(Toquoc)- Những người yêu mến các nhân vật phim Biệt động Sài Gòn sẽ được gặp lại họ trong bộ phim mới.
(Toquoc)- Những người yêu mến các nhân vật phim Biệt động Sài Gòn sẽ được gặp lại họ và con cháu trong bộ phim mới “Những đứa con của biệt động Sài Gòn”.
“Tất cả các nhân vật chủ chốt trong phim đều là con, cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa. Sinh ra trong thời bình, được học tập đàng hoàng, thông thạo nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều có chung một điểm: họ là những người con đang giữ trọng trách bảo vệ cuộc sống bình yên cho thành phố mang tên Bác. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng chính là sự tri ân của họ, của thế hệ sau với thế hệ trước...”- Đại tá Công An nhân dân, Nhà văn, Nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải chia sẻ với chúng tôi về kịch bản phim truyền hình “Những người con của Biệt động Sài Gòn” với phần 1 mang tên “Đợi đến ngày cưới” do đạo diễn Long Vân, Công ty Cổ phần phim Long Vân cùng Hãng phim Người bảo vệ và Nhất Phương Film phối hợp thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Giải phóng Sài Gòn – TPHCM, 65 năm ngày truyền thống Lực lượng Công An Nhân dân.
Gặp lại Biệt động Sài Gòn
+Từ đâu mà ông lại có ý tưởng viết về thế hệ sau của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn?
- Viết “Những người con của biệt động Sài Gòn” cũng là cái duyên của tôi, lúc ấy là thời điểm tôi đang chuẩn bị viết một kịch bản mới, cũng phân vân vì chưa biết viết cái gì thì tình cờ có đạo diễn Long Vân và anh Nguyễn Anh Thái đến chơi, tôi nói thế mạnh của tôi là phim về công an, nhiều phim đã phát sóng, anh ấy thích gu nào thì tôi viết gu đó. Long Vân bảo thích kịch bản về hình sự và mang nhiều tài liệu về những vụ án nổi tiếng đến cho tôi. Thế là tôi bắt tay vào viết, xong tập đầu, đặt tên là Đồng tiền ma quái nhưng tôi lại nghĩ sao mình không viết về thế hệ sau của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn (bộ phim mà đạo diễn Long Vân làm cách đây 30 năm đã thu hút hàng triệu khán giả cả nước). Và cuối cùng tôi quyết định chuyển sang hướng khác, đó là viết về “Những người con của biệt động Sài Gòn”. Khi tôi đặt vấn đề, anh Long Vân đồng ý ngay và có nói đó cũng là ý tưởng mà anh ấy ấp ủ từ rất lâu rồi.
+ Bộ phim này sẽ tiếp nối “Biệt động Sài Gòn” là thế nào?
Tất cả các nhân vật chủ chốt trong phim đều là con, cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa. Sinh ra trong thời bình, được học tập đàng hoàng, thông thạo nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều có chung một điểm: họ là những người con đang giữ trọng trách bảo vệ cuộc sống bình yên cho thành phố mang tên Bác. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng chính là sự tri ân của họ, của thế hệ sau với thế hệ trước. Cha anh họ đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước thì họ, những người tiếp nối sẽ phải làm gì cho thành phố này? Và trong những bước chân tiếp nối ấy, có những người thành công, giữ vững bản lĩnh, nhưng cũng có những người đã không tránh được những cám dỗ của thời bình. Người tốt có, xấu có.
Phim sẽ vẫn là cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, vẫn không thể thiếu những cuộc đuổi bắt, những cuộc đấu trí đầy căng thẳng để người xem cùng cảm nhận rằng, thế hệ hôm nay vẫn luôn tiếp nối thế hệ trước một cách tốt đẹp nhất. Đây cũng chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt
+ Như vậy hẳn sẽ có rất nhiều nhân vật trong “Biệt động Sài Gòn” “tái xuất” màn ảnh, thưa ông?
- Đúng vậy, bộ phim sẽ có sự xuất hiện trở lại của các nhân vật trong phim “Biệt động Sài Gòn” như Tư Chung, Ngọc Mai, ni cô Huyền Trang, Bé Ba... tạo sự đan xen, kết nối một cách hấp dẫn, kịch tính và giàu hình ảnh. Bóng dáng của cô Huyền Trang, Minh Trang trong Biệt động Sài Gòn khiến tôi nghĩ đến 2 chị là Minh Hiền và chị Tươi, họ là hai chị em gái xinh đẹp, dũng cảm và lập nhiều công trong thời kháng chiến chống mỹ và đây cũng là nguyên mẫu của phim “Những người con của biệt động Sài Gòn”. Tất nhiên, nguyên mẫu có, hư cấu cũng có và tôi bắt tay vào viết các tập 1, 2, 10, 20,35, 36, viết đề cương giữa khoảng cách các tập. Khi đưa cho đạo diễn Long Vân, anh ấy đọc một mạch từ đầu đến cuối và bảo không thể có kịch bản nào hay hơn về đề tài này và bắt tay vào chuẩn bị ngay.
Cuộc chiến khốc liệt giữa thời bình
+ “Những đứa con biệt động Sài Gòn” sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
Từ hàng nghìn trang tư liệu về các nguyên mẫu tội phạm điển hình như: Khánh “Trắng”, Phúc “Bồ”, Dung “Hà”, Năm Cam... cùng những bộ tư liệu chưa từng được công bố sẽ tạo nên một kịch bản hấp dẫn, đầy ắp mưu mô, xảo quyệt của giới giang hồ cộm cán. “Cuộc chiến” giữa thế giới tội phạm với Phương Đê, Bảy Xoài, Mộc già, Thuỷ kiếm... và những người chiến sĩ công an như Người vô danh, Giang Quân, đại tá Trung Nghĩa... là cuộc chiến khốc liệt giữa thời bình đầy cam go, quyết liệt.
Truyện phim bắt đầu vào thời điểm trật tự an toàn tại thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp. Một số ổ nhóm tội phạm tranh giành lãnh địa hoạt động khá manh động gây ra bao phiền toái và bất an đối với người dân thành phố. Trong quá trình thu thập chứng cứ, thông qua Lãnh đạo cấp trên, Tổ công tác đặc biệt cũng hỗ trợ lực lượng công an cơ sở phá được một số tụ đểm tệ nạn tại địa bàn. Bộ phim đan xen giữa những cuộc đấu trí của những chiến sỹ chống tội phạm hôm nay và mối quan hệ đăc biệt với những chiến sỹ biệt động Sài gòn nổi tiếng. Đó là mối quan hệ giữa quá khứ hào hùng của các bậc làm cha làm mẹ đã từng lập bao chiến công trong cuộc chiến tranh vệ quốc với những đứa con sinh ra và lớn lên trong hòa bình đang gánh trọng trách bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội...
+ Ông tâm đắc nhất với phần nào của bộ phim?
- Tôi cho rằng đó là trường đoạn nữ trinh sát viên trẻ đẹp Minh Thư (con của một chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa) đã ngã xuống trước ngày cưới và Giang Quân, đồng đội và cũng là người yêu ôm cô từng bước chầm chậm từ gác thượng xuống, đây sẽ là cảnh sẽ làm xúc động hàng triệu người xem phim chứ không phải riêng cá nhân tôi.
Không “ăn theo” Biệt động Sài Gòn
+ Biệt động Sài Gòn là bộ phim quá hấp dẫn khán giả rồi, ông có ngại dư luận cho rằng đây sẽ là bộ phim ‘ăn theo’?
- Đây không phải bộ phim ăn theo Biệt động Sài Gòn, bởi lẽ phim này là sự tiếp nối của phim trước, dài tập hơn và vẫn có những nhân vật gạo cội như Quang Thái, Thanh Loan, Hà Xuyên, Hai Nhất... từng đóng Biệt động Sài Gòn tham gia. Tôi tin, công chúng sẽ thấy được một thế hệ sau Biệt động Sài Gòn cũng kiên cường, dùng cảm không kém thế hệ trước. Tuy nhiên, tôi cũng có một chút áp lực, vì phim kia là phim nhựa, cũng nỗi tiếng và đạo diễn Long Vân đã phải làm mất 4 năm trời mới xong được 4 tập, ông kỹ càng từ diễn viên đến chuẩn bị kinh phí đầy đủ. Còn ở phim này, tiền ít hơn, thời gian sản xuất không có phép, đội ngũ diễn viên không thể dành hẳn hàng năm trời để theo đuổi một phim, họ cũng phải chạy sô vài phim một lúc để kiếm sống... Tuy nhiên, những diễn viên chính đã đọc rất kỹ kịch bản và tôi thấy tự tin. Dù sao đây cũng là phim truyền hình, không phải phim nhựa nên chất lượng của phim phải đợi đến ngày hoàn tất thì mới có thể đánh giá được.
+ Ông có thể bật mí về phần 2 của “Những đứa con biệt động Sài Gon”?
- Thời điểm này nói đến phần 2 có lẽ hơi sớm, tôi đang suy nghĩ và có thể phần này sẽ có độ dài trên 50 tập, nhưng đợi đến lúc phim bắt đầu máy thì tôi viết. Dự định tên phần này sẽ là “Khúc tráng ca lặng lẽ”, nằm trong chủ đề phần một, là sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ công an. Trong đó, sẽ có những nguyên mẫu như anh hùng tình báo nổi tiếng như: Nguyễn Đình Bảy, Nguyễn Công Tài...
10 triệu khán giả mua vé xem Biệt động Sài Gòn Cách đây 30 năm (1980), ngay khi công chiếu Biệt động Sài Gòn (BĐSG) phim này đã tạo nên “cơn sốt” trên cả nước. Ước tính có khoảng 10 triệu khán giả mua vé để xem bằng được bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh Việt |
Hồng Hà