(Tổ Quốc) - Qua 7 kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế đã đem lại rất nhiều dấu ấn, khẳng định được một thương hiệu. Nhưng TP Huế muốn thương hiệu này phải được nâng tầm, để Festival phải thực sự trở thành một sự kiện chính trị - văn hóa - kinh tế - du lịch ngày càng khẳng định tiếng vang và đem đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho Thành phố Festival.
Khằng định thương hiệu
Kể từ Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2005 cho đến nay, qua 7 lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế vẫn giữ được giá trị cốt lõi của một Festval truyền thống, đó là giới thiệu những gì là tinh hoa nhất của nghề thủ công truyền thống Việt Nam và qua đó góp phần tôn vinh tài năng của những người thợ thủ công truyền thống của không chỉ riêng Huế mà cả tất cả mọi miền của Tổ quốc.
Festival nghề truyền thống Huế dần khẳng định được thương hiệu qua các năm tổ chức. Ảnh: Lê Chung
Mặc dù cấp độ tổ chức chỉ là UBND TP Huế nhưng tầm vóc của Festival nghề Huế thì vượt ra khỏi biên giới của địa phương, từng bước khẳng định vị thế của một lễ hội hàng đầu và mang tính đặc trưng trong cả nước. Sở dĩ như thế vì Festival nghề truyền thống Huế ngày càng hướng đến tính chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức, đã dần hình thành nên một công nghệ và quy trình trong tổ chức nhưng vẫn bảo đảm tính mới mẻ, hấp dẫn từ sự mở rộng, đa dạng hóa không gian giới thiệu làng nghề, sự sáng tạo, đổi mới của người thợ thủ công thông qua các sản phẩm thủ công truyền thống mang hơi thở hiện đại.
Ngoài ra, Lễ hội cũng dần hướng đến tính xã hội hóa, ở đó không chỉ có sự tài trợ về vật chất mà còn từ sự hưởng ứng của các nghệ nhân trong tỉnh và cả ngoại tỉnh. Nhiều nghệ nhân xem Festival nghề truyền thống Huế như là cơ hội để họ phô diễn tài năng, giới thiệu những sản phẩm tinh hoa nhất của họ trong quá trình sáng tạo nghề nghiệp của bản thân đến với công chúng cũng như với đồng nghiệp.
Nhiều nghề truyền thống được hồi sinh, giới thiệu và quảng bá.
Festival Nghề truyền thống Huế cũng đã làm sống lại những làng nghề tưởng như đã đi vào quên lãng như làng gốm Phước Tích (Phong Điền), Pháp lam, Chế tác nhà rường; nghề áo dài truyền thống hay là sự hoàn thiện ý tưởng để hình thành nên một nghề mới rất độc đáo như giấy Trúc Chỉ, Hàng mỹ nghệ từ lá Sen. Nhiều điểm đến du lịch được Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng cũng thành hình như: Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc; Tịnh Tâm Kim Cổ của doanh nghiệp tư nhân Thuận Thành Duy Mong…
Cũng như Festival Huế tổ chức vào năm chẵn, Festival Nghề truyền thống Huế cũng từng bước hướng đến tính quốc tế với sự tham gia của các nghề thủ công nổi tiếng đến từ các quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... thông qua mối quan hệ hợp tác hữu nghị mà Huế với uy tín của mình đã thiết lập.
Trong thời gian tới, Huế sẽ làm và giữ thương hiệu Festival Nghề truyền thống bằng một cách làm nghiêm túc và chuyên nghiệp, với việc tổ chức hẳn một cuộc thi để sáng tạo logo, đăng ký bản quyền Festival Nghề truyền thống Huế lên Cục sở hữu trí tuệ, tổ chức các cuộc thi để tìm ra những sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng, hàng lưu niệm từ logo Festival.
Tại hội nghị lấy ý kiến về việc tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa Huế rất đồng tình về việc kéo dài thời gian tổ chức Festival Nghề truyền thống 2019 dài hơn 2 ngày so với Festival Nghề truyền thống Huế 2017 (diễn ra trong 7 ngày từ 26/4 đến 2/5/2019) bởi cho rằng, cần thời gian đủ dài để du khách trải nghiệm, các nghệ nhân giới thiệu tay nghề và những sản phẩm tâm huyết, không chỉ vậy, đây cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc các làng nghề giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm hơn cho du khách.
Nâng tầm Festival Nghề truyền thống Huế
Festival Nghề truyền thống Huế giờ đây đã trở thành nơi hội tụ của người thợ thủ công Huế và khắp mọi miền của tổ quốc. Tại đây, tài năng của của các nghệ nhân bàn tay vàng được mọi người biết đến rộng rãi, ngưỡng mộ và từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ tiếp sức cho những người trẻ, nghệ nhân trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề truyền thống của cha ông. Cứ sau mỗi kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, chúng ta lại chứng kiến sự "hồi sinh" của nhiều cơ sở làng nghề mà một thời gian dài trước đó tưởng chừng như mai một theo thời gian.
Đường phố Huế rực rỡ trong các kỳ Festival được tổ chức.
Đặc biệt, qua Festival Nghề truyền thống, các làng nghề đã có điều kiện để được quảng bá rộng rãi hơn đến với công chúng, gây được tiếng vang và ký kết nhiều hợp đồng giá trị sau khi tham gia lễ hội này. Chẳng hạn như Nghề Dệt Zèng (A Lưới), chính kỳ Festival Huế 2015 đã tạo nên động lực quan trọng để chắp cánh cho nghề truyền thống của đồng bào dân tộc phát triển mạnh mẽ, để trước thềm Festival Nghề truyền thống 2017 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Huế cho biết, Festival Nghề truyền thống Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế. Sự trưởng thành của lễ hội này thể hiện không chỉ qua số lượng các làng nghề đăng ký ngày càng đông, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức, chủ trương xã hội hóa cũng được thể hiện rõ và ngày càng nhận được sự hưởng ứng của các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Festival nghề Huế 2019 sẽ tiếp tục có sự tham gia của các thành phố quốc tế của Hàn Quốc, Nhật Bản như thành phố Gyeongju, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ truyền thống Hàn Quốc, thành phố Saijo (Nhật Bản)… sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, độc đáo như sản phẩm nghề Yugi (đồ đồng Hàn Quốc), sản phẩm hàng gia dụng làm từ giấy Hanji (giấy Hàn Quốc), sản phẩm nhuộm tự nhiên, Hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc), nghề làm giấy truyền thống, gốm sứ, đồ thủ công gỗ của Nhật Bản.
Festival Nghề truyền thống Huế 2019 hứa hẹn sẽ là một kỳ fesival hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.
Ngoài các chương trình có dấu ấn từ Festival trước như Lễ hội áo dài, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế, Festival lần này sẽ có Lễ hội hoa, chương trình nghệ thuật đặc sắc của các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc...
Có thể thấy, qua 7 kỳ tổ chức, TP Huế đang dần định hình quy trình, công nghệ tổ chức festival. Năm nay, công tác tuyên truyền, quảng bá cho Lễ hội được lên kế hoạch từ sớm, cách thực hiện cũng đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Yêu cầu đặt ra cho công tác truyền thống không chỉ là để khẳng định tầm vóc, thương hiệu của Festival Nghề truyền thống Huế mà còn giới thiệu về con người, bản sắc văn hóa, về tinh hoa nghề của Cố đô Huế, là những "nguyên liệu" tạo nên môi trường "hội tụ" và mang tính chất đại diện cho cả quốc gia trong việc giới thiệu, bảo tồn phát huy di sản các làng nghề truyền thống đối với bạn bè quốc tế.