(Tổ Quốc) - Gần 21 nghìn bức tranh gửi về cuộc thi vẽ tranh "Ngày hội sắc màu" năm 2020; Thực hiện xây dựng gia đình, làng, tổ dân phố văn hóa; Phát hành sổ tay Tiêu chuẩn - Tài liệu giáo dục đời sống gia đình năm 2020 là những thông tin văn hóa và gia đình nổi bật tại các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên.
- 20.04.2020 Chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước qua tác phẩm "Mẹ kháng chiến"
- 20.04.2020 Triển lãm 120 tác phẩm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm Giải phóng miền Nam
- 20.04.2020 Tổ chức Cuộc thi sáng tác tranh cổ động trực tuyến tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công...
Hải Phòng: Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hải Phòng vừa có báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư "Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị 49-CT/TW.
Theo đó, thực hiện xây dựng gia đình, làng, tổ dân phố văn hóa, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn thành phố tích cực chỉ đạo, vận động Nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa. Trong 15 năm qua, thành phố duy trì tổ chức Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu thành phố thường niên. Đến nay, toàn thành phố có trên 2000 gia đình văn hóa tiêu biểu được thành phố tuyên dương, khen thưởng; 35 gia đình văn hóa điển hình, xuất sắc được tuyên dương tại Hội nghị Tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc vào các năm 2007 và 2012. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa tăng dần hàng năm. Năm 2000, có hơn 70 % số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, đến năm 2019 tỷ lệ đạt 88 %.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước tại các địa phương. Các gia đình văn hóa là những hạt nhân tích cực trong nhiều cuộc vận động, các phong trào thi đua, là những điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội và giữ gìn an ninh trật tự tại các địa phương: đi đầu trong việc chấp hành đường lối, chủ - trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời là điểm tựa vững chắc trong việc đẩy lùi trong số các tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, làm cơ sở cho việc xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa phát triển bền vững.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa còn có đóng góp tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, hương ước, quy ước cộng đồng. Các gia đình văn hóa gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực tiên phong trong việc xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa, đồn điền, đổi thửa và vận động các gia đình khác cùng thực hiện, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất tập trung để canh tác cơ giới. Ở các quận, nhiều gia đình văn hóa là những hạt nhân tiêu biểu trong việc hiến đất, trả đất, giải phóng mặt bằng các dự án, đóng góp ngày công sửa chữa nâng cấp ngõ phố, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Việc thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa tạo cho mỗi gia đình có nền nếp hơn, vợ chồng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, người lớn sống mẫu mực, con cháu trong gia đình hiếu thuận, lễ phép. Đã xuất hiện nhiều tấm gương gia đình văn hóa có 3 - 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận và luôn quan tâm giáo dục con cháu theo nếp nhà truyền thống. Trong các gia đình văn hoá, bạo lực gia đình được loại bỏ, thực hiện bình đẳng giới, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dạy con chăm ngoan, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo và hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, trùng tu tôn tạo di tích, lịch sử văn hóa của địa phương, hưởng ứng phong trào khuyến học, hiếu học…
Bắc Ninh: Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, thực hiện công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống dịch Covid - 19 liên quan đến các lĩnh vực của Ngành.
Cụ thể, trong công tác quản lý văn hóa: xây dựng Kế hoạch tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội";
Về công tác quản lý di sản: Triển khai thực hiện công tác trùng tu, tu bổ cho các di tích được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp năm 2020; tiếp tục triển khai thực hiện đề cương Đề án bổ sung "Ngân hàng dữ liệu tên đường, tên phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh"; biên soạn cuốn "Bắc Ninh tỉnh chí".
Phong trào TDĐKXDĐSVH và gia đình: Phát hành sổ tay Tiêu chuẩn - Tài liệu giáo dục đời sống gia đình năm 2020; xây dựng nội dung tờ gấp tuyên truyền công tác gia đình văn hóa, Làng, Khu phố đạt danh hiệu văn hóa; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Đồng thời, tham mưu báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban bí thư về Xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước; triển khai tuyên truyền ngày Gia Đình Việt Nam 28/6; xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020; xây dựng nội dung tờ gấp tuyên truyền công tác gia đình và tài liệu giáo dục đời sống gia đình năm 2020…
Hưng Yên: Thực hiện cuộc thi vẽ tranh "Ngày hội sắc màu" năm 2020 do Hội đồng Đội Trung ương phát động, ở giai đoạn 1 với chủ đề "Bảo vệ sức khỏe và chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19" diễn ra từ ngày 18/3 đến 14/4/2020, thiếu nhi toàn tỉnh Hưng Yên đã gửi đến Ban tổ chức cuộc thi gần 21 nghìn bức tranh.
Mỗi tác phẩm, mỗi phong cách vẽ, với đa dạng chất liệu màu, thể hiện rõ các nội dung về chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh, những việc làm cụ thể của thiếu nhi cùng gia đình, nhà trường và cộng đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, Hội đồng Đội Trung ương đã phát động cuộc vẽ tranh "Ngày hội sắc màu" năm 2020 với chủ đề "Bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh Covid -19". Đối tượng tham gia là thiếu nhi Việt Nam, có độ tuổi từ 6 đến 15 (từ lớp 1 đến lớp 9) đang sinh hoạt, học tập tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi, các Câu lạc bộ, Trung tâm Năng khiếu nghệ thuật trong cả nước.
Bức tranh được vẽ trên giấy trắng khổ A3 với các loại màu tự chọn như: chì, bột màu, sáp màu, sơn dầu, màu nước, bút dạ màu hoặc các chất liệu khác đều hợp lệ; Bức tranh tham dự phải là những Bức tranh chưa được trưng bày, triển lãm hoặc đăng tải trên các ấn phẩm, sách báo, tạp chí hoặc trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào; Bức tranh phải ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, trường, lớp, địa chỉ trường, địa chỉ nhà riêng và số điện thoại vào mặt sau của Bức tranh, các Bức tranh không đầy đủ thông tin cá nhân đều là những Bức tranh không hợp lệ, không đủ điều kiện để tham gia cuộc thi.
Ngoài ra, tác giả Bức tranh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về bản quyền và trách nhiệm nếu có tranh chấp về bản quyền của Bức tranh; Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm đối với những Bức tranh bị thất lạc trong quá trình vận chuyển; Ban Tổ chức có quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ các Bức tranh của cuộc thi nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền sau hoạt động.
Kết thúc giai đoạn 1, Ban Tổ chức sẽ trao 01 giải Đặc biệt chung của cuộc thi. Các giải thưởng khác sẽ trao theo nhóm đối tượng Khối Tiểu học và Khối THCS như sau: 02 giải Nhất, 04 giải Nhì, 06 giải Ba, 30 giải Khuyến khích.