(Tổ Quốc) - Không đành lòng nhìn nghề gốm truyền thống của cha ông đã phát triển qua mấy trăm năm nay ngày một lụi tàn. Nghệ nhân Lê Trọng Diễn ngày ngày vẫn thắp lửa lò nung, đau đáu một ước mong phục dựng lại tên tuổi cho làng gốm Phước Tích.
Làng gốm tiến vua
Làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lâu nay vẫn được du khách gần xa biết đến là ngôi làng cổ có tuổi đời hàng trăm năm với những ngôi nhà rường cổ kính là nét đẹp kiến trúc độc đáo riêng biệt của Cố đô Huế. Đến làng cổ Phước Tích, bên cạnh những mái nhà rường xưa, mọi người không những được thả mình vào không khí yên bình của làng quê xứ Huế mà còn được tìm hiểu thêm về nhiều nét văn hóa đặc sắc nơi này.
Được biết, ngoài những căn nhà rường cổ, làng Phước Tích xưa cũng nức tiếng một thời bởi nghề gốm truyền thống với bề dày hơn 500 tuổi. Nhiều sản phẩm gốm tinh xảo qua bàn tay của các nghệ nhân của ngôi làng này một thời là sản vật dùng để tiến vua. Thế nhưng theo thời gian, nghề gốm Phước Tích lại đang dần bị mai một khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Nghệ nhân Lê Trọng Diễn giới thiệu về bộ sưu tập với đầy đủ 63 mẫu mã của làng gốm cổ Phước Tích. Ảnh: Thế Trung |
Đến Phước Tích hôm nay, chúng tôi may mắn khi được gặp một trong những người con hiếm hoi của làng vẫn còn giữ được niềm đam mê, tâm huyết với nghề gốm. Ông chính là nghệ nhân Lê Trọng Diễn.
Căn nhà nhỏ của nghệ nhân Lê Trọng Diễn nằm khuất sâu giữa làng. Với lối kiến trúc ba gian, hai chái, ngôi nhà rường có tuổi đời trên 150 năm là một trong những ngôi nhà cổ còn sót lại của làng. Thế nhưng đến đây, điều khiến nhiều người ấn tượng hơn cả chính là vô số những sản phẩm tinh xảo làm bằng gốm như chậu, om, niêu, ấm, cối tiêu, chum,.. được chủ nhân bày biện khéo léo trong căn nhà của mình.
Tìm hiểu được biết, đây là những sản phẩm gốm mà gia đình ông Diễn tự sản xuất và sưu tầm với đầy đủ 63 mẫu mã của làng gốm Phước Tích nổi tiếng một thời. Theo ông Diễn, trong số này có nhiều sản phẩm được tạo ra từ thời ông nội của ông. Vì quý trọng những sản phẩm của ông cha để lại nên từng có thời điểm xảy ra chiến tranh, những sản phẩm này được gia đình mang chôn xuống đất để tránh bị hư hỏng nên mới giữ gìn được đến hôm nay. Đến nay, mọi người xem đó như là của hồi môn mà cha ông để lại nên dù đã có nhiều người tìm đến hỏi mua nhưng gia đình nhất định không bán.
Nhiều sản phẩm gốm của làng Phước Tích từng là đồ vật dung để tiến Vua. Ảnh: Thế Trung |
Dù đã lớn tuổi thế nhưng ông Diễn vẫn có thể ghi nhớ và giới thiệu vanh vách về từng sản phẩm được trưng bày ở trong nhà mình. Các sản phẩm này vừa có nét mộc mạc vừa có nét tinh xảo riêng mang đặc trưng riêng của làng nghề gốm Phước Tích. Nhiều mẫu mã trong số đó từng là sản phẩm được làng Phước Tích dùng để dâng lên vua Nguyễn.
“Mỗi sản phẩm để sản xuất tiến vua được làm rất cẩn thận và công phu. Như nồi om tiến vua được sản xuất riêng, đất nung được tìm chọn kỹ càng và công đoạn sản xuất cũng vậy. Các sản phẩm này đều được nung riêng, nếu nung bị lỗi thì phải đập bỏ chứ không được mang bán hay dùng trong gia đình vì điều đó bị coi là phạm thượng”, kể về điều này, ông Diễn không khỏi tự hào.
Đau đáu ước mong giữ nghề
Thế nhưng khi được hỏi thêm về những hộ còn làm gốm ở trong làng, giọng ông Diễn bỗng nhiên chùng xuống. Ông cho biết, mình bén duyên với nghề gốm từ lúc 15 tuổi khi còn theo chân giúp việc cho ông nội. Chính bởi niềm đam mê đã đưa ông Diễn trở thành một trong bốn người có tài nung gốm giỏi nhất trong vùng. Vậy nhưng ông cũng không ngờ rằng mình sẽ là người chứng kiến những thời điểm thăng trầm nghề gốm của làng.
Nhà trưng bày gốm của ông Diễn hiện nay là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách khi đến thăm làng cổ Phước Tích. Ảnh: Thế Trung |
Từ khi hình thành, do chiến tranh loạn lạc nên nghề gốm làng Phước Tích bị gián đoạn nhiều lần. Đến năm 1995, lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa. “Làng Phước Tích xưa kia nhà nhà đều làm gốm để cung cấp cho châu Ô, châu Lý. Đó là một thời phát triển hưng thịnh nhất. Nhưng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với nhiều lần phát triển cao điểm rồi tắt hẳn. Cho đến hôm nay thì chỉ còn mỗi tôi là người cuối cùng tiếp tục sản xuất nghề gốm cổ truyền của làng”, ông Diễn kể lại.
Lý giải về điều này, ông Diễn cho hay: “Sản phẩm làng gốm Phước Tích chủ yếu sản xuất ra các vật dụng phục vụ trong đời sống hằng ngày của người dân. Nhưng thời điểm này có rất nhiều vật dụng ngoại nhập được thay thế nên người dân ít ai còn quan tâm và sử dụng gốm nữa”.
Không đành lòng nhìn số phận nghề gốm làng Phước Tích ngày càng lụi tàn, gia đình ông Diễn vẫn tiếp tục thắp lửa lò nung, quyết giữ gìn nghề gốm của cha ông. Đến năm 2006, người dân Phước Tích vui mừng khi lò gốm của làng đỏ lửa trở lại và lần đầu tiên tham gia Festival Huế.
Tuy các sản phầm gốm bây giờ không còn sản xuất để bày bán thịnh hành như ngày xưa mà chủ yếu phục vụ nhu cầu trang trí, lưu niệm cho du khách mỗi khi đến tham quan nhưng nghề gốm Phước Tích đã được nhiều du khách gần xa biết đến hơn. Nhà trưng bày đồ gốm của ông Diễn hiện tại cũng trở thành một địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi về làng Phước Tích.
Hiện nay sản phẩm gốm Phước Tích không còn được làm đại trà mà chỉ sản xuất phục vu nhu cầu trang trí, lưu niệm của du khách. Ảnh: Thế Trung |
Cuộc trò chuyện của chúng tôi và nghệ nhân Lê Trọng Diễn nhiều lần bị đứt quãng bởi những đoàn khách ghé thăm bất ngờ. Như thói quen, ông Diễn lại bật dậy chào hỏi và giới thiệu nhà trưng bày. Ông đọc tên các sản phẩm và những tác dụng của nó trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Không những giới thiệu về gốm Phước Tích, vị nghệ nhân lớn tuổi còn tận tình hướng dẫn các công đoạn làm ra một sản phẩm gốm từ cách làm đất, tạo hình đến nung gốm cho những du khách tò mò.
Công việc làm “hướng dẫn viên không chuyên” với một ông lão ở độ tuổi 70 như ông Diễn thực sự chẳng dễ dàng chút nào. Thế nhưng, ông vẫn nhiệt tình giới thiệu cho mọi người bằng sự đam mê của mình. Ông vui vẻ tâm sự: “Tôi được nói cho du khách biết đến làng nghề, về sản phẩm và quy trình sản xuất ra các loại gốm của ông cha mình thì còn gì sung sướng bằng. Thậm chí, nhiều du khách muốn tìm hiểu thì tôi sẵn lòng bắt tay chỉ việc”.
Ngoài sản xuất, trưng bày gốm, nhiều năm qua ông Diễn còn nhận dạy nghề và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên trong làng với mong muốn cứu nghề gốm đang bị mai một theo thời gian. “Mỗi lần nhóm lò nung hay làm các sản phẩm gốm, tôi đều chỉ bảo cho con cho cháu về công thức và cách làm. Rất vui là đứa nào cũng muốn tìm hiểu và tiếp thu rất nhanh. Tôi cũng luôn mong mỏi làm thế nào để khôi phục phát triển trở lại nghề gốm truyền thống của làng”, ông Diễn trăn trở.
Thế Trung