(Tổ Quốc)- Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa cho hay, lượng doanh nghiệp lĩnh vực này đã tăng trưởng tới 84%.
Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục nhộn nhịp
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, năm 2016 chứng kiến việc các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với số lượng lớn.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch, Đầu tư, trong năm 2016 đã có hơn 3.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 200.000 tỷ đồng, tăng 84% về số lượng và 234% về số vốn.
Giao dịch mua bán, cho thuê bất động sản, nhất là giao dịch nhà ở tiếp tục tăng trưởng ổn định, không có hiện tượng tăng hay giảm đột biến trong tất cả các tháng của năm.
Bất động sản nghĩ dưỡng tiếp tục tăng trưởng. Trong ảnh là quần thể dự án FLC Quy Nhơn. |
Theo ông Nguyễn Trần Nam, thống kê chưa đầy đủ, lượng giao dịch nhà ở trung bình hàng tháng của năm 2016 vào khoảng 1.300 – 1.500 giao dịch ở mỗi TP trong đó Hà Nội và TP. HCM.
“Đây là thống kê những giao dịch lần đầu tại các dự án mới mở bán, không kể các giao dịch mua đi bán lại, hoặc các giao dịch nhà ở cũ.”- ông Nguyễn Trần Nam cho hay.
Số lượng giao dịch thành công tập trung tại những dự án nhà ở căn hộ chung cư trung và cao cấp, tại khu vực có hạ tầng tốt; hay đất nền các khu vực vùng ven đô.
Một thông tin đáng chú ý khác, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/11/2016, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 427.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015…
Ngoài ra, năm 2016 có thể coi là năm của bất động sản nghỉ dưỡng. Thị trường này có bước phát triển đột phá, nhất là mô hình timeshare.
“Đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam, thị trường có nhiều dự án được triển khai như: Dự án condotel Panorama Nha Trang (Khánh Hòa), Cocobay Resort (Đà Nẵng), khu biệt thự nghỉ mát Hòn Lan (Bình Thuận)... Bên cạnh đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng miền Bắc với sự xuất hiện của dự án Sapa Jade Hill (Lào Cai) cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư" - ông Nguyễn Trần Nam cho hay.
Sang quý I, 2017, mặc dù có những phân khúc bất động sản đang chững lại như căn hộ cao cấp nhưng tại một số phân khúc nhà giá rẻ, condotel (mô hình khách sạn-nhà ở) chứng kiến sự nhộn nhịp ngay từ đầu năm. FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục tăng.
Thị trường vẫn khát căn hộ dưới 75m2
Mặc dù vậy, không chỉ là những con số “màu hồng”, ông Nguyễn Trần Nam cũng đưa ra một số vấn đề để theo dõi và điều chỉnh thị trường bất động sản.
Đó là cơ cấu hàng hóa bất động sản vẫn có sự mất cân đối. Trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp, chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thì trên thị trường hầu hết các dự án lại cung cấp hàng hóa bất động sản là nhà ở cao cấp…
Tình trạng phát triển ồ ạt các dự án, đặc biệt tại các TP lớn mà không căn cứ vào kế hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại từng thời điểm. Việc phát triển các dự án nhà ở xã hội bị chững lại do nguồn vốn hỗ trợ cũng như các chính sách có liên quan đến nhà ở xã hội chưa được giải tỏa hoặc đáp ứng phù hợp…
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở thương mại có diện tích dưới 75m2, giá bán dưới 15 triệu m2; cần có sự phân biệt về thuế, tiếp cận đất đai, nguồn vốn giữa nhà ở thương mại cao cấp và giá thấp.
Mỗi Tỉnh, TP cần có kế hoạch phát triển nhà ở với việc xác định rõ tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phân khúc trung bình, thấp và nhà ở cao cấp.
Ngân hàng Nhà nước tránh tập trung tín dụng quá lớn vào một số phân khúc hoặc mộ số chủ đầu tư, tránh việc thay đổi chính sách môt cách đột ngột…/.
Thái Linh