• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Đứng hình” tranh máy tính vẽ có giá hàng trăm triệu đồng

Văn hoá 27/08/2018 13:09

(Tổ Quốc) - Lần đầu tiên, một bức tranh được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo, sẽ được đem ra bán đấu giá chính thức.

Christie’s New York sẽ đi vào lịch sử khi trở thành nhà đấu giá nghệ thuật đầu tiên bán một tác phẩm tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Một bức tranh in từ thuật toán do nhóm nghệ sỹ người Pháp Obvious phát triển, sẽ có mặt trong buổi bán đấu giá ngày 23 – 25/10 sắp tới.

Hugo Caselles-Dupré, một thành viên của Obviuos cho biết, họ “rất hứng thú với cách tiếp cận triết học” phía sau bức tranh. “Một thuật toán có thể sáng tạo hay không? Nếu có, thuật toán này sẽ là thứ gần gũi nhất so với sự sáng tạo của con người”, Caselles-Dupré nói.

Để tạo ra tác phẩm trên, ban đầu các nghệ sỹ phải cung cấp cho hệ thống máy tính một khối dữ liệu gồm 15.000 bức chân dung từ thế kỷ 14 đến 20. Sau đó, hệ thống này sẽ tạo ra một loạt tác phẩm mới cho đến khi thành công “đánh lừa” được một cuộc kiểm tra nhằm phân biệt tác phẩm ra đời là “thành quả” của máy hay người.

Ai có thể phân biệt được bức tranh này là do máy hay người vẽ? (ảnh: Christie's London)

Có tên gọi “Chân dung của Edmond de Belamy”, bức tranh miêu tả một người đàn ông mặc áo khoác tối màu, bên trong là sơ-mi trắng, và có khuôn mặt vô cùng mờ ảo. Nhà đấu giá Christie’s dự đoán, tác phẩm có thể đạt mức giá vào khoảng 7.000 – 10.000 USD. Còn nhóm  Obviuos cho biết, họ sẽ sử dụng số tiền bán tranh để tiếp tục cải biến thuật toán, trang bị hệ thống vi tính mạnh hơn, và thử nghiệm với hình mẫu 3D…

Việc bán đấu giá một bức tranh tạo ra từ trí tuệ nhân tạo được đánh giá là một cột mốc mới của nghệ thuật thế giới. Cho tới nay, mặc dù có nhiều lập trình viên sử dụng các công nghệ tương tự để mở rộng trải nghiệm Internet, hầu như không có ai được công nhận là nghệ sỹ đương đại. Các thành viên Obvious tự nhận mình là các nghệ sỹ khái niệm, với mục tiêu đưa nghệ thuật tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo trở nên hợp pháp hóa và được biết tới nhiều hơn.

“Chúng tôi muốn giới thiệu cách tiếp cận mới này tới một thị trường truyền thống hơn là khu vực công nghệ”, Caselles-Dupré nói. “Chúng tôi giải thích càng cụ thể về những gì mình đang làm, những gì muốn chia sẻ và những gì muốn khẳng định, thế giới nghệ thuật càng chú ý nhiều tới các tác phẩm của chúng tôi hơn”.

Sau cuộc bán đấu giá tại Christie’s, Obvious đã lên kế hoạch cộng tác với nhiều phòng tranh và thương hiệu hơn nữa. “Chúng tôi tin rằng, trí tuệ nhân tạo có thể là một công nghệ mới cho nghệ thuật”, Caselles-Dupré kết luận.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ