(Toquoc)-Đưa nghệ thuật đến gần với quần chúng chính là một trong những giá trị mà festival Huế hướng đến.
(Toquoc)-Không chỉ ở kinh thành Huế, nhiều hoạt động của Festival Huế 2010 đã đến với người dân ở khắp 9 huyện, thị xã của Huế nhằm giúp cho họ được hòa mình và được thưởng thức lễ hội.
Cộng đồng cùng tham gia lễ hội
Thống kê gần đây nhất, Festival Huế 2010 thu hút hơn 3 triệu lượt người tham gia các hoạt động. Trong đó, đáng kể nhất là sự đóng góp công sức của hơn 5500 diễn viên không chuyên và các nghệ sỹ địa phương tham gia các chương trình trình diễn nghệ thuật, triển lãm, nghệ thuật sắp đặt, lễ hội cộng đồng…Điều đó cho thấy, festival là một lễ hội hấp dẫn mà bất cứ người nghệ sỹ nào cũng muốn góp sức thực hiện.
Các hoạt động của Festival Huế nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân
Không kể đến những lễ hội lớn, như: “Lễ thao diễn thủy binh dưới thời các chúa Nguyễn”; “Hành trình mở cõi”… mở cửa miễn phí cho khán giả thưởng thức, có hiệu quả đặc biệt trong việc khơi dậy niềm tự hào dân tộc; ý thức bảo vệ bờ cõi, giang sơn; tri ân công đức của các bậc tiền nhân trong thế hệ hôm nay… Bên cạnh đó, hàng trăm lễ hội, các hoạt động nghệ thuật hưởng ứng festival do người dân thực hiện tại các vùng, miền trên đất Huế đã cho thấy, lễ hội nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, vì đơn giản, lễ hội có sức hút người dân, đem lại lợi ích cho họ.
Tâm huyết đóng góp cho Festival Huế thêm màu sắc và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân xứ Huế, lần đầu tiên, Festival Huế 2010 thể hiện một bức tranh đường phố dài 60m, rộng 3,5m được thể hiện những hình ảnh lịch sử từ vùng đất Thăng Long tới cố đô Huế. Sự góp mặt của bởi 15 nghệ sỹ đến từ 3 miền trên cả nước, 100 sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Huế và 12 nghệ sỹ của CLB Hoạ sỹ trẻ TP Huế đã đem đến những nét đẹp mới lạ cho con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu vốn thường ngày rất quen thuộc với người dân xứ Huế. Hoạ sỹ Hữu Nhật- người lên maket cho bức tranh chia sẻ: “Mục đích của hoạt động này là đưa nghệ thuật tương tác gần hơn với công chúng”. Anh nhấn mạnh: “Không phải ai cũng có đủ 500-800 ngàn đồng để tham gia Đêm Hoàng cung hay Huyền thoại sông Hương, vậy thì, festival phải có những hoạt động quảng diễn vui tươi để tất cả người dân có thể được thưởng thức nghệ thuật và hòa mình vào không gian lễ hội”.
Những hoạt động quảng diễn và lễ hội đường phố, vì thế, luôn được phát huy hiệu quả và thu hút đông đảo người dân thưởng thức tại các festival Huế.
Trong những ngày festival vừa qua, bất kể mưa nắng, các đoàn nghệ thuật vẫn hết mình phục vụ công chúng trong các trình diễn nghệ thuật, nghệ thuật đường phố. Hàng ngàn người dân đứng reo hò cổ vũ cho đoàn ca kheo của Bỉ, vỗ tay theo nhịp nhảy của đoàn Pháp…
Những đêm nghệ thuật của các đoàn luôn nhận được sự tham gia thưởng thức nhiệt tình của du khách và người dân cố đô.
Ấn tượng nhất với chúng tôi là khi thưởng thức chương trình biểu diễn của đoàn Ba Lan, say mê theo dõi họ, đôi bạn trẻ ngồi bên cạnh chúng tôi đã đọc vang câu thơ: “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/ Rừng bạch dương sương trắng nắng tràn…”
Những điệu múa, khúc hát tràn trề sức sống, đậm chất Ba Lan của các bạn trẻ nghệ sỹ đoàn nghệ thuật dân gian Jedliniok- Ba Lan- vũ hội của các nam thanh nữ tú trên sân khấu thật nhộn nhịp trong những khúc nhạc rộn ràng, tiếng nhảy dẫm chân sôi nổi, tiếng hát trong trẻo quyện trong điệu đàn luyến láy đã níu chân những du khách thưởng thức nghệ thuật. Từng đôi nam nữ bắt tay nhau múa hát, họ trao nhau nụ cười trẻ trung và những tình cảm tươi mới, trong từng điệu nhảy, tự nhiên khiến khán giả cũng mê say, yêu đời và tươi trẻ như họ.
Cùng với các chương trình nghệ thuật chất lượng của các đoàn quốc tế, Festival Huế năm nay cũng thu hút khán giả với những chương trình nghệ thuật trong nước đầy ấn tượng. Ai cũng biết, café và nhạc Trịnh là hai đặc sản của người Huế. Những đêm nhạc Trịnh “Lời Thiên thu gọi” luôn thu hút đông đảo công chúng bất kể thời tiết không thuận lợi đến với vườn Cơ Hạ- Đại Nội- Huế. Trong không gian đậm chất trữ tình, bàng bạc sơn khê, âm nhạc của người nhạc sỹ tài hoa này đã thu hút hàng chục ngàn lượt khán giả trong 5 đêm diễn của festival.
Không chỉ ở kinh thành Huế, nhiều hoạt động đã đến với 9 huyện, thị xã của Thừa Thiên- Huế nhằm giúp cho tất cả người dân được hòa mình và được thưởng thức lễ hội. Chợ quê ngày hội tại Cầu Ngói- Thanh Toàn năm nay thu hút hơn 20 ngàn lượt người tham gia; Phước Tích- hương xưa làng cổ cũng thu hút con số trên 15 ngàn lượt người trong dịp festival. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên trong các kỳ festival, Huế đã đưa nhiều đoàn nghệ thuật đến với huyện vùng cao miền núi A Lưới nhằm đưa nghệ thuật đến với bà con vùng khó khăn của tỉnh. Hơn 100 suất diễn tại 9 huyện, thị xã của tỉnh đã cho thấy sự quan tâm tổ chức lễ hội hướng tới cộng đồng của Huế.
Người dân là chủ thể thụ hưởng lễ hội
Người dân không đến được với festival thì festival đến với người dân- đó là chủ trương làm lễ hội của Huế- ông Ngô Hòa- Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2010 từng chia sẻ với chúng tôi.
Quả thực, Festival đã thực sự trở thành một lễ hội có ý nghĩa khi góp phần rất lớn và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân các vùng miền khó khăn, miền quê của Thừa Thiên- Huế.
Các hoạt động quảng diễn của Festival Huế thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân
Đến với những đêm biểu diễn nghệ thuật của các đoàn như Lào Cai; Bông Sen; An Giang; Đoàn Bắc Kinh… những người dân A Lưới hồ hởi như đến với ngày hội lớn.
Anh Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1960, vốn là thợ hồ, dân tộc Kinh, sinh sống tại thị trấn A Lưới cho biết: “Nhà tôi cách điểm diễn gần 1km, ban ngày đi làm về ngang qua đây mới biết tối nay có đêm diễn, nên dẫn vợ con đi xem. Hoạt động thế này thành thị mới có, chứ ở A Lưới ít lắm, có khi vài năm mới có một lần nên phải đi xem. Tôi cứ thấy có diễn là đi xem dù cả ngày đi làm về mệt. Trước giờ tôi đã xem biểu diễn bao giờ đâu”.
Chị Lê Thị Mận sinh năm 1973, làm ruộng, nhà ở cụm 3, thị trấn A Lưới (thôn Quảng Phước) thì chia sẻ: “Tôi là người ở Sịa (Quảng Phước, Quảng Điền) theo mẹ vào đây từ nhỏ, làm kinh tế mới. Ở đây ít chương trình văn nghệ nên thích đi xem lắm. Thích nhất là các nghệ sỹ mặc nhiều đồ đẹp, lóng lánh, chắc là đắt tiền lắm”
Chị Mận cũng cho biết: “Thi thoảng có đoàn văn nghệ đến biểu diễn, đến tận các thôn ở A Lưới. Người chủ trò hay đứng ra quyên góp tiền, người 5 ngàn, người 10 ngàn, cuối buổi đưa cho diễn viên. Lần này không bán vé, cũng không góp tiền nên tôi thấy lạ. Hồi chiều tôi mới biết tin. Đi làm về ăn cơm xong là ra đây ngay, để ngồi đầu xem. Ngày mai tôi lại đi xem nữa. Con tôi nói mẹ phải đi xem, không thì ai đi với con. Xem rồi mới biết đây là chương trình của festival. Mấy năm trước tôi cũng coi festival qua tivi, lần này vui quá vì là lần đầu tiên được coi trực tiếp”.
Cùng với giá trị nghệ thuật của những đêm hội đã rất thành công ở thành phố như Đêm Hoàng cung; Huyền thoại sông Hương… hay những đêm nghệ thuật hoành tráng, ấn tượng như: Thao diễn thủy binh dưới thời các chúa Nguyễn; Hành trình mở cõi; Đêm phương Đông; Lễ hội áo dài… các chương trình nghệ thuật tại các vùng sâu, vùng xa của Thừa Thiên- Huế dù không ấn tượng, hoành tráng nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt với bà con và đó chính là giá trị vượt trội mà các chương trình nghệ thuật đạt được khi tham dự Festival Huế- tình cảm trong lòng những người dân còn thiếu thốn đời sống văn hóa, nghệ thuật.
Đến được với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để nâng cao đời sống thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của đồng bào chính là một trong những giá trị mà festival Huế hướng đến và thực hiện khá thành công. Đây có lẽ cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương khi tổ chức các lễ hội.
Hà An