong muốn của cha mẹ mình hay chưa |
Hay như cụ Nguyễn Thị Lai, gia đình có điều kiện nhưng bà lại thích sống ở viện dưỡng lão. Bà kể, lúc đầu khi đưa bà vào đây, các con cháu lưỡng lự lắm vì sợ mang tội bất hiếu. Nhưng bà cứ đòi đi xem thử thôi, khi con cháu đưa lên đến nơi thấy cảnh đẹp, bà thuyết phục con cháu cho ở lại luôn. Bây giờ bà vẫn thích ở Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi.
Mỗi người già là một nỗi niềm, một câu chuyện, một mong muốn khác nhau. Có thể, triển lãm chưa nói hết được tất cả những mong muốn của tuổi già, chưa nói hết được những vấn đề xã hội mà người già đang phải đối mặt. Nhưng ít nhất, qua những câu chuyện, người xem triển lãm sẽ giật mình nhìn lại, xem bản thân mỗi người đã hiểu mong muốn của cha mẹ mình hay chưa và đã làm được gì để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. Đó cũng là một trong những ý nghĩa mà Ngày Quốc tế người cao tuổi hướng đến./.
Ngày 30/9, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đã tổ chức khai mạc triển lãm ảnh chuyên đề “Vẻ đẹp không tuổi” giới thiệu 25 tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn. Bằng việc nắm bắt cái đẹp dung dị, không hoàn hảo của tuổi già, Rehahn đã khắc họa chân thực vẻ đẹp của các nhân vật. Mặc tuổi già, những người phụ nữ này vẫn hàng ngày hưởng thụ cuộc sống của chính mình. Mỗi bức ảnh thể hiện thần thái khác nhau của các nhân vật, là sự vui tươi, tự tin, thông thái và am hiểu của tuổi già để minh chứng hung hồn cho vẻ đẹp không tuổi. Theo kế hoạch tác giả sẽ có buổi ký tặng sách vào ngày 19/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Bài, ảnh: Hồng Hà