• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương 2017: Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

10/04/2017 11:43

(Cinet)- Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương 2017 sẽ góp phần lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử sâu rộng hơn, sâu lắng hơn trong lòng người dân trên mảnh đất hình chữ S và khẳng định với thế giới về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.

(Cinet) - “Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển” là chủ đề Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Bình Dương từ ngày 08/4 - 12/4/2017.



Đờn ca tài tử - Báu vật đất phương nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại



Trong quá trình khẩn hoang và an cư lạc nghiệp trên vùng đất Nam bộ hơn 300 năm trước, người dân Nam bộ với bản chất dung dị, mộc mạc nhưng giàu tình cảm đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật độc đáo, ẩn chứa những nét đặc trưng của đất và người phương Nam từ nỗi lòng của những người con xa xứ, đó chính là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

Người dân Nam bộ với bản chất dung dị, mộc mạc nhưng giàu tình cảm đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật độc đáo, ẩn chứa những nét đặc trưng của đất và người phương Nam - Đờn ca tài tử. Nguồn: TCDL

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn hóa giàu bản sắc và thống nhất trong đa dạng. Những thành quả sáng tạo ấy cùng với việc giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, trong đó có Đờn ca tài tử Nam bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca Nam bộ.



Dù hình thành muộn hơn so với nghệ thuật Tuồng, Chèo, Quan họ, Ca trù… nhưng loại hình nghệ thuật này chứa đựng đầy đủ và mang đậm các giá trị văn hoá Việt với những đặc trưng đa dạng, độc đáo; vừa mang tính chuyên nghiệp vừa đậm chất dân dã.



Từ cái nôi Bạc Liệu, đến nay, Đờn ca tài tử đã được định hình và phát triển trên khắp vùng đất Nam bộ và ăn sâu vào tiềm thức, thấm đẫm vào tâm khảm và huyết quản của những người con Nam bộ như một món ăn tinh thần không thể thiếu, là niềm tự hào và một báu vật vô giá.



Nếu như ban đầu, Đờn ca tài tử chỉ là nguồn vui trong cộng đồng của cư dân Nam bộ nhưng với sự lan tỏa mạnh mẽ sinh hoạt Đờn ca tài tử trở thành phong trào văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân gian. Sức sống mãnh liệt của Đờn ca tài tử được hun đúc qua nhiều thế hệ người dân Nam bộ bất kể già trẻ, gái trai, nghề nghiệp…



Với tính độc đáo của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ do cộng đồng 21 tỉnh, thành Đông Nam bộ và Tây Nam bộ sáng tạo ra, được trao truyền qua nhiều thế hệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Đặc biệt, ngày 05/12/2013, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.



Lan tỏa sức sống nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

Chương trình biểu diễn nghệ thuật khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia 2017. Nguồn: binhduong.gov.vn



Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một vinh dự to lớn của Nam bộ và của đất nước Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt ra một trọng trách to lớn cho các tỉnh, thành khu vực Nam bộ trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử; đảm bảo cho bộ môn đặc sắc này được trường tồn và đóng góp tích cực vào sự đa dạng của kho tàng văn hóa phi vật thể của nhân loại.



“Festival Đờn ca tài tử quốc gia” được tổ chức không nằm ngoài mục tiêu đó. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.



Ngay trong năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các tỉnh, thành Nam bộ tổ chức thành công Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tại Bạc Liêu - nơi được coi là chiếc nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.



Tiếp nối thành công của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu năm 2014, năm 2017, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II được tổ chức tại Bình Dương nhằm tiếp tục tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Không gian Đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương tại Festival Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II  năm 2017.

Nguồn: Doncataitu.vn



Ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 cho biết: Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II gồm một chuỗi hoạt động nghệ thuật được Ban Tổ chức và các nghệ nhân, nghệ sĩ đầu tư công phu và ấn tượng. Khơi dậy sự đam mê và mang lại niềm tin cho các nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc nỗ lực bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử; góp phần cho bộ môn này không bị mai một, nhất là trong tình hình bùng nổ thông tin với các thiết bị truyền thông đa phương tiện như hiện nay.



“Bên cạnh việc quảng bá về đất nước Việt Nam và quê hương Nam bộ; Festival lần này còn là sân chơi lành mạnh cho những ai yêu thích Đờn ca tài tử; là nơi vinh danh và tưởng nhớ đến các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh đã cống hiến cho sự phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Cũng qua Festival lần này, các nhà quản lý, các nghệ nhân, nghệ sĩ được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm; để qua đó, luôn đoàn kết chung tay bảo tồn bộ môn Đờn ca tài tử; tất cả vì mục tiêu phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển văn hóa gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng”, ông Liêm khẳng định.



Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia - Bình Dương 2017

Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Nguồn: doncataitu.vn



Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ II năm 2017 có sự tham dự của đoàn nghệ nhân 21 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ. Xuyên suốt chương trình còn có các hoạt động như: Không gian Đờn ca tài tử Nam Bộ; không gian ẩm thực và đặc sản Nam Bộ; cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật khoảnh khắc Festival Đờn ca tài tử lần thứ 2 năm 2017; lễ tôn vinh các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ Đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ; tọa đàm khoa học với chủ đề “Đờn ca tài tử - Tài nguyên di sản phát triển du lịch”… Bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTTDL cho biết.



Ông Trần Thanh Liêm cũng chia sẻ, trong các hoạt động của Festival, Không gian Đờn ca tài tử là điểm nhấn nội dung, là nơi để các nghệ nhân biểu diễn tài nghệ, người mộ điệu và khách tham quan được thưởng thức trực tiếp tiếng đàn, lời ca của các nghệ nhân. Bên cạnh đó, Không gian ẩm thực Nam bộ nhằm mục đích quảng bá đặc sản của các địa phương, hình thành liên kết vùng trong hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông và Tây Nam bộ.



Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Festival lần này, chúng ta tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức, tích cực hành động của toàn xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đạt được nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân; Tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tin tưởng.



Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bình Dương và sự tham gia nhiệt tình của đoàn nghệ nhân đờn ca tài tử các tỉnh, thành trong khu vực, Festival Đờn ca tài tử quốc gia 2017 sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế bằng những điệu nhạc, lời ca và tình người da diết mà bao thế hệ nghệ nhân đã gửi lòng mình vào đó. Qua đó, góp phần lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử sâu rộng hơn, sâu lắng hơn trong lòng người dân trên mảnh đất hình chữ S và khẳng định với thế giới về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ