(Tổ Quốc)- Với dáng người thư sinh, cùng cặp kính trắng, nếu không có bộ quần áo của trại giam trên người, tôi cũng không dám tin rằng người đàn ông đang ngồi đối diện với mình lại là một phạm nhân đang chấp hành án tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đại gia nức tiếng một thời Lê Mãn Thân tại thư viện của trại giam Thanh Cẩm
Dang dở mộng phù hoa
Theo lời tự bạch của "đại gia" Lê Mãn Thân (Sinh năm 1978, trú ở xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ hồi còn ngồi học trên giảng đường đại học, chàng sinh viên trẻ đã bắt đầu tập tành viết nách và đam mê nghiệp báo chí. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Mãn Thân xin vào công tác tại một tờ báo tại Hà Nội. Nhưng, khi nghiệp báo chưa "trọn" Thân đã vướng vào vòng lao lý, bị TAND quận Hồng Bàng (Hải Phòng xử phạt 1 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm 2006, sau khi chấp hành xong bản án, Lê Mãn Thân tiếp tục được một tờ báo tại Hà Nội nhận vào làm việc với vai trò trưởng văn phòng đại diện ở Thanh Hóa. Những tưởng được trở lại với nghiệp báo mà bản thân vốn đam mê, Lê Mãn Thân sẽ "tu tỉnh" nhưng, một lần nữa, y lại tiếp tục vướng vào lao lý khi nhận tiền để tuyển người vào làm việc tại văn phòng không đúng quy định. Đồng thời, cũng trong quãng thời gian này, Lê Mãn Thân dần dấn bước vào lĩnh vực kinh doanh bằng việc thành lập Công ty CP Đầu tư dầu khí Petroconex.
Khoác trên mình "bộ cánh" của một Tổng giám đốc, Lê Mãn Thân chính thức bước vào cuộc chơi để thực hiện giấc mộng trở thành một doanh nhân thành đạt. Tháng 4/2009, Lê Mãn Thân đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp thành Công ty CP Đầu tư địa ốc dầu khí Petroconex, chuyển trụ sở từ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân về phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Trong giấy phép kinh doanh, đối tượng cũng đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là dịch vụ tư vấn và quản lý bất động sản. Kể từ đây, Lê Mãn Thân bắt đầu tạo dựng cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, khi tự nhận có nhiều mối quan hệ với các "lãnh đạo" để lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân…Với vỏ bọc của một cựu nhà báo, một doanh nhân thành đạt dám tuyên bố mua đứt đội bóng đá Thanh Hóa với số tiền hơn 30 tỷ đồng cho một mùa giải, Lê Mãn Thân đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của không ít người.
Chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 4 – 6/2010, Lê Mãn Thân đã chiếm đoạt tiền, tài sản của các nạn nhân lên tới số tiền 13 tỷ 800 triệu đồng.
Năm 2011 Lê Mãn Thân đã bị TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt) án tù chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Không quá bất ngờ với bản án này, vì thế Lê Mãn Thân bình thản đón nhận nó. Với bản án chung thân, phía trước Lê Mãn Thân là những ngày tháng dài chấp hành án phạt, còn sau lương cả một thời tuổi trẻ với bao hoài bão, mộng mơ. Tất cả đều đá khép lại, giấc mộng phù hoa dang dở…
Ngựa hoang... khuất phục
Một góc trong thư viện của trại giam Thanh Cẩm
Ngày 01/6/2012, Lê Mãn Thân được chuyển từ trại tạm giam TP Hà Nội Chấp hành án tại Trại giam số 5 nay là trại giam Thanh Cẩm. Mặc dù bình thản đón nhận bản án chung thân dành cho mình, vậy nhưng khi phải chuyển về "xứ đồng rừng", chiều chiều nghe tiếng chim "bắt cô trói cột", đêm đêm nghe dòng sông Mã cuộn trào…bản chất của "ngựa hoang" vẫn trào dâng dữ dội. Suốt 2 năm đầu chấp hành bản án tại Trại giam Thanh Cẩm, Lê Mãn Thân đều có kết quả cải tạo xếp loại kém.
Khoảng thời gian một, hai năm đầu tại trại giam, không chỉ đối với Lê Mãn Thân, mà có lẽ với nhiều phạm nhân khác cũng vậy, đây là quãng thời gian khó khăn nhất. Nhớ về quãng thời gian này, Lê Mãn Thân chia sẻ: "Đó là quãng thời gian mà ta có cảm giác một ngày không chỉ có 24h. Mọi thứ trở nên vô nghĩa và bản thân mình giống như người đi giữa sa mạc, bị mất phương hướng, trong khi tứ phía đều đang là bão cát nổi lên… Thời gian này, nếu không có sự quan tâm, chia sẻ và động viên kịp thời của các cán bộ, thì bản thân tôi khó mà vượt qua được".
Được sự quân tâm, động viên của các cán bộ trại giam, Lê Mãn Thân bắt đầu lấy lại được niềm tin vào cuộc sống và nhận ra một điều đơn giản rằng chỉ có con đường lao động, cải tạo tốt mới có thể nhanh chóng trở về với gia đình, xã hội. "Nhận thức góp phần thay đổi tư duy và hành động. nhận thức được hành vi sai trái của mình, ý thức được bản thân đang ở đâu và đặt ra mục tiêu để bản thân cố gắng, phấn đấu, từ đó, bản thân tôi đã tìm lại được sự cân bằng, sự an nhiên trong cuộc sống, để đối mặt với thực tế, yên tâm lao động và cải tạo…", Lê Mãn Thân chia sẻ.
Sau một thời gian lao động, cải tạo, Lê Mãn Thân được cán bộ trại giam tin tưởng đưa về đội phụ trách công tác văn hóa thi đua của phân trại. Hàng ngày, Lê Mãn Thân phụ trách thực hiện bản tin phát thanh tuyên truyền về các văn bản pháp luật, kỹ năng sống, hướng nghiệp cho phạm nhân…Thông qua những bản tin này giúp các phạm nhân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc lao động, học nghề, …Với công việc này, Lê Mãn Thân có dịp được phát huy sở trường của bản thân, được sống lại những ngày tháng ôm nghiệp cầm bút, ngày ngày làm bạn với sách báo và những dòng tin….
Về cuộc sống hiện tại ở trại giam Thanh Cẩm, Lê Mãn Thân bộc bạch: "Hơn 5 năm chấp hành án phạt tại trại giam Thanh Cẩm, cuộc sống hiện tại của tôi đã bắt đầu đi vào đúng quỹ đạo. Hiện tại, tôi dành toàn bộ thời gian vào công tác lao động, cải tạo, hoàn thành tốt những công việc được cán bộ tin tưởng giao phó để mong sớm được trở lại với gia đình, người thân".
Được biết vừa qua, trong cuộc thi viết giới thiệu về sách, Lê Mãn Thân đã giành giải nhất với bài viết về tác phẩm Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Chia sẻ về điều này, Lê Mãn Thân cho biết: "Có lẽ đây là niềm vui cũng như sự may mắn của bản thân tôi. Bởi cuộc thi giới thiệu về sách nằm trong khuôn khổ ngày hội sách do Ban Giám thị trại giam tổ chức, có rất nhiều tác giả gửi bài tham dự và tôi may mắn được giải nhất. Tôi chọn viết về tác phẩm Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, một tác phẩm hay chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc trong đó. Tôi mong muốn thông qua bài viết của mình nhiều anh em, bạn tù biết đến tác phẩm này để tìm đọc. Biết đâu đó, mỗi người sẽ tự nhìn thấy chính con người mình trong đó, để nhận ra điều mà chúng ta theo đuổi, đã làm là đúng hay sai…"/.