(Tổ Quốc) - Tin vui này được tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần, nhà văn Trần Thanh Cảnh, chia sẻ trong buổi ra mắt sách ấn tượng với rất đông các nhà văn, bạn bè và độc giả.
Tác giả Trần Thanh Cảnh chia sẻ, tiểu thuyết "Đức Thánh Trần" được thai nghén trong một thời gian dài nhưng chỉ viết và hoàn thành trong một thời gian ngắn, và theo tác giả là ông viết trong một tâm thế như nhập đồng để hoàn thành bản thảo cuốn sách này. Về tên của tác phẩm, tác giả ban đầu cũng dự định một số tên khác như Trần Quốc Tuấn, Hưng Đạo Đại Vương… nhưng cuối cùng ông đặt tên tác phẩm là Đức Thánh Trần theo lời gợi ý của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, bởi đó là tựa phù hợp với nội dung cốt truyện và đúng với tinh thần cuốn sách nhất.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ cảm nhận khi đọc cuốn tiểu thuyết
Theo nhà văn Uông Triều, một nhà văn trẻ cũng quan tâm và có những tác phẩm viết về lịch sử tới dự tọa đàm cho biết, hiện nay để viết văn học lịch sử thực sự rất khó bởi những nhân vật trong lịch sử hầu như đều đã chết, nhà văn chỉ có thể dựa vào các nguồn sử liệu và những gì còn sót lại. Để viết cuốn sách này, Trần Thanh Cảnh đã phải tìm hiểu sách sử, lịch sử vùng đất định đưa vào sách, về đặc trưng con người ở mỗi vùng, dựa trên các nguồn sử… đồng thời nhiều chuyến đi tìm hiểu thực tế, thực địa giúp ích cho tác giả rất nhiều trong quá trình viết. Tuy nhiên, phải kết hợp nhiều yếu tố mới có thể hình thành được cuốn sách này.
Nhận định về cuốn sách, Uông Triều cho rằng tác giả đã rất mạnh dạn và táo bạo khi đi trên con đường rất chênh vênh nhưng vẫn có những điểm bám nhất định để đủ cát cứ, đủ tự tin để câu chuyện được hấp dẫn và cuốn sách ra đời là một sự dũng cảm nhưng cũng là sự may mắn đối với tác giả.
Bìa sách |
Trong buổi tọa đàm ra mắt sách, nhiều ý kiến thuận chiều cũng như những nhận định, đánh giá về cuốn sách được các nhà phê bình, nhà văn và bạn đọc đề cập đến, trong đó có những thắc mắc về các sự kiện lịch sử, các mối thắt trong lịch sử được tác giả khai thác, các nhân vật hư cấu hay các mối tình của Trần Quốc Tuấn với nàng Quế Lan (một nhân vật hoàn toàn hư cấu), công chúa Thiên Thành, hay kế mỹ nhân- dụng ý của nhà Trần khi dùng công chúa An Tư để khiến tướng giặc Thoát Hoan thua trận… Mặc dù vậy, cũng có nhà văn cho rằng tác giả có quyền hư cấu, có thể mở rộng các tích sử để các trang chính sử đến được với bạn đọc. Và theo nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thì tác giả có quyền hư cấu nhưng những hư cấu đó phải chạm tới tim độc giả thì đó là thành công của tác phẩm.
Nhìn từ góc độ văn bản, cuốn tiểu thuyết viết về vị Đại tướng lừng danh của nhà Trần- Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn- có kết cấu khá chặt chẽ, các chương tình yêu và chiến trận đan xen với nhau nhưng mạch truyện không bị đứt rời khiến người đọc cảm thấy lôi cuốn và không bị mệt giống như khi đọc lịch sử hay các tác phẩm văn học lịch sử. Những chi tiết hư cấu của cuốn sách được tác giả lý giải cặn kẽ, dựa trên các nguồn sử liệu và bởi những địa điểm, dấu tích… còn sót lại tới ngày nay.
Tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử "Đức Thánh Trần" - Trần Thanh Cảnh
Sau chưa đầy một tháng kể từ khi cuốn sách đầu tiên phát hành, tới thời điểm này, điểm được nhất của cuốn sách chính là tác phẩm đã đến được với độc giả, được đón nhận và mặc dù không tránh khỏi thiếu sót nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng là thành công cho một tiểu thuyết lịch sử. Trong buổi tọa đàm, tác giả cũng thông báo một tin mừng là 10 cuốn sách anh gửi sang ĐSQ Việt Nam tại Pháp đã được bán hết sạch và cũng được đề nghị đặt hàng thêm.
Nhân sự kiện này, TS Nguyễn Mạnh Hùng đã ‘có lời’ đặt hàng nhà văn Trần Thanh Cảnh viết tiếp mạch lịch sử này, để có thêm nhiều tác phẩm văn học lịch sử hơn nữa đưa đến với bạn đọc. Tiếp nhận lời đề nghị, tác giả Đức Thánh Trần bày tỏ hy vọng sẽ có cơ duyên để tiếp tục viết, mà theo ông, một nhân vật cũng lẫy lừng nhất trong lịch sử nhà Trần mà ông cũng mến mộ là Thái sư Trần Thủ Độ. Có thể đây sẽ là nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo mà ông sẽ dành thời gian tìm hiểu để viết và độc giả có quyền chờ đợi một tác phẩm văn học lịch sử trọn vẹn hơn.
Minh Thư