(Tổ Quốc) - Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ gây chậm tiến độ một số dự án nguồn và lưới điện của EVN, cũng như các nhà đầu tư bên ngoài, dẫn tới gây khó khăn trong cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2025. Lý do là các chuyên gia từ Trung Quốc, Hàn Quốc không thể sang Việt Nam...
Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGenco 3, PGV) ghi nhận sản lượng điện sản xuất tháng 2/2020 của công ty mẹ 3 đạt 2.827 triệu kWh, luỹ kế 2 tháng đầu năm đạt 5.450 MW, thực hiện được 16% kế hoạch cả năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất là Nhiệt điện Phú Mỹ với công suất 2.540 MW, Nhiệt điện Vĩnh Tân đóng góp 1.244 MW, Nhiệt điện Mông Dương ghi nhận 1.080 MW cùng các đơn vị khác.
Riêng tháng 2/2020, Nhiệt điện khí Phú Mỹ được huy động cao do được ưu tiên cấp khí trong khi NMNĐ Phú Mỹ 3 - BOT ngừng sửa chữa. Các nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 và Mông Dương 1 đảm bảo đủ nhiên liệu vận hành công suất cao. Các nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah và Srêpốk 3 được huy động thấp do lưu lượng nước về các hồ chỉ bằng 72,9 - 77,5% so với trung bình nhiều năm.
Dịch COVID-19 nếu kéo dài sẽ tác động lên cả ngành điện
Tương ứng, doanh thu lũy kế thu về trong kỳ là 6.856 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2019; bao gồm Nhiệt điện Phú Mỹ đạt 2.859 tỷ đồng (tăng hơn 3%), Nhiệt điện Vĩnh Tân đóng góp 1.417 tỷ đồng (tăng gần 30%), Nhiệt điện Mông Dương 1.383 tỷ (tăng 18%); ngược lại doanh thu từ Thuỷ điện Buôn Kuốp giảm đáng kể về 305 tỷ đồng. So với kế hoạch 2020 là 44.225 tỷ đồng, công ty mẹ EVNGenco 3 đã thực hiện được hơn 15% chỉ tiêu.
Mặt khác, sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày của hệ thống điện trong cả 2 tháng đầu năm 2020 là 615 triệu kWh/ngày. Như vậy, mặc dù nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ đầu tháng 2 nhưng tình hình phụ tải tiêu thụ điện của toàn quốc vẫn tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ. Giá thanh toán toàn phần (FMP) bình quân tháng 2/2020 là 1.189 đồng/kWh, cao hơn 17,68% so với tháng 1/2019.
Liên quan đến ảnh hưởng từ dịch COVID-15, theo đánh giá ban đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với lĩnh vực năng lượng, ảnh hưởng của dịch bệnh hiện chưa đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN: "Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ gây chậm tiến độ một số dự án nguồn và lưới điện của EVN, cũng như các nhà đầu tư bên ngoài, dẫn tới gây khó khăn trong cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2025. Lý do là các chuyên gia từ Trung Quốc, Hàn Quốc không thể sang Việt Nam. Việc cung cấp thiết bị từ các quốc gia này cũng bị chậm, gây khó khăn cho thực hiện tiến độ dự án. Một số đối tác từ các quốc gia khác, nếu đi qua vùng dịch, khi sang Việt Nam cũng cần phải thực hiện cách ly".
Sản lượng tháng 3 dự đạt 3.213 triệu kWh, tiếp tục xúc tiến dự án TTĐL Long Sơn
Trở lại với EVNGenco 3, các nhà máy nhiệt điện than hiện vẫn duy trì than tồn kho tối ưu đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất trong cao điểm mua khô 2020. Lên kế hoạch cho tháng 3, Công ty đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất 3.213 triệu kWh, tăng 8,24% so với thực hiện tháng 2/2020 (trong đó gồm các đơn vị Hạch toán phụ thuộc: 2.972 triệu kWh, các CTCP 241 triệu kWh).
EVNGenco 3 cũng sẽ tập trung thực hiện Đại tu tổ máy H2 - Nhà máy Thủy điện Srêpốk 3 dự kiến từ ngày 09/2 - 14/3/2020; Trung tu tổ máy H1 - Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp dự kiến từ ngày 17/3 - 31/3/2020; đôn đốc cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đối với TTĐL Long Sơn cũng như triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án.
Trong đó, ngày 12/2/2020, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương rà soát cơ cấu nguồn điện điều chỉnh đến năm 2030 để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định bổ sung TTĐL Long Sơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo Thông báo số 48/TB-VPCP. Hiện Bộ Công Thương đang xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, EVNGenco 3 cũng đang nghiên cứu xúc tiến đầu tư các dự án tại Tây Nguyên và tỉnh Ninh Thuận.