• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gắn kết văn hóa Xứ Đoài và văn hóa Thăng Long tạo thành văn hóa Thủ đô

28/07/2018 14:14

(Cinet) - Đó là chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đại diện cho giới văn nghệ sĩ Thủ đô bày tỏ những suy nghĩ, cảm tưởng của mình về những thành tựu văn hóa của Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính

(Cinet) - Đó là chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, đại diện cho giới văn nghệ sĩ Thủ đô bày tỏ những suy nghĩ, cảm tưởng của mình về những thành tựu văn hóa của Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính.

Nghị quyết số 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội đã mở ra một vận hội mới cho Thủ đô, nâng diện tích Thủ đô lên tầm vóc của 17 thủ đô lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên, điều quan trọng là đối với văn hóa và tâm linh con người thì Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” từ ngàn đời, hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận – nhà thơ Bằng Việt nhận định.

Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Gia Linh

Quyết định lịch sử này cũng đưa Thủ đô Hà Nội trở thành địa phương giàu có nhất nước về di sản văn hóa, gồm 5922 di tích, có 1 Di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), 3 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; 1 Di sản tư liệu thế giới; 12 di tích Quốc gia đặc biệt và trên 1.000 di tích Quốc gia. Hà Nội cũng được xếp hàng đầu cả nước về việc tổng kiểm kê có 1793 các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Nếu vùng văn hóa Thăng Long - cái nôi của nền văn hóa dân tộc, hình thành cùng với nền văn minh Sông Hồng được đắp bồi, là kết tinh của văn hóa tâm linh và hào khí dân tộc, thì văn hóa Xứ Đoài cũng là “một vùng trời đất gấm hoa”. Sự kết hợp giữa hai vùng văn hóa lớn này có ý kiến lo lắng nếu cùng cộng hưởng, giao thoa, thẩm thấu vào nhau thì mỗi bên có bị tổn hại, có bị phai nhạt đi bản sắc văn hóa của mình không?

Làng lụa Vạn phúc, Hà Đông

Tuy nhiên, như nhà thơ Bằng Việt đã khẳng định, “thực tiễn đã cho thấy, lực lượng trí thức văn nghệ sĩ, nghệ nhân làm văn hóa của cả Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều rất gắn bó, hòa đồng, kề vai sát cánh mở rộng giao lưu, trao đổi, hợp tác, phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của mình, nâng hoạt động văn hóa Thủ đô lên một tầm cao mới, làm sáng tỏ ý nghĩa tương tác tích cực và hiệu quả giữa các vùng văn hóa.”

10 năm không phải là thời gian quá dài nhưng chúng ta đã được chứng kiến văn hóa Thăng Long cùng văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác đều phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình, cùng phát triển hài hòa, bổ sung cho nhau một cách có chọn lọc, cùng vươn tới tầm cao, đạt tới giá trị tinh hoa đích thực, tạo thành giá trị văn hóa Thủ đô.

Và cuối cùng, Nhà thơ Bằng Việt khẳng định “Hà Nội mở rộng đã tạo nên một tầm cao mới, vị thế mới của văn hóa Thủ đô, đã khẳng định văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh, là sức mạnh mềm, là động lực để phát triển bền vững Thủ đô trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.”

Gia Linh

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ