(Tổ Quốc) -Về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định với tư cách đứng đầu ngành giáo dục ông nhận trách nhiệm, nhưng đây là cũng vấn đề cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
Theo Bộ trưởng, trong số 22 triệu học sinh, sinh viên thì số có hành vi xuống cấp là bộ phận nhỏ nhưng đã làm "vấy bẩn" môi trường giáo dục.
Đại biểu Trần Anh Tuấn trao đổi về vấn đề bạo lực học đường |
Để góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết sẽ tới đây sẽ đầu tư cho việc dạy môn giáo dục công dân trong trường học thật tốt.
“Bộ quyết định đưa môn giáo dục công dân, môn lịch sử vào chương trình thi tốt nghiệp PTTH. Học sinh khi học thêm 2 môn này để ôn thi có thể sẽ áp lực nhưng cần phải học một cách toàn diện. Trước đây môn giáo dục công dân thường là giáo viên kiêm nhiệm nhưng nay chúng tôi yêu cầu giáo viên dạy môn này phải được đào tạo kỹ lưỡng, bài bản”, Bộ trưởng cho hay.
Trước quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, bạo lực học đường đang là vấn đề bức xúc trong xã hội, phản ánh chất lượng giáo dục đào tạo về tư cách, đạo đức, cách giao tiếp ứng xử quan hệ bè bạn.
“Điều này vô cùng quan trọng. Và tôi nghĩ rằng để xảy ra hiện tượng này do một phần về chất lượng, chương trình đào tạo còn mang nặng lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn, trách nhiệm cộng đồng... về đạo đức lối sống. Đặc biệt là các em học sinh còn trẻ, đang trong giai đoạn hình thành nhân cách con người”.
Ông Tuấn dẫn chứng, trên thế giới, bạo lực học đường cũng có xảy ra nhưng không nhiều, phổ biến như ở Việt Nam. Và học sinh các nước ý thức về điều này rất lớn, quan trọng bởi họ được đào tạo qua thực tiễn, qua hình thức tương tác... chứ không lý thuyết như ở Việt Nam.
“Bộ trưởng có nói rằng để góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ đã có phương án đưa môn lịch sử, giáo dục công dân vào chương trình thi tốt nghiệp PTTH. Tuy nhiên, tôi cho rằng, giải pháp này chưa căn cơ vì giáo dục công dân, lịch sử cũng chỉ là môn lý thuyết. Học sinh sẽ lại phải học để đối phó với các môn này. Tôi cho rằng, cần hơn cả chính là phải gắn điều này trong sự tương tác trong giao tiếp, sinh hoạt đời sống, xử sự cộng đồng...”, ông Tuấn nói.
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) tranh luận: Giáo dục của chúng ta định hướng “Tiên học lễ, hậu học văn”, tuy nhiên vừa qua nhiều trường hợp thầy cô chửi mắng học trò, học sinh đánh nhau...
“Bộ trưởng nói cần đưa Giáo dục công dân vào, vậy những môn khác ra sao nếu không sẽ học lệch, học tủ. Biện pháp nào để chấn hưng đạo đức học đường chứ không chỉ đưa vào môn Giáo dục công dân?”, đại biểu Chiến đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời, vấn đề đạo đức, lối sống là vấn đề cấp bách hiện nay. Nổi cộm, “nóng” là bạo lực học đường.
“Chúng tôi rất chia sẻ với nhiều ý kiến đại biểu và cử tri. Tới đây tôi sẽ rất quan tâm đến vấn đề này”, Bộ trưởng nói./.
Hà Giang – Song Đào
Ảnh: Nam Nguyễn