(Tổ Quốc) - Cậu bé lườm cô y tá bằng ánh mắt "hình viên đạn" đủ thấy cậu "ghét" việc tiêm chủng này thế nào.
Tiêm chủng mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng đồng thời nó cũng là cơn "ác mộng" với các em bé. Khi chúng đã có trí nhớ tốt thì việc đưa được con vào phòng tiêm cũng đủ khiến cha mẹ mệt bở hơi tai. Chắc hẳn nhiều cha mẹ đã quá quen thuộc với cảnh tượng, chỉ cần đến cổng địa điểm tiêm phòng là trẻ đã đủ khiến trẻ khóc òa lên đòi về rồi.
Bà mẹ tên Tiểu Tĩnh (Trung Quốc) có một cậu con trai lên 3 tuổi. Trí nhớ của cậu bé rất tốt, có thể nhớ rõ sự việc từ khi 1 tuổi. Đã đến lúc tiêm phòng nhắc lại cho con, Tiểu Tĩnh liền đưa bé đến bệnh viện. Vừa đến nơi cậu bé lập tức tỏ thái độ kháng cự, cô phải liên tục dỗ dành để làm dịu cảm xúc của con.
Vậy mà vừa nhìn thấy y tá, cậu bé lập tức cứng người lại rồi trốn vào một góc. Cô y tá nhẹ nhàng thương lượng với bé, sau khi tiêm xong sẽ đi mua ô tô đồ chơi mới khiến cậu bé có vẻ xuôi xuôi. Nào ngờ, vừa nhìn thấy cô y tá cầm kim tiêm lên, bao kí ức "kinh hoàng" xưa cũ ùa về trong lòng đứa trẻ. Ánh mắt thể hiện nỗi lòng, cậu bé lườm cô y tá bằng ánh mắt "hình viên đạn", đủ thấy cậu sợ việc tiêm này thế nào.
Cư dân mạng không khỏi bật cười vì biểu cảm siêu đáng yêu của cậu bé. Có người còn bình luận: "Nếu ánh mắt có thể gây thương tích thì chắc hẳn trên người cô y tá này sẽ đầy vết sẹo!".
Sau khi trẻ tiêm phòng xong, cha mẹ cần phải lưu ý những điểm sau:
- Chế độ ăn: Sau khi tiêm phòng cha mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu. Cung cấp thêm nhiều rau xanh và hoa quả trong chế độ ăn của con, chú ý cho trẻ uống đủ nước.
- Không xoa nắn vị trí tiêm: Ở vết tiêm có thể sẽ xuất hiện hiện tượng sưng, đau, có cục cứng. Cha mẹ chớ nên động chạm mạnh hay xoa nắn vị trí tiêm, các vấn đề này sẽ tự khỏi mà không cần tác động gì cả. Cha mẹ cũng cần chú ý, trong 48h sau tiêm, khi tắm cho con cần tránh để nước dính vào vết tiêm, phòng ngừa khả năng nhiễm trùng.
- Chú ý không để con làm tổn thương vết tiêm: Vị trí tiêm bị sưng, đau sẽ khiến trẻ có cảm giác khó chịu, theo phản ứng tự nhiên dễ đưa tay lên gãi, cào vết tiêm. Đây là một việc làm rất nguy hiểm nếu vết tiêm bị rách, xước dẫn đến nhiễm trùng. Vì vậy cha mẹ phải chú ý quan sát con, giữ cho con không làm tổn thương vị trí tiêm.
- Quan tâm đến cảm xúc của trẻ: Sau khi trẻ tiêm phòng xong, ngoài việc chú ý đến những thay đổi về thể chất của trẻ thì cha mẹ cần quan tâm đến cả những cảm xúc khác thường ở con. Nếu trẻ quá sợ hãi và khiếp đảm sẽ tác động không tốt đối với tâm lý bé. Nhưng tiêm chủng là một việc làm bắt buộc, vì vậy cha mẹ cần tiến hành "công tác tư tưởng" cho con dần dần. Động viên, khuyến khích và giảng giải cho trẻ hiểu, chuẩn bị tốt trạng thái tâm lý cho trẻ trước khi bước vào phòng tiêm.