• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đường lên đỉnh cao nhất dãy Trường Sơn Nam

Du lịch 27/06/2016 06:43

Sau 7 giờ đồng hồ trèo đèo lội suối chúng tôi cũng đã đặt chân lên đỉnh cao nhất dãy Trường Sơn Nam, đỉnh núi Ngọc Linh

Chuyến xe khách đưa chúng tôi đến Kon Tum xuất phát từ Sài Gòn lúc 9 giờ tối. Sau một đêm ngon giấc trên xe thì 7 giờ sáng xe dừng ngay trung tâm thành phố này. Sau khi nạp năng lượng bằng một tô phở nghi ngút khói, mua thêm một ít đồ dùng cá nhân và thuê xe máy thì đúng 11 giờ sáng hôm đó nhóm chúng tôi bốn người bắt đầu cuộc hành trình leo núi Ngọc Linh, ngọn núi có đỉnh cao nhất dãy Trường Sơn Nam.

DK_4



Khung cảnh trên đèo Măng Rơi với những khúc cua tay áo và những thửa ruộng bậc thang xanh tít tắp dưới thung lũng.

Núi Ngọc Linh (gọi chệch âm Ngok Linh của thổ ngữ đồng bào bản địa), với đỉnh cao nhất là 2.605 m so với mực nước biển, nằm trên dải Trường Sơn, phần cao nguyên phía bắc Tây Nguyên, là nơi giáp ranh của ba huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Dak Glei (Kon Tum). Đây là ngọn núi thiêng của đồng bào Xê Đăng, Ca Dong sống ở đầu ngọn nước, nơi khởi thủy của các dòng sông lớn tại miền Trung như sông Sê San chảy sang phía Tây góp nước cho sông Mê Kông và một hệ thống chảy sang phía Đông, đổ trực tiếp ra biển Đông là các con sông Cái, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông Ba chảy qua tỉnh Phú Yên.

Mặc dù Tây Nguyên lúc này đã có những cơn mưa lớn sau đợt hạn hán kéo dài thế nhưng sáng hôm ấy thời tiết lại nắng ráo báo hiệu một chuyến đi đầy thú vị bằng xe máy. Từ trung tâm thành phố Kon Tum, chạy theo trục tỉnh lộ 672 theo hướng Dak Hà, qua tới Dak Tô, đến Ngọc Lây, đến Tu Mơ Rông, qua tới xã Măng Ri, tiếp đến xe đi tới Dak Glei và sau đó điểm dừng chân là trung tâm xã Ngọc Linh.

Trên đường tới xã Ngọc Linh phải vượt đèo Măng Rơi với những con dốc và những khúc cua ngoằn ngoèo khoảng 6 km (địa phận giáp ranh giữa huyện Dak Tô và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum) tôi thật sự ngỡ ngàng vì cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đây. Những thửa ruộng bậc thang trước đây cứ nghĩ rằng chỉ có ở Tây Bắc giờ hiện ra hai bên đường, xanh mướt, tầng tầng lớp lớp kết hợp với những đám mây lờ lững quanh những viền núi phía xa khiến không gian nhuốm một màu huyền ảo. Đồng bào nơi đây truyền miệng rằng Măng Rơi nghĩa là đỉnh núi nằm trên những khe nước, đứng trên con đèo này có thể nhìn thấy được phần lớn thung lũng Tu Mơ Rông từ bốn hướng với phía Tây, phía Nam là một vùng rừng núi ngút ngàn và phía Bắc là đỉnh cao nhất của Ngọc Linh.

Chúng tôi đến trung tâm xã Ngọc Linh lúc giọt nắng cuối cùng trong ngày vừa tắt, trời bắt đầu nhá nhem tối, không khí lạnh tràn đến và những hạt mưa lác đác rơi. Tối hôm đó chúng tôi tiếp tục đi bộ lên làng Long Năng, đây là một làng của người Xê Đăng. Sau cơn mưa con đường dốc trở nên trơn trượt. Vòng vèo qua những thửa ruộng bậc thang dưới bầu trời lấm tấm sao, những ánh đèn pin loang loáng và tiếng ễnh ương như một dàn đồng ca, sau khoảng hai giờ đồng hồ chúng tôi cũng lên tới được nhà của A Mát, người sẽ dẫn đường cho chúng tôi leo núi Ngọc Linh.

Làng Long Năng khá nghèo, dân làng sống ở lưng chừng núi, trên những nhà sàn truyền thống, sử dụng nước ngầm chảy từ mạch nước trên núi xuống. Người dân Xê Đăng trồng lúa nước và canh tác trên những thửa ruộng bậc thang, họ trân trọng hạt lúa trên nương, xem nó là một phần của cải. Đêm đó chúng tôi nghỉ ngơi tại nhà A Mát trong ngôi nhà sàn cũ kỹ của gia đình anh dưới ánh đèn hiu hắt, đêm xuống rất lạnh nhưng vì đã thấm mệt sau một hành trình dài nên chúng tôi chìm vào giấc ngủ khá nhanh.

DL_10

Sáng sớm hôm sau chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn Nam. Bốn người chúng tôi với ba lô trên vai bước trên những thửa ruộng bậc thang thẳng hướng tiến về bìa rừng. Sau khi băng qua một trảng cỏ bằng phẳng với nhiều cây xanh khá đẹp và một khoảng trống lưng chừng núi nơi đón ánh nắng và đón những cơn gió mát rượi, chúng tôi bắt đầu vào rừng. Những con đường mòn xuất hiện, cây cối đan xen, chằng chịt. Càng đi sâu vào rừng càng rậm rạp, âm u, nhưng vì lúc đó khoảng 8 giờ sáng nên qua những kẽ lá của cánh rừng già, những tia nắng ngày mới xuyên qua và thả mình xuống đám lá khô, tiếng chim hót ríu rít trên những cành cây cao khiến cảnh vật nhuốm một sắc màu cổ tích.

Trên đường đi, ngoài những cây cổ thụ cao tít tắp, có những cây mà rễ của nó co quắp và vươn mình như những con trăn khổng lồ trườn ra khắp nơi, chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều cây xà nu và nhiều loại lan rừng, mọc cheo leo và treo mình trên những cây cổ thụ. Núi Ngọc Linh còn có đến hàng trăm loài rêu với hình dáng khác nhau mọc dày khắp nẻo. Rêu phủ kín các cành thông đỏ hàng ngàn năm tuổi, ôm kín những tảng đá, mọc thành từng đám trên mặt đất, trên lá mục.

Mặc dù cảnh rừng núi hoang dã với những mảng xanh của lá cây, của rêu pha trộn đẹp là thế nhưng thực sự chinh phục đỉnh Ngọc Linh khá khó khăn vì những đoạn dốc cao, hiểm trở và rất dài liên tiếp nối nhau, có đoạn trơn trợt, có đoạn rêu xanh phủ kín, có đoạn lại bị chắn bởi những thân cây to ngã xuống buộc chúng tôi lúc phải leo trèo, lúc phải cúi rạp người vượt qua, bên dưới là thung lũng sâu hun hút. Lên thêm một đoạn nữa, chúng tôi bắt gặp một đoạn thác cao, nước tung trắng xóa bồng bềnh, từng dòng nước theo những bậc đá bám rêu xanh chảy xuống tạo nên bản nhạc núi rừng réo rắt. Đứng giữa đại ngàn, ngước lên bầu trời diệu vợi, tôi thấy mình thật nhỏ bé.

DL_11



Những dòng suối chảy xiết hòa với màu xanh của cây cối tạo cho cảnh vật hoang sơ và kỳ vĩ.

Sau khoảng thời gian nghỉ ngơi và tranh thủ nạp thêm năng lượng, chúng tôi tiếp tục hành trình. Càng lên cao không khí càng loãng và lạnh, đường đi trở nên khó khăn hơn vì những con dốc dựng đứng. Đến trưa, chúng tôi đã tới độ cao 2.060 m và dừng lại nghỉ ngơi. Đây là một điểm bằng phẳng được trải nhiều lá cây khô nên khá êm, là nơi các đoàn leo núi khác chọn làm nơi cắm trại qua đêm hay nghỉ ngơi. Dùng bữa trưa xong, gửi lại hành lý, chúng tôi tiếp tục lần mò lên đỉnh. Lên tới đỉnh, đồng hồ báo đúng 1 giờ trưa, GPS chỉ độ cao 2.605 m, một cảm giác hạnh phúc ập tới mỗi thành viên trong nhóm. Đỉnh Ngọc Linh là một khoảng đất không rộng lắm, lưa thưa vài cây thông, chóp inox sáng bóng dưới ánh nắng. Từ trên đỉnh, nhìn xa xăm những đám mây lững lờ giăng ngang dãy núi.

Vậy là, sau 7 giờ đồng hồ trèo đèo lội suối chúng tôi cũng đã đặt chân lên đỉnh cao nhất dãy Trường Sơn Nam, đỉnh núi Ngọc Linh, ngọn núi của những câu chuyện huyền thoại.

Một vài điểm lưu ý khi leo núi Ngọc Linh:

– Thuê xe máy để đi từ trung tâm thành phố Kon Tum đến trung tâm xã Ngọc Linh, số điện thoại: 097 222 3555 (anh Ngộ), kiểm tra xe thật kỹ trước khi nhận xe vì đi đường đèo cần xe tốt, mua thêm 1,5 lít xăng dự trữ vì đường lên xã không có cây xăng.

– Trước khi leo khoảng 15 ngày, phải xin được giấy phép có chữ ký, dấu đỏ của UBND xã và trạm kiểm lâm xã Ngọc Linh. – Cần có người dẫn đường kiêm khuân vác đồ đạc. Người có kinh nghiệm nhất ở làng Long Năng chuyên dẫn đoàn là A Mát. Trước khi đến Ngọc Linh vài ngày nên gọi điện thoại liên lạc trước với anh: 0169 825 8971.

– Mang theo vớ chống vắt, thuốc men, GPS, la bàn, áo mưa mỏng, đèn pin, găng tay và giày leo núi…

– Tùy thuộc thời gian đi 2 ngày 1 đêm hay đi về trong ngày mà mang theo những loại lương thực gọn nhẹ nhưng đảm bảo dinh dưỡng như đồ hộp, mì gói, sôcôla, trứng luộc, trái cây, bánh chưng…

Linh Nguyên

Nguồn: Sài gòn tiếp thị

NỔI BẬT TRANG CHỦ