• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đưa vào ứng dụng thí điểm công nghệ tái sinh bê tông nhựa sửa chữa mặt đường thông minh

Thời sự 21/04/2018 20:03

(Tổ Quốc) - Tổng Cục Đường bộ Việt Nam lần đầu tiên đã đưa vào ứng dụng thí điểm công nghệ tái sinh bê tông nhựa sửa chữa mặt đường thông minh, thân thiện với môi trường…

Ngày 21/4, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết lần đầu tiên đã đưa vào ứng dụng thí điểm công nghệ tái sinh bê tông nhựa sửa chữa mặt đường thông minh, thân thiện với môi trường và siêu tiết kiệm để  sửa mặt đường hư hỏng, xuống cấp tại QL1A (đoạn Km 990+300 – Km 996+ 889,31 đường tránh thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Được biết, đây là lần đầu tiên trên tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam được ứng dụng thử nghiệm giải pháp cào bóc, tái chế móng cũ và cấp phối bê tông nhựa cải tiến để đại tu nâng cấp tuyến đường siêu tiết kiệm và hiện đại.

 Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức thử nghiệm áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội lớp bê tông nhựa để sửa mặt đường hư hỏng, xuống cấp tại tỉnh Quảng Nam.

Dự án được Tổng Cục Đường bộ phê duyệt tổng kinh phí trên 34,9 tỉ đồng, do nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Hoàng An thực hiện tại Km 990+300 – Km 996+ 889,31 đoạn tránh thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam mặt đường đã bị hư hỏng, xuống cấp.  

Bao gồm: sửa chữa nâng cấp hai làn xe thô sơ và xe cơ giới. Đối với làn xe thô sơ: Đào bỏ kết cấu móng, mặt đường cũ dày 67cm+ cào xới, lu lèn nền đường đất hiện hữu đảm bảo độ chặt K>0,98 trên toàn bộ làn đường thô sơ; Đối với làn xe cơ giới sẽ sửa chữa các vị trí cao su trước khi cào bóc tái sinh. Đào bỏ hết lớp kết cấu móng, mặt đường phạm vi hư hỏng và 30cm nền đất, hoàn trả lại bằng cao độ mặt đường cũ với kết cấu lắp đặt đất đảm bảo độ chặt K>0,98+ lớp cấp phối đá dăm loại 1  Dmax25, dày 34cm… 

Ông Hoàng Quốc Thêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng An khẳng định: Trước đây, áp dụng công nghệ thi công theo cách truyền thống, sau một thời gian mặt đường bong tróc, khi sửa chữa phải vận chuyển đổ vật liệu hỏng đi. Nhưng nay áp dụng công nghệ mới này đều triệt tiêu những nhược điểm, đồng thời tái chế lại toàn bộ vật liệu hỏng và thảm lại mặt đường ngay lập tức. Theo đó, không mất công đổ vật liệu, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm được tài nguyên như đá cát để đưa về làm lại. 

“Về chất lượng, việc áp dụng công nghệ này sẽ tốt hơn nhiều so với thi công truyền thống trước đây. Như thi công truyền thống, khi sửa chữa kết cấu của nó không đồng bộ, còn riêng kết cấu của bộ tái chế này sẽ đồng bộ và tất cả các chỉ số đều đạt hơn 1,3 đến 1,5 lần so với làm đường mới theo công nghệ cũ”, ông Hoàng Quốc Thêm cho biết.

 Về chất lượng, việc áp dụng công nghệ này sẽ tốt hơn nhiều so với thi công truyền thống trước đây.

Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ cào bóc tái chế vào tuyến đường quốc lộ 1A đoạn Km 990+300 – Km 996+ 889,31 không chỉ sẽ đảm bảo thi công nhanh gọn và vừa đảm bảo chất lượng. Mà việc ứng dụng công nghệ này sẽ là một bước đột phá về công nghệ, thân thiện với môi trường và đặc biệt phù hợp với điều kiện thời tiết địa chất tại miền Trung.

Được biết, công nghệ cào bóc tái chế lại mặt đường cũ là toàn bộ vật liệu cũ (nhựa hỏng bóc lên) không bỏ đi mà được tái chế ngay trên dàn máy rồi trải lại ngay trên chính đoạn đường vừa bóc, nhờ đó giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, thời gian thi công, giảm tối đa ùn tắc giao thông.

Thời gian bóc 1km đường sau đó trải nhựa lại mất khoảng 10 giờ. Sau đó khoảng 4 giờ, có thể lưu thông trở lại bình thường trên đoạn đường vừa được thi công. 

Sau một thời gian thử nghiệm thành công và có nhiều ưu điểm đã được Bộ GTVT quyết định cho nhân rộng và ứng dụng công nghệ này vào cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ và cao tốc trên toàn quốc.

Phúc An

NỔI BẬT TRANG CHỦ