(Tổ Quốc) - Điệu múa Tung tung da dá là đặc trưng văn hóa của người Cơ Tu. Việc đưa vũ điệu này vào phục vụ du khách nhằm gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống ở vùng núi rừng Trường Sơn.
Theo tiếng Cơ Tu, "Tung tung" là điệu múa của đàn ông, nghĩa là vươn lên cao, sôi động, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa; còn "da dá" là điệu múa của phụ nữ, nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn trời đất…
Tung tung da dá được biết đến là "vũ điệu dâng trời", thường xuất hiện trong các sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơ Tu như: lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl... Điệu múa kết hợp sức mạnh của đàn ông và sự mềm mại của phụ nữ, thể hiện nguyên lý âm - dương hài hòa để người sinh vật thịnh, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Du khách hòa chung vũ điệu
Những ngày giữa tháng 7/2022, tại Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài (gọi tắt là Khu du lịch Núi Thần Tài) ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng - nơi có phần lớn đồng bào Cơ Tu sinh sống, chị Nguyễn Anh Thư (29 tuổi, đến từ Hà Nội) thích thú khi thưởng thức vũ điệu Tung tung da dá.
Trước khu vực Huyệt Long Hồ của khu du lịch, tốp nam thanh niên Cơ Tu đóng khố, vai đeo tấm choàng thổ cẩm, đi chân đất, tay cầm khiên; còn các cô gái mặc váy thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, vai trần, cổ đeo vòng cườm, những bước chân uyển chuyển… Đặc biệt, chị Thư cũng đã khoác lên người bộ váy thổ cẩm để… hóa thành cô gái Cơ Tu, tập vài động tác tay và chân của điệu múa.
"Đây là lần đầu tiên tôi biết đến Tung tung da dá. Tôi thích nhịp điệu sôi động, rộn rã của tiếng trống, chiêng và cảm nhận rằng người Cơ Tu khi thể hiện "vũ điệu dâng trời" này tức là họ gửi lời cầu nguyện tới thần linh và tổ tiên", chị Thư chia sẻ.
Anh Phan Văn Nam (47 tuổi, đến từ TP Cần Thơ) cũng say sưa theo tiếng trống, chiêng và những điệu múa. Là giáo viên môn Lịch sử, anh Nam rất yêu văn hóa Việt. Tranh thủ dịp nghỉ hè cùng gia đình ra Đà Nẵng du lịch, nghe nói Khu du lịch Núi Thần Tài có chương trình biểu diễn nghệ thuật Tung tung da dá, thế là anh đến để xem bằng được vũ điệu này. "Văn hóa các dân tộc trên khắp đất nước mình thật phong phú, đa dạng", anh Nam nói.
Gần đó, một nhóm du khách đến từ Daegu (Hàn Quốc) liên tục hỏi hướng dẫn viên và dùng điện thoại ghi hình. Nữ du khách tên Lee Taeyang tập phát âm bằng tiếng Việt tên điệu múa rồi nói: "Mình thích trang phục của cô gái Cơ Tu. Mình không hiểu rõ vì sao cánh tay của cô gái khi múa lại nâng lên để ngang vai, bàn tay xòe hướng lên trời, nhưng thật sự điệu múa đã cuốn hút mình".
Có mặt trong đội múa phục vụ du khách, chị Za Râm Nguyệt (32 tuổi), Đội trưởng đội múa thôn Phú Túc cho biết, chị cảm thấy tự hào về điệu múa của dân tộc Cơ Tu và càng hạnh phúc hơn khi được biểu diễn ở một khu du lịch lớn.
"Từ khi được biểu diễn phục vụ du khách, chúng tôi phần nào khôi phục điệu múa, không lo vũ điệu này bị mai một, đồng thời có thêm công ăn việc làm, đời sống kinh tế dần được cải thiện hơn", chị Za Râm Nguyệt thổ lộ.
Chị Za Râm Nguyệt khẳng định sẽ cùng các thành viên trong đội cố gắng múa đẹp hơn nữa, với mong muốn nét đẹp văn hóa của người đồng bào Cơ Tu được lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước, góp phần làm đẹp thêm bức tranh văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
“Du khách rất thích chương trình biểu diễn nghệ thuật Tung tung da dá và tham gia hòa chung vũ điệu này. Nhiều khoảnh khắc đáng yêu của du khách đã được chúng tôi lưu lại, họ rất hào hứng với nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu”
Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông và Marketing Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài
Gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa
Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông và Marketing Khu du lịch Núi Thần Tài cho biết, khu du lịch này luôn cố gắng phát triển nhiều hạng mục vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe để mãi là điểm đến hấp dẫn du khách.
"Đặc biệt, chúng tôi mong muốn quảng bá văn hóa của đồng bào Cơ Tu, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào, trong đó có việc lan tỏa Tung tung da dá đến đông đảo du khách gần xa. Vì vậy, chúng tôi đưa điệu múa này vào phục vụ du khách", bà Hương nhấn mạnh.
Thực tế, chương trình biểu diễn nghệ thuật Tung tung da dá được Khu du lịch Núi Thần Tài đưa vào hoạt động từ năm 2019 nhưng bị gián đoạn trong 2 năm xảy ra COVID-19. Đến tháng 6/2022, chương trình mới hoạt động lại và dự kiến sẽ được duy trì thường xuyên vào những ngày cuối tuần cũng như những ngày lễ để phục vụ miễn phí du khách trong và ngoài nước.
Theo bà Hương, trong 1,5 tháng qua, với việc khởi động lại chương trình biểu diễn nghệ thuật Tung tung da dá, lượng khách đến tham quan Khu du lịch Núi Thần Tài ngày càng tăng cao. Thứ 6, thứ 7, chủ nhật, lượng khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe khoảng trên 8.000 người/ngày và khách sạn tại đây luôn kín phòng vào những ngày cuối tuần.
"Du khách rất thích chương trình biểu diễn nghệ thuật Tung tung da dá và tham gia hòa chung vũ điệu này. Nhiều khoảnh khắc đáng yêu của du khách đã được chúng tôi lưu lại, họ rất hào hứng với nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu", bà Hương chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, vũ điệu Tung tung da dá thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, hình thể, trang phục; đồng thời truyền tải tâm tư, tình cảm và ước mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Cơ Tu. Việc các khu điểm du lịch như Khu du lịch Núi Thần Tài đưa chương trình nghệ thuật Tung tung da dá vào phục vụ du khách sẽ góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
"Trong thời gian tới, chúng tôi mong không những Khu du lịch Núi Thần Tài mà các khu điểm đến khác tiếp tục đưa vào những sản phẩm mới, dịch vụ mới để thu hút và tăng sự trải nghiệm của du khách khi đến tham quan du lịch Đà Nẵng", ông Vương nói.