(Tổ Quốc) - Nhà văn Hồ Anh Thái sau 15 năm duy trì ấn phẩm Văn Mới mỗi dịp năm hết tết đến đã chính thức dừng bước và chuyển sang làm "Sách Tết" từ năm nay.
Được biết, cách đây hơn 90 năm, Sách Xem Tết năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân Thư Quán đã mở lối tiên phong cho thể loại sách tết trong lịch sử xuất bản nước ta. Từ đó, vui cái thú văn chương tao nhã ngày xuân đã trở thành cái lệ đầu năm với nhiều người.
Đó là khi, những văn nghệ sĩ đương thời được mến mộ, tập hợp lại, cùng nhau làm ra một ấn phẩm tâm đắc để gửi đến người đọc đón tết. Sách có thể không phải để đọc ngay, mà là một thứ cho đủ lệ bộ tựa như mâm ngũ quả ngày tết. Ra giêng ngày rộng tháng dài, lúc ấy mới giở cuốn sách tết còn thơm mùi mực, nhẩn nha nhấm nháp không khí của ngày xuân.
Thế nhưng từ sau năm 1958, không còn ấn bản nào mang tên sách tết, để lại trong lòng người đọc một khoảng trống tinh thần – bâng khuâng, tiếc nhớ. Đây là lý do dịp Tết Kỷ Hợi 2019 những người làm sách mong muốn mang Sách Tết trở lại, như món quà nhỏ cho ngày xuân thêm trọn vẹn.
Sách Tết Kỷ Hợi 2019
Xuất phát từ mong muốn nối dài truyền thống làm sách tết chưa xa ấy nhưng đã có một thời kỳ gián đoạn, cuốn Sách tết này sẽ tái hiện không khí của ngày tết ngày xuân trong quá khứ và hiện tại, ở các miền đất nước, trên đất liền và nơi biển xa… qua hoài niệm và trong những cảm xúc tươi mới của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đương đại. Các họa sĩ vẽ minh họa và trình bày ở Bắc Trung Nam với nhiều cách thể hiện khác nhau cũng cùng góp sức để cố gắng làm sống lại một không khí sách xưa.
Nhà văn Hồ Anh Thái chia sẻ: Ý tưởng làm Sách tết là của họa sĩ Trần Đại Thắng (Giám đốc công ty sách Đông A). Anh ấy có thông tin rằng ở VN, từ đầu thế kỷ XX các cụ đã làm sách tết, và nó chỉ dừng bước ở năm 1958, tức là cách đây sáu mươi năm. Anh Thắng bàn bạc với tôi và tôi đã đứng ra kêu gọi, đặt các tác giả viết để có được cuốn Sách tết này. Nếu được người đọc quan tâm thì những năm tới Đông A lại làm tiếp.
Sách Tết năm nay sẽ có sự hiện diện của các tác phẩm – tác giả: Tết quê – Phan Cung Việt (phong vị tết ở đồng bằng Bắc Bộ), Ăn tết với người lạ – Nguyễn Thị Thu Huệ (ngày tết ở một bãi biển du lịch); Tiếng lách cách của trái hồ đào – Phạm Thị Thanh Mai (cái tết của người kinh doanh); Nhớ một tết xa – Ma Văn Kháng (một cái tết của công chức thời bao cấp) trong Tết ở xứ Bắc. Còn Tết ở miền Trung sẽ có: Thằng cháu đại gia – Lê Minh Khuê (những uẩn khúc khó nói ra trong một gia đình); Về phủ chiều cuối năm – Trần Thùy Mai (từ San Francisco, nhà văn tái dựng không khí tết ở Huế). Tết ở Nam Bộ với Tấm bưu ảnh thứ năm – Ý Nhi; Không về lối cũ - Phan Triều Hải (từ Bắc Carolina, Mỹ); Tết người Bắc ở Sài Gòn – Trịnh Bách. Ngoài ra còn có các tác phẩm viết về Tết trong chùa, Tết trong lịch sử, Tết ở nước ngoài…
Bên cạnh đó, ấn phẩm còn có Góc nhìn văn hóa, Bình thơ xuân với: Những hiệu sách ấy, bây giờ ở đâu – Ngô Bảo Châu; Mâm cỗ xuân cúng tổ - Châu Hải Đường; Sách tết phong vị xuân xưa – Nguyễn Ngọc Hoài Nam; Hoài Nam bình bài thơ Lá rụng về cội của Chính Hữu…
Chùm thơ xuân của Bùi Kim Anh, Dương Huy, Đoàn Lê, Hoàng Việt Hằng, Hồ Anh Tuấn, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thị Hồng, Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Cung Việt, Vân Long, Y Phương, Phạm Anh Xuân cũng sẽ hiện diện trong Sách Tết 2019.
Ngoài ra Sách Tết 2019 còn có sự góp mặt của nhạc sĩ Đức Trí, Nguyễn Vĩnh Tiến và nhiều họa sĩ tên tuổi Thành Chương, Kim Duẩn, Đặng Hồng Quân, Nguyễn Hà Hải, Nguyễn Minh Nam, Nguyễn Công Hoan, Ấm Chè, Tạ Huy Long...
Vào ngày ngày 20/ 12 tại Nhà sách Cá Chép, 115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội sẽ diễn ra buổi ra mắt Sách Tết Kỷ Hợi 2019 - Hợp tuyển văn, thơ, nhạc, họa chủ đề mùa xuân và ngày tết. Các diễn giả tham gia buổi ra mắt có nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ (Giám đốc NXB Văn học).