• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EVNCPC: Tăng tốc để về đích chuyển đối số

Kinh tế 16/12/2022 11:31

(Tổ Quốc) - Theo Quyết định 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Hưởng ứng Ngày Chuyển đối số quốc gia năm 2022, cùng Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) nhìn lại những nhiệm vụ chuyển đổi Điện lực miền Trung đã hoàn thành và đưa vào ứng dụng trong thời gian qua.

Tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2023

Chương trình Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã được EVN triển khai từ năm 2021. Theo đó, căn cứ “Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, EVNCPC được EVN giao thực hiện tổng cộng 51 nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trong giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, cùng với quá trình ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đã được EVNCPC triển khai từ trước đó, EVNCPC đăng ký kế hoạch với 21 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2022 nhằm đạt được 11 mục tiêu cụ thể đề ra trong các lĩnh vực CĐS.

Trong số 72 nhiệm vụ chuyển đổi số được EVN giao và EVNCPC tự xây dựng trên, trong giai đoạn 2021 – 2023, EVNCPC cần thực hiện tổng cộng 54 nhiệm vụ, bao gồm 33/51 nhiệm vụ EVN giao và 21 nhiệm vụ EVNCPC tự xây dựng; trong giai đoạn 2023-2025, EVNCPC cần thực hiện 18 nhiệm vụ còn lại.

Đánh giá tình hình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đến tháng 9/2022, EVNCPC đã hoàn thành 100% các nhiệm vụ CĐS do EVNCPC tự xây dựng (21/21 nhiệm vụ) và hoàn thành 22/33 nhiệm vụ CĐS được EVN giao, đạt tỷ lệ 66,66%. 11 nhiệm vụ còn lại, EVNCPC sẽ hoàn thành trong năm 2022 và 2023 theo đúng kế hoạch.

EVNCPC: Tăng tốc để về đích chuyển đối số - Ảnh 1.

EVNCPC được vinh danh về giải pháp "Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng" tại "Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – 2022", một điểm sáng của EVNCPC về chuyển đổi số.

Những điểm sáng về chuyển đổi số

Trong chương trình chuyển đổi số, EVNCPC đặt ra mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, mọi mặt hoạt động doanh nghiệp; theo đó, cả EVNCPC và khách hàng đều được thụ hưởng những lợi ích do chuyển đổi số mang lại.

Về phía khách hàng, để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm người dùng, EVNCPC thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, với với phương châm “Khách hàng là trung tâm”.

Đến nay, 99,97% giao dịch 12 dịch vụ điện đã được thực hiện qua các kênh của Trung tâm CSKH và Trung tâm hành chính công, Cổng dịch vụ công trực tuyến; trong đó, 92,57% giao dịch thực hiện qua môi trường mạng (email/App/Zalo/Viber...), vượt hơn 37,57% so với kế hoạch EVN giao 55%.

EVNCPC cũng đã triển khai thành công giải pháp động cung cấp thông tin tiền điện, lịch tạm ngừng cung cấp điện đến 100% khách hàng qua các kênh do khách hàng đăng ký; xây dựng chương trình “Giám sát sản lượng bất thường” (GSSLBT) để gửi các cảnh báo sản lượng bất thường cho các khách hàng lắp đặt công tơ điện tử có tích hợp đo xa. Chương trình Giám sát sản lượng bất thường đã giúp phát hiện kịp thời các trường hợp tăng, giảm sản lượng không phải do nhu cầu sử dụng (nguyên nhân có thể do chạm chập, sự cố, vi phạm sử dụng điện), thông báo đến khách hàng qua các kênh Email/App; …); từ đó, các đơn vị có phương án hỗ trợ, phối hợp với khách hàng phúc tra và xử lý trước khi phát hành hóa đơn tiền điện, hỗ trợ khắc phục kịp thời nhằm giảm tiền điện phải trả cho khách hàng, nâng cao công tác dịch vụ khách hàng và sự hài lòng của khách hàng dùng điện.

Chương trình Giám sát sản lượng bất thường là một nhánh chức năng của giải pháp “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng”, là giải pháp đạt giải tại “Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – 2022”, thuộc nhóm các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng.

EVNCPC: Tăng tốc để về đích chuyển đối số - Ảnh 2.

Chuyển đổi số giúp đưa toàn bộ dịch vụ đến với khách hàng, thuận tiện như "trong lòng bàn tay".

Đối với nội tại doanh nghiệp, EVNCPC thực hiện chuyển đổi số toàn diện từ công tác quản lý vận hành hệ thống điện, công tác đầu tư xây dựng đến quản trị doanh nghiệp và hoàn thiện các hạ tầng số.

Về quản lý vận hành hệ thống điện, EVNCPC đã triển khai số hóa công tác quản lý vận hành và triển khai ứng dụng CBM/RCM. Hiện nay, tất cả dữ liệu của thiết bị chính lưới điện 110kV đã được rà soát và cập nhật vào phần mềm PMIS và đã triển khai áp dụng chính thức module “Kiểm tra hiện trường lưới điện 110kV và Trung hạ áp”.

Với trạm biến áp 110kV, EVNCPC đã thực hiện sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị (CBM) ở các cấp độ 1, 2 và chấm điểm “sức khỏe thiết bị” - CHI cho các thiết bị chính tất cả các TBA 110 kV theo quy trình.

Với đường dây 110kV, EVNCPC đã thực hiện sửa chữa bảo dưỡng theo CBM và đánh giá theo các hạng mục chính (chuỗi cách điện, nhiệt độ tiếp xúc, điện trở tiếp đất).

Với lưới điện trung thế, EVNCPC đã thực hiện sửa chữa bảo dưỡng theo CBM đối với các thiết bị chính đạt tỷ lệ 82% tổng số thiết bị ứng với cấp độ 1 và 26% ứng với cấp độ 2.

Trong công tác đầu tư xây dựng, EVNCPC triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động kiểm tra, phát hiện các bất thường đối với hình ảnh giám sát thi công công trình trên chương trình IMIS. Hệ thống IMIS-AI đã đánh giá các dự án năm 2020-2021 với 289 dự án, tương ứng 163.283 hình ảnh. Hiện nay, EVNCPC đang tiếp tục phối hợp với EVNICT để kết nối với chương trình IMIS 2.0 nhằm xử lý các công trình năm 2022.

Trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, EVNCPC đã hiệu chỉnh phần mềm văn phòng số CPC-eOffice để bổ sung các tính năng kết nối với chính quyền địa phương, hoàn thành kết nối liên thông văn bản với chính quyền địa phương tại 13/13 Công ty Điện lực. Tính đến tháng 9/2022, EVNCPC đã gửi và nhận văn bản hoàn toàn tự động với các chính quyền địa phương (11.103 văn bản đi, 14.352 văn bản đến).

Bên cạnh đó, EVNCPC cũng đã đã triển khai xây dựng kho dữ liệu và ứng dụng công cụ BI để thiết lập các báo cáo, phân tích thường dùng phục vụ SXKD. Theo đó, EVNCPC đã xây dựng kho dữ liệu trung gian thông qua việc đồng bộ dữ liệu các phần mềm dùng chung của EVN và các phần mềm đặc thù của EVNCPC; đến tháng 01/2022 đã triển khai đào tạo sử dụng BI cho các Ban chức năng Tổng công ty và tổ chức ban hành qui định vận hành và triển khai đào tạo khai thác kho dữ liệu trung gian cho các đơn vị. Kết quả, năm 2021, EVNCPC đã hoàn thành 60/60 chỉ tiêu bằng báo cáo BI, đạt 100% kế hoạch năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2022, EVNCPC xây dựng thêm 40/48 chỉ tiêu báo cáo, đạt 83,3% kế hoạch năm 2022. Hiện nay, các Ban chức năng EVNCPC đã trực tiếp tham gia thiết kế báo cáo trên BI.

Về hạ tầng số, EVNCPC đã triển khai đầu tư nền tảng tự động hóa quy trình, triển khai xây dựng quy trình quản trị dữ liệu và ứng dụng Trung tâm giám sát an toàn thông tin (ATTT). Đây là các nền tảng số quan trọng góp phần hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số toàn diện doanh nghiệp, xây dựng EVNCPC trở thành doanh nghiệp số.

Chương trình chuyển đổi số của EVNCPC giai đoạn 2021 – 2023 và đến 2025 còn nhiều nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Với những kết quả khả quan đã đạt được đến thời điểm hiện nay, EVNCPC tin tưởng sẽ hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chuyển đổi số được EVN giao theo đúng kế hoạch, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, nâng cao chất lượng điện, chất lượng dịch vụ khách hàng và góp phần hoàn thành chương trình tổng thể về chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.

Đình Vỹ

NỔI BẬT TRANG CHỦ