• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đưa văn hóa Cơ-tu vào giảng dạy trong trường học

19/07/2017 15:36

Nhiều năm qua, trường PTDT Nội trú THCS Tây Giang, huyện Tây Giang, Quảng Nam, đã đưa văn hóa của người Cơ tu vào những giờ học ngoại khóa.

Nhiều năm qua, trường PTDT Nội trú THCS Tây Giang, huyện Tây Giang, Quảng Nam, đã đưa văn hóa của người Cơ tu vào những giờ học ngoại khóa.
 
Thầy A Lăng Điếu và thầy Bling Voi đang dạy học sinh đánh chiêng


Có hẳn lớp dạy đánh trống, chiêng, thổ cẩm



Tại tiền sảnh của khu học tập trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Tây Giang, thầy giáo B’Ling Voi đang lom khom đánh chiêng. Xung quanh, lũ học trò nhỏ ngồi xúm lại, mắt háo hức nhìn thầy chỉ dẫn từng động tác. Thi thoảng chúng lại nhao nhao hỏi thầy, rồi xung phong lên đánh thử. Đây chính là lớp học đánh chiêng của trường.



Đã thành lệ, cứ 5 giờ chiều ngày thứ 3 - 5 - 7, thầy và trò tập trung nhau lại cùng học đánh trống, chiêng. 4 năm rồi, em A Tiêng Thoảng, lớp 9/1 chưa nghỉ buổi nào ở lớp học vui nhộn này.



“Em thích. Thấy điệu hắn hay. Em đánh được 4 điệu chiêng và 3 điệu trống như bài lễ hội đâm trâu, đám cưới, lễ mừng lúa mới” - Thoảng nói.



Em B’liêng Truy, học lớp 9/3, mỗi ngày dành khoảng một tiếng để học đánh trống. Em bảo, được học, được chơi nhạc cụ truyền thống là niềm vui, niềm hạnh và thấy yêu hơn văn hóa dân tộc mình: “Chơi chiêng, chơi trống, em hiểu hơn văn hóa của dân tộc mình. Em chỉ muốn giữ được nó mãi. Lên học cao, em rất muốn khoe với các bạn về phong tục, văn hóa của người Cơ tu mình”.



Theo thầy B’Ling Voi, một trong 2 giáo viên dạy cồng chiêng của trường, bắt đầu từ năm 2012, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và đưa việc học đánh cồng chiêng trở thành một trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ban đầu là những em có sở thích, năng khiếu tham gia, tới nay, trường có hẳn một đội đánh chiêng nhí chuyên nghiệp gồm 6 em.



“Đội trống chiêng gồm 16 em, trong đó, 6 em trực tiếp đánh trống chiêng, 10 em là đội múa. Ở đây duy trì từng tháng các em tập luyện. Tự hào nhất là các em đánh trống, đánh chiêng được” – Thầy B’Ling Voi nói.



Nhà trường trích một phần ngân sách của hoạt động ngoại khóa để đầu tư một bộ trống chiêng trị giá 15 triệu đồng để học sinh học tập.



Song song với việc dạy và học nhạc cụ truyền thống, nhà trường đưa điệu múa tung tung za zá - một điệu múa của người Cơ tu vào lớp học. Trường thành lập được đội múa gồm 26 em.



Bên cạnh việc dạy múa, dạy đánh chiêng, nhà trường chú trọng việc dạy dệt thổ cẩm Cơ tu cho học sinh trong các giờ ngoại khóa. Nhiều em gái, từ bỡ ngỡ, tò mò, nay đã thuần thục tự dệt và thêu cho mình những bộ trang phục ưng ý.



Chị K’Lâu Thị Đéc, nhân viên cấp dưỡng, cũng là người dạy thổ cẩm của trường, tự hào khi đào tạo được nhiều học trò biết dệt, biết thêu. Giờ đây, chị không còn lo lớp trẻ quay lưng lại với cái nghề của cha ông mình truyền lại nữa.



“Ở trường như được sống giữa làng mình!”



Thầy trò Trường PTDT Nội trú THCS Tây Giang còn tổ chức tái hiện các lễ hội truyền thống vào các giờ sinh hoạt ngoại khóa, như lễ hội ăn lúa mới – một lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Cơ tu. Hàng năm cứ đến tháng 11 dương lịch, thầy và trò trong trường lại tưng bừng tham gia lễ hội này. Tại đây, các em được tham gia hóa trang, thi ẩm thực Cơ tu, đố vui về văn hóa Cơ tu…



Thầy A Lăng Điếu, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Thi thố, các em không chuyên nghiệp nhưng rất tích cực. Thi làm bánh sừng trâu, thi vấn đáp về văn hóa Cơ tu, hóa trang những nhân vật như già làng, các thần, các con vật… trong các lễ hội. Thông qua đó để các em nhận thức được văn hóa của mình, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống”.



Các chương trình giao lưu, các cuộc thi văn nghệ cũng được nhà trường tổ chức thường xuyên vào các ngày lễ lớn như 20/10, 8/3, thậm chí là hàng tháng… Tất cả đều thấm đẫm văn hóa Cơ tu.
 
Đội văn nghệ nhí - niềm tự hào của Trường PTDT nội trú THCS Tây Giang


Đặc sắc hơn, ngôi nhà gươl - ngôi nhà cộng đồng xưa nay chỉ có ở trong mỗi làng của người Cơ tu thì giờ đây cũng được dựng trong khuôn viên khu học tập của trường. Ngôi nhà rộng gần 20m2 trở thành điểm vui chơi, văn nghệ hay đơn giản là nơi học sinh đến nghe các thầy kể chuyện sử thi vào mỗi chiều thứ 7.



Có một điều thú vị, buổi chào cờ sáng thứ hai hằng tuần của thầy trò Trường PTDT nội trú THCS Tây Giang luôn sặc sỡ sắc màu như làng vào hội. Nữ sinh rạng rỡ trong chiếc váy hoa thêu truyền thống. Còn nam sinh, bên ngoài chiếc áo trắng học trò được khoác thêm chiếc áo thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu.



Được nghe tiếng trống, tiếng chiêng trong trường học, được thấy sắc màu dân tộc hiện lên trên bục phấn, bảng đen khiến các em ở trường như đang sống giữa làng mình. “Em thường lên nhà gươl chơi, nghe mấy thầy kể về chuyện cổ tích ngày xưa, chim thú, coi ti vi. Ở làng mình cũng có nhà gươl, cũng tham gia với dân làng, trên nhà gươl cũng vui chơi các trò chơi dân tộc Cơ tu. Khi thấy ở trên trường có một nhà gươl như thế này em thấy rất gần gũi, thấy lòng mình như đang ở quê mình” – Em B’Nướk Thị Bi La, học sinh lớp 9/3, bảo.



Huyện ủy Tây Giang đã có Nghị quyết 09 về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Cơ tu. Hiện, toàn huyện Tây Giang có 60/70 thôn có gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), 8/10 gươl xã và có 5 trường học có gươl. Có trên 90% trường học đưa điệu múa tung tung za zá và múa trống, chiêng vào sinh hoạt ngoại khóa.



Theo vov

NỔI BẬT TRANG CHỦ