• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EU và Việt Nam nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng bền vững

Kinh tế 28/03/2023 09:48

(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã đưa ra quy định mới đảm bảo rằng các doanh nghiệp khối này hành động có trách nhiệm đối với người lao động và môi trường. Với một số lượng lớn các công ty EU tại Việt Nam, trang Vietnam-Briefing đã đưa ra một số nội dung các công ty Việt Nam liên kết với EU cần lưu ý.

Vào tháng Hai năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành một chỉ thị về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp. Chỉ thị này đề nghị các quốc gia thành viên EU xây dựng luật giám sát các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Hướng đến bảo vệ người lao động và môi trường

Trong trường hợp của Việt Nam, các nhà đầu tư EU đã rót hơn 26 tỷ USD cho gần 2.250 dự án kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Chẳng hạn, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã được cấp phép đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy trung hòa carbon trên khu đất 44 ha ở Bình Dương vào năm ngoái.

Những con số trên phản ánh sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty EU tại Việt Nam khi hai nền kinh tế trở nên gắn bó chặt chẽ hơn. Chính trong bối cảnh này, việc hiểu rõ các đạo luật, chỉ thị mới có thể tác động đến Việt Nam như thế nào trở nên quan trọng đối với cả các công ty EU đang kinh doanh tại Việt Nam cũng như các nhà sản xuất trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của EU. Ví dụ, Adidas của Đức có 51 nhà cung cấp tại Việt Nam với hơn 190.000 nhân viên.

EU và Việt Nam nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng bền vững - Ảnh 1.

Cả EU và Việt Nam đều quan tâm đến các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong chuỗi cung ứng. Ảnh: Vietnam-Briefing.

Đối với các công ty EU hoạt động tại Việt Nam, mục tiêu của đạo luật trên là bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động và môi trường tại Việt Nam. Theo đó, nghĩa vụ của các công ty và dàn lãnh đạo của họ là xác định, giảm thiểu và do đó ngăn chặn các tác động tiêu cực đến quyền lợi của người lao động và môi trường. Điều này không chỉ áp dụng cho các hoạt động của chính công ty đó mà còn được áp dụng cho các công ty con và chuỗi cung ứng của họ, bất kể chúng ở đâu.

Để đáp ứng các yêu cầu trong chỉ thị mới, các công ty sẽ phải đưa vấn đề thẩm định vào các chính sách của họ; xác định các tác động tiềm ẩn đến môi trường và quyền lợi lao động trong quá trình triển khai hoạt động; ngăn chặn hoặc giảm thiểu các tác động tiềm ẩn này; giám sát hiệu quả các chính sách thẩm định và công khai kết quả các chương trình thẩm định của họ.

Cam kết của Việt Nam đối với sự bền vững của doanh nghiệp

Tại Việt Nam, các quy định của EU không phải là biện pháp duy nhất thúc đẩy ESG trong chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng có sẵn một số luật, quy định và văn bản quan trọng để thực hiện các mục tiêu ESG của riêng mình.

Luật Doanh nghiệp 2020 của Việt Nam, xương sống của luật doanh nghiệp quốc gia, đã có các điều khoản khuyến khích sự bền vững của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Ví dụ, Luật này đề cập cụ thể rằng các công ty nên bảo vệ các quyền hợp pháp của nhân viên và ngăn chặn sự phân biệt đối xử và lạm dụng.

Văn bản này cũng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chính sách và hoạt động phát triển bền vững của công ty mình, bao gồm bảo vệ môi trường, các chương trình phúc lợi xã hội và các hoạt động từ thiện.

Hơn nữa, chính phủ Việt Nam đã thực thi nhiều luật và quy định khác liên quan đến bảo vệ môi trường và quyền của người lao động như Luật Bảo vệ Môi trường (2020) và Luật Lao động (2019).

Ngày 4/6/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, Lộ trình đưa ra 119 chỉ tiêu để theo dõi tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những nội dung này bao gồm các mục tiêu về môi trường, bảo đảm phúc lợi và quyền lao động.

Gần đây hơn, Khung chiến lược chung về hợp tác phát triển bền vững giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan thường trú, không thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng đã được ký kết vào tháng 8 năm 2022. Khung này phác thảo cách thức Liên Hợp Quốc và Việt Nam sẽ hợp tác vì sự phát triển bền vững. Văn bản cũng đề cập đến việc phát triển xã hội, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bền vững môi trường.

Việt Nam cũng đã thiết lập Bộ Chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI), xếp hạng các doanh nghiệp dựa trên một số tiêu chí bền vững chính.

Có thể thấy chỉ thị của EU về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp là một bước phát triển quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Và với tư cách là một đối tác thương mại lớn của EU, những nỗ lực của chính Việt Nam nhằm điều chỉnh tính bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể sẽ nhận được sự thúc đẩy đáng hoan nghênh. Người lao động và môi trường của Việt Nam cũng sẽ được bảo vệ nhiều hơn để góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn./.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ