• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đừng để người bệnh phải chờ!

Thời sự 04/07/2022 13:40

(Tổ Quốc) - Việc hàng loạt bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh. Dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan nào được đưa ra thì ngành y cùng các bộ, ngành liên quan cũng nên nhanh chóng giải quyết tình trạng này, bởi chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết và trước hết.

Có lẽ chưa bao giờ ngành y rơi vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay khi 28/34 sở y tế tỉnh, thành phố báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương; 12/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

Những con số nói trên được nêu trong cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành hồi cuối tháng 6/2022 đặt ra vấn đề: Với tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, bệnh nhân cần được cấp cứu hoặc điều trị những bệnh nan y sẽ như thế nào?

Việc bé gái 4 tuổi (trú xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) bị rắn cạp nia cắn, nhưng vì các bệnh viện không có huyết thanh kháng độc nên không thể cứu được em càng cho thấy sự cấp thiết phải khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Có nhiều bệnh nhân bị ung thư, phải truyền hóa chất nhưng loại thuốc trong danh mục được bảo hiểm chi trả 50% của bệnh viện đã hết. Vậy chẳng lẽ bệnh nhân phải chờ?

Tại các tỉnh, thành phía Nam, số người bị sốt xuất huyết tăng cao, trong khi thuốc điều trị thiếu, đứt gãy nguồn cung. Nếu số bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng và có nhiều ca bệnh nặng thì phải xử trí ra sao?  

Bộ Y tế đã nêu rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan; trong đó xác nhận có tâm lý lo ngại, "sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra", nên "không dám làm, không dám đấu thầu, không dám mua sắm" tại một số địa phương và đơn vị.

Nếu thế, chẳng lẽ cứ sợ sai thì "án binh bất động"?

Đừng để người bệnh phải chờ! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu và phương châm của ngành y là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết. Nhiều cuộc họp giữa chính phủ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã diễn ra, trong đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và nhân lực y tế.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức các cuộc họp với các bệnh viện trực thuộc Bộ và sở y tế các tỉnh, thành phố; phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vương mắc hiện tại.

Chỉ đạo đã có, bây giờ chỉ hành động, mà phải hành động khẩn trương, bởi bệnh nhân - mắc bất kỳ bệnh gì, nặng hay nhẹ, cũng không thể chờ thuốc.

Song, để hành động thì trước hết cần dẹp bỏ ngay "tâm lý sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra", "không dám làm, không dám đấu thầu, không dám mua sắm". Thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm… sẽ gây tâm lý hoang mang cho bác sĩ, bệnh nhân và cả người nhà.

Trong đó, người thiệt nhất vẫn là bệnh nhân. Còn với bác sĩ, họ phải đối mặt với áp lực khi đứng trước người bệnh bởi có khi có thể cứu chữa được bệnh nhân nhưng trong tay không có "vũ khí".

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt vấn đề về cơ chế bảo vệ cán bộ "6 dám" (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách).

Còn nhớ câu chuyện về cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (và sau là Vĩnh Phú) Kim Ngọc là một trong những câu chuyện đẹp. Nhắc tới ông Kim Ngọc là nhắc tới một người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp; một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân.

Sáng kiến "Khoán hộ" hay "Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã" của ông Kim Ngọc đã dẫn đến "Khoán 10" hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988", tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam từ chỗ là một nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới.

Tất nhiên, không thể đem câu chuyện những năm 60 của thế kỷ trước để nói chuyện ngày nay vì quan điểm, suy nghĩ, cả nhận thức đúng - sai ở mỗi thời đại là khác nhau. Song, thời đại nào cũng cần cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá sáng tạo, đôi khi "xé rào" để tạo ra những bước phát triển mới.

Dù đường lối của Đảng hiện nay khuyến khích, bảo vệ cán bộ "6 dám", nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn tồn tại. Để khắc phục tình trạng này, cần một hành lang pháp lý đầy đủ khuyến khích và bảo vệ cán bộ.

Nói như vậy không có nghĩa là phải chờ cơ chế thoáng hơn hay hành lang pháp lý bảo vệ vững chắc rồi mới "dám nghĩ và dám làm", mà con người vẫn là yếu tố quyết định. Trong ngành y, người làm công tác quản lý, bác sĩ, điều dưỡng phải vì lợi ích của người bệnh, vì sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân là trên hết, trước hết. Y đức không chỉ là trình độ chuyên môn, là thái độ hay trách nhiệm với nghề nghiệp, mà còn là bản lĩnh trước những khó khăn, thách thức, với cái tâm trong sáng, không vụ lợi cả nhân, không bị tác động trước những cám dỗ. 

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ