• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặp gia đình có 3 nghệ nhân, 9 đời gắn bó với tranh làng Sình

Văn hoá 25/10/2018 07:20

(Tổ Quốc) - Suốt 9 đời theo đuổi nghề làm tranh dân gian làng Sình, gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước được xem là những người có công lớn khi đưa nghề này từ bờ vực lụi tàn đến ngày hồi sinh.

Chôn khuôn, giữ nghề

Nằm cách TP. Huế tầm 10km về phía Đông, làng Sình hay còn gọi là làng Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế lâu nay nức tiếng gần xa không chỉ bởi hội vật truyền thống mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm mà còn được biết đến với nghề làm tranh dân gian làng Sình. Ở làng Sình hiện nay, nói về nghề làm tranh truyền thống của làng phải kể đến gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (71 tuổi), đây là một trong những gia đình làm tranh lâu đời nhất và có công lớn trong việc gìn giữ bí quyết làm tranh của tổ tiên để lại.

Gặp gia đình có 3 nghệ nhân, 9 đời gắn bó với tranh làng Sình - Ảnh 1.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tỉ mẫn đục khuôn in. Ảnh: Lê Chung

Chúng tôi tìm về làng Sình, gặp nghệ nhân Kỳ Hữu Phước khi ông cùng với vợ con vẫn đang tất bật bên khuôn đục, nghiên mực và bút lông trong ngôi nhà nhỏ của mình. Biết có người muốn tìm hiểu về nghề tranh của làng, tạm ngưng tay đục, bên bát chè xanh, ông Phước niềm nở đón tiếp, giới thiệu về tranh làng mình.

Theo ông Phước, hiện chưa rõ thời gian chính xác tranh dân gian làng Sình được ra đời từ lúc nào. Tuy nhiên, theo một số tài liệu có ghi chép lại, từ khoảng ba, bốn trăm năm trước trong dòng người theo chân Chúa Nguyễn vào đất Thuận Hóa lập nghiệp đã có người mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản đến định cư tại làng Sình. Gia đình ông Phước đến nay đã có 9 đời gắn bó với nghề này nên cũng trải qua không ít những thăng trầm, buồn vui cùng nghề.

"Khi xưa, người dân làng Sình cũng sống bằng nghề trồng lúa, đánh bắt cá. Rồi những ngày nông nhàn, người nông dân lại tranh thủ làm tranh phục vụ các lễ của làng và dâng lên các lễ chốn cung đình. Dần dần, nghề làm tranh ở làng Sình phát triển, được nhiều người biết đến và trở thành đồ lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế", ông Phước cho hay.

Gặp gia đình có 3 nghệ nhân, 9 đời gắn bó với tranh làng Sình - Ảnh 2.

Tranh 12 con giáp làng Sình. Ảnh: Lê Chung

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước nhớ lại, có một thời nghề làm tranh đã nuôi sống biết bao phận người, ăn sâu vào văn hóa của làng Sình, tuy nhiên thời kỳ sau giải phóng (1975), tranh làng Sình đối mặt với nhiều khó khăn. Thời điểm ấy, khi đời sống còn thiếu thốn, con em không có giấy để học tập nên việc làm tranh phục vụ tâm linh được xem là lãng phí. Phần nữa, vì bị xem là mê tín dị đoan nên nghề tranh làng Sình bị cấm đoán. Nhiều khuôn in, giấy bút trong làng bị chính quyền tịch thu mang đốt khiến người dân làng Sình không khỏi xót xa.

Phần vì yêu nghề, phần vì tiếc "di sản" của cha ông để lại, vợ chồng ông Phước liều mình đưa những tấm khuôn đi giấu, rồi đào hầm chôn đồ nghề trong nhà lén vẽ tranh. Làm nông không đủ sống, đêm về gia đình làm thêm tranh rồi lấy dây buộc vào bụng, mang áo bên ngoài đem lên phố, đưa đi các tỉnh thành miền Trung để bán mưu sinh.

Sau này khi đất nước đổi mới, tranh làng Sình được nhìn nhận lại đúng với giá trị của mình. Chính gia đình ông Phước là những người nhiệt tình mang những tinh hoa của nghề còn giữ được truyền lại cho nhiều người dân khác, nhờ vậy mà đã gìn giữ được nghề làm tranh quý giá của làng. Đến nay cả ông Phước và vợ là Trần Thị Gái cùng con trai Kỳ Hữu Hải đều được công nhận là "nghệ nhân tranh dân gian làng Sình". Đó là thành quả xứng đáng cho những con người tâm huyết, đam mê với nghề.

Lan tỏa để bảo tồn

Gặp chúng tôi hôm nay, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước không giấu được sự vui mừng bởi theo ông, từng có thời gian nghề làm tranh làng Sình đứng trước bờ vực lụi tàn thì nay đã vượt qua được "cơn nguy kịch", không những sống mà đang sống khỏe. Hiện tại trong vùng cũng có hơn 40 hộ duy trì và phát triển nghề này.

Gặp gia đình có 3 nghệ nhân, 9 đời gắn bó với tranh làng Sình - Ảnh 3.

Tranh làng Sình đơn sơ, mộc mạc, đậm chất làng quê. Ảnh: Lê Chung

Kể từ Festival làng nghề truyền thống 2007, khi lần đầu tiên mà tranh làng Sình được nhìn nhận và tôn vinh, nhiều người trong đó có các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và giá trị trong đời sống tâm linh của loại tranh này.

Theo các nhà nghiên cứu, nét nổi bật của tranh làng Sình khác với những dòng tranh dân gian nổi tiếng khác như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng,.. không phải là sự cầu kỳ mà chính là bởi những nét vẽ đơn sơ, mộc mạc, đậm chất làng quê. Ngoài màu chính được in từ khuôn, những màu sắc còn lại được vẽ hoàn toàn bằng tay nên mang đậm dấu ấn cá nhân, không có bức nào giống bức nào.

Gặp gia đình có 3 nghệ nhân, 9 đời gắn bó với tranh làng Sình - Ảnh 4.

Khuôn in tranh làng Sình. Ảnh: Lê Chung

Thế nhưng, để tạo ra được một bức tranh làng Sình cũng phải trải qua nhiều công đoạn khá phức tạp. Điểm này đã được gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước khéo léo lồng ghép vào việc gìn giữ bằng cách mở một không gian trải nghiệm làm tranh ngay trong khuôn viên nhà mình để phục vụ mọi người tham quan, học tập, nghiên cứu.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước chia sẻ, mỗi bức tranh làng Sình là một khuôn gỗ hoàn chỉnh với những hoa văn, hình thù khác nhau. Vậy nên trước khi in tranh, người làm phải tạo ra được mộc bản. Công việc này đòi hỏi những người thợ phải có tay nghề cao mới có thể chế tác ra những mộc bản mang đúng bản sắc và có thể lưu truyền cho hậu bối.

Gặp gia đình có 3 nghệ nhân, 9 đời gắn bó với tranh làng Sình - Ảnh 5.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu với khách tham quan tại không gian tranh làng Sình của gia đình. Ảnh: Lê Chung

Khi đã có khuôn gỗ hoàn chỉnh, người làm tranh dùng mực đen phết lên bản mộc rồi dùng giấy dó để in tranh thô. Tranh sau đó được đem phơi khô mực ở nhiệt độ vừa phải rồi được các nghệ nhân vẽ các họa tiết lên tranh bằng mực được làm bằng cách trộn lẫn một số số loại nhựa cây với nhau tạo nên những màu sắc rất đặc biệt.

Xưa để có các loại phẩm màu này, các nghệ nhân phải cất công lên rừng tìm các loại cây ưng ý. Xuống biển để mò bắt con điệp, sau đó về pha trộn chế thành phẩm để nhuộm giấy. Bút vẽ cũng được sáng tạo từ rễ của cây dứa mọc hoang ngoài đồng nên tranh làng Sình được xem là vật phẩm tự nhiên, trong sạch, không dơ bẩn. Là đồ lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế.

"Để bảo tồn nghề làm tranh làng Sình thì không gì tốt hơn bằng việc lan tỏa nó đến với nhiều người. Thực tế, hơn 10 năm đón khách đến trải nghiệm làm tranh tại nhà, nhiều người vô cùng thích thú và đánh giá cao nghề làm tranh của làng', ông Phước chia sẻ.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ