• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gạo Việt thâm nhập gần 160 quốc gia trên thế giới

Kinh tế 11/10/2018 08:32

(Tổ Quốc) - Chiều ngày (10/10), tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader (TRT), Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế tổ chức Hội nghị Gạo Quốc tế Việt Nam. Và trong hai ngày 11 và 12/10, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 10.

Gạo Việt thâm nhập gần 160 quốc gia trên thế giới - Ảnh 1.

Theo Bộ Công Thương, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quốc tế uy tín nhất thế giới về lĩnh vực thương mại gạo này". Hội nghị nhận được sự quan tâm của đông đảo đại diện các ngành hàng từ các nước xuất, nhập khẩu gạo, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dự kiến sẽ có khoảng 500-600 đại biểu tham gia các phiên thảo luận tại Hội nghị, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối, hợp tác và giao thương với các doanh nghiệp quốc tế.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua đạt kết quả rất tích cực, cả về lượng và giá xuất khẩu cũng như cơ cấu chủng loại xuất khẩu. Gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng với đó là sự đa dạng các sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ,...

Gạo Việt thâm nhập gần 160 quốc gia trên thế giới - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết Gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: Phùng Nguyên.

"Những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Ngoài ra, các giống lúa thơm, chất lượng cao nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22%. Giá FOB bình quân xuất khẩu ở mức 452,6 USD/ tấn, tăng 0,8%, tương đương mức tăng 3,7 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2016.

Những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết, "xuất khẩu gạo của nước ta đã chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là châu Á với 60%, trong đó Trung Quốc chiếm đến 40%. Ngoài ra, tỷ trọng xuất khẩu gạo sang châu Phi là 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%".

Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, định hướng phát triển, sản xuất, xuất khẩu gạo thời gian tới là sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Tiếp đó là tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói. Cộng thêm việc xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng. Xây dựng uy tín, thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới là điều rất quan trọng.

Liên quan đến vấn đề nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, trước tiên điều cần làm là nâng cao giá trị giống lúa, nâng cao chất lượng. Phát triển giống lúa theo nhu cầu của thị trường. Cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ giống lúa, các tiêu chuẩn, kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Đồng thời áp dụng cơ giới đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa như cánh đồng lớn, hợp tác xã.

Phùng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ