(Tổ Quốc) - “Cơ hội về kinh tế số của Việt Nam thì có quá nhiều để liệt kê, bao gồm tất cả các lĩnh vực chưa được số hoá, cùng với những cải tiến đối với các lĩnh vực đã được số hoá”.
Đó là chia sẻ của ông Kenneth Atkinson với Trí Thức Trẻ về triển vọng chuyển đổi số của Việt Nam. Ông Kenneth Atkinson là Nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam, đồng thời là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Tư vấn Du lịch (TAB) và Thành viên Hội đồng quản trị Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 khi hầu hết các tổ chức trong và ngoài nước đều dự báo rất tích cực?
Kết thúc năm 2020, Việt Nam là một trong số rất ít những nền kinh tế đạt được con số tăng trưởng dương tốt như vậy. Những kết quả này phần lớn nhờ thành công đáng kinh ngạc với việc kiểm soát cũng như dập dịch nhanh chóng.
Tôi tin rằng những kết quả này sẽ có tác động tích cực lâu dài đến danh tiếng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Dự báo của ADB về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 dao động từ 1,8% đến 3%. Đặc biệt, ADB là tổ chức thận trọng nhất trong các thể chế đa phương. Đến năm 2021, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,1%; Chính phủ Việt Nam dự báo 6,5% và HSBC dự báo 8,1%.
Nhìn chung, đây đều là các dự báo có cơ sở và Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được những mục tiêu này.
Tuy nhiên, thách thức chính đối với Chính phủ Việt Nam trong việc đạt được mức tăng trưởng GDP dự báo vào năm 2021 sẽ là việc cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tài chính đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nền kinh tế, điển hình như hàng không, du lịch, khách sạn cũng như một vài doanh nghiệp sản xuất.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, theo ông, Việt Nam nên ưu tiên phát triển các ngành chịu tác động lớn hay ưu tiên các ngành đã được cải thiện trong thời gian này?
Điều quan trọng trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế là để thị trường quyết định các ưu tiên phát triển, bởi khu vực tư nhân mới là khu vực quyết định lớn đến điều này chứ không phải Chính phủ.
Vai trò của Chính phủ là hỗ trợ các ngành, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn chưa có lợi thế để đưa ra các gói kích cầu lớn như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã làm.
Theo tôi, khu vực mà Chính phủ nên tìm cách hỗ trợ là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề và được coi là quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, ví dụ như các hãng hàng không và các công ty tham gia vào lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Đây đều là ngành mũi nhọn và đóng góp hơn 10% GDP trước khi đại dịch bùng phát. Các lĩnh vực khác cần được hỗ trợ là những lĩnh vực đảm bảo tính bền vững trong tương lai, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng suất; bao gồm năng lượng tái tạo, các công ty tham gia vào chuyển đổi kỹ thuật số.
Ông nhận xét gì về mô hình kinh tế số Việt Nam hiện nay?
Phát triển kinh tế số Việt Nam hiện nay bao gồm hai hướng đi. Thứ nhất, chuyển đổi số với mục đích giúp cuộc sống người dân thuận tiện hơn. Mô hình này được nhìn thấy rõ khi ngày càng nhiều các hoạt động chuyển đổi số được triển khai, điển hình như Chính phủ điện tử, thanh toán điện tử, thương mại điện tử, thành phố thông minh cũng như nhiều sáng kiến số khác về quản lý giao thông. Những sáng kiến này về cơ bản là từ Chính phủ hoặc các nhà phát triển lớn của ngành, ví dụ như ngân hàng.
Thứ hai, chuyển đổi số với mục đích nâng cao hiệu quả và tăng tính cạnh tranh. Mô hình này được áp dụng trên tất cả các ngành, ví dụ như sản xuất hoặc khách sạn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng suất. Điển hình, việc áp dụng kinh tế số trong ngành du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách cũng như phục hồi ngành du lịch giai đoạn hậu Covid-19.
Về cơ hội thì có quá nhiều để liệt kê, bao gồm tất cả các lĩnh vực chưa được số hoá, cùng với những cải tiến đối với các lĩnh vực đã được số hoá. Ngoài ra, Chính phủ điện tử, đặc biệt là thuế và hải quan, cấp phép cho các nhà đầu tư mới cả trong và ngoài nước, cấp phép sản phẩm, thành phố thông minh cũng sẽ là những cơ hội đặc biệt của Việt Nam.
Bên cạnh đó, số hóa sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Thực tế, một trong những chìa khóa để tránh "bẫy thu nhập trung bình" là cải thiện năng suất và phát triển các ngành kinh tế chủ chốt, chuyển từ sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn.
Hiện nay, khi so với các quốc gia ASEAN khác, Việt Nam vẫn chưa ngang hàng về mức độ cải thiện năng suất hàng năm.
Trong nhiều năm, mức tăng lương của Việt Nam thậm chí cao hơn cả mức tăng năng suất. Nếu tôi nhớ không nhầm thì mãi cho đến năm 2018 - năm đầu tiên Việt Nam có mức tăng năng suất cao hơn mức tăng lương. Như vậy, số hóa sẽ là cơ hội lớn của Việt Nam.
Đối với thách thức, tôi cho rằng đó là việc cân bằng các phân mảng trong nền kinh tế số. Như mọi người đều nhận thấy, chuyển đổi số trong vận tải và thực phẩm thời gian vừa qua đã tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là lĩnh vực giao đồ ăn tại các khu vực đô thị.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào những phân khúc này thì sẽ không tạo ra sự bền vững cho nền kinh tế số, nhất là khi các doanh nghiệp này đạt được điểm tiếp xúc (hay điểm chạm) với khách hàng hơn. Thêm vào đó, sẽ có những cạm bẫy nhất định mà số hóa có thể gây ra. Tuy nhiên, tôi không lo ngại về điều này bởi cơ hội hiện nay lớn hơn rất nhiều.
Việt Nam cần tập trung vào điều gì để bắt kịp với nền kinh tế số toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng hiện nay?
Việt Nam đang làm rất tốt trong việc bắt kịp nền kinh tế kỹ thuật số mà toàn cầu đang hướng tới. Câu hỏi thực sự ở đây là Việt Nam có thể làm gì để dẫn đầu trong một số lĩnh vực số hóa chứ không chỉ theo kịp.
Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn trong việc ban hành Chính phủ điện tử cùng với việc triển khai thành phố thông minh. Đây sẽ là lợi ích chính cho người dân khi đô thị hóa tiếp tục phát triển. Việt Nam từ lâu đã có một khuôn khổ tham vấn Chính phủ với Doanh nghiệp mạnh mẽ, và khuôn khổ chính sách đang phát triển sẽ giúp các doanh nghiệp có những lợi thế để vượt lên phía trước.
Theo ông, đâu là điểm sáng trong ngành du lịch Việt Nam vào "năm Covid"?
Các bãi biển vẫn chưa bị cuốn trôi (tôi đùa thôi).
Theo tôi thì, mặt sáng của ngành du lịch năm nay chính là việc các doanh nghiệp tập trung vào du lịch nội địa, một mảng mà trước đây thường ít được tập trung.
Trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam chủ yếu tập trung vào khách quốc tế bởi đây là khu vực đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Khi nhìn vào các mảng như marketing hay điều hành tour, các doanh nghiệp du lịch thường tập trung vào phân khúc trung đến cao cấp đối với khách du lịch quốc tế.
Trong khi đó, du lịch nội địa lại thường tập trung vào phân khúc bình dân trên thị trường.
Nhìn lại năm 2020, mặc dù trong bối cảnh đầy biến động, nhưng điểm sáng của ngành du lịch đó là cộng đồng các doanh nghiệp sẵn sàng hành động cùng nhau. Khi tập trung vào thị trường nội địa, thì đối tượng khách hàng như: người Việt thường đi du lịch nước ngoài trong quá khứ, người nước ngoài không thể về nước hoặc đi sang các nước khác cũng là một thị trường rất lớn mà chúng ta có thể khai thác.
Tôi cho rằng, đây là phân khúc mà các khách sạn cao cấp có thể tập trung nhiều hơn nữa.
Một điểm sáng nữa đó là các doanh nghiệp đang tìm cách giảm chi phí bằng việc chuyển đổi số, giảm việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Nhật Bản là một quốc gia khá tiên tiến trong xu hướng này. Tại các khách sạn Nhật Bản, 3, 4 hay 5 sao, du khách không cần liên hệ trực tiếp với nhân viên để nhận phòng mà tất cả đều qua phương tiện máy móc. Bạn có thể thực hiện các thủ tục như đưa hộ chiếu, trả thẻ tín dụng, lấy chìa khóa phòng… mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Với Việt Nam, tôi cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang cân nhắc việc họ có thể số hóa dịch vụ bằng các phương pháp như nhận dạng khuôn mặt khi đăng ký, hay đi thang máy mà không cần bấm nút…
Tôi cho rằng ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm và có thể làm trong thời gian tới.
Vậy đâu là tiềm năng của ngành du lịch trong năm 2021?
Du lịch nội địa đang hồi phục trở lại và tôi không chắc liệu có thể đạt được mức trước giai đoạn Covid-19 hay không, nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được hơn 50 triệu khách du lịch nội địa vào năm nay và khoảng 70-75 triệu khách trong năm tới.
Du lịch quốc tế thì tôi cho rằng sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa biên giới các nước, và nếu nhanh nhất thì cũng sẽ phải đến cuối quý 3 năm sau mới có thể phục hồi trở lại.
Nhìn chung, sẽ có lượng du khách quốc tế nhất định và tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam sẽ thiết lập bong bóng du lịch trong khu vực với một số nước vào cuối năm nay.
Ngoài ra, việc phát triển vaccine cũng sẽ tác động đến quá trình này. Tuy nhiên, điều này vẫn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine hoặc có thể tiếp cận với vaccine giá cả phải chăng nhanh chóng đến mức nào.
Năm 2020, "làn sóng" FDI vào Việt Nam chuyển biến rất nhanh và tích cực. Theo ông, điều gì khiến Việt Nam là điểm đến đặc biệt hấp dẫn như vậy?
Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, EVFTA, UK-Việt Nam FTA, CPTPP và RECP cùng với những hiệp định khác, tất cả sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng FDI vào Việt Nam và điều này cũng sẽ được hưởng lợi hơn nữa từ cách xử lý của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Hiện nay, chúng ta có thể thấy những kết quả tích cực trong xuất khẩu từ việc tăng đầu tư vào lĩnh vực điện tử, điều này đã giúp đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu hàng năm trong năm nay.
Chính phủ đang nhanh chóng hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thông qua tăng chi tiêu công và cũng đảm bảo có quỹ đất để phát triển hơn nữa các khu công nghiệp.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thành lập và hoạt động kinh doanh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn.
Vẫn còn rất ít doanh nghiệp có thể là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam và FDI có thể tăng cường liên kết trong thời gian tới, nhất là khi kinh tế thế giới và trong nước bắt đầu phục hồi?
Đây là chủ đề chung của Chính phủ đối với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam từ vài năm nay. Theo tôi, khi có nhiều làn sóng mới đầu tư vào Việt Nam, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các nhà sản xuất chính để mở rộng chuỗi cung ứng, trong đó bao gồm việc liên kết với các nhà sản xuất địa phương.
Một ví dụ là việc một số nhà sản xuất điện tử lớn đã chuyển sang Việt Nam để thành lập cơ sở nghiên cứu và phát triển. Quy tắc xuất xứ, các quy định bắt buộc để được hưởng thuế quan ưu đãi cũng sẽ giúp thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các công ty trong nước nhằm có thể cung cấp các bộ phận và linh kiện.
Đồng thời, các công ty địa phương cũng sẽ
cần nâng cao kỹ năng và thiết lập các quy trình, thủ tục tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.