(Tổ Quốc) - Tham gia hoạt động chống Pháp, từng là cựu tù Hỏa Lò, rồi lại trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh bồi hồi xúc động chia sẻ với chúng tôi những ký ức không thể nào quên.
Hỏa Lò- trường học của người chiến sĩ cách mạng
Sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân ở Đông Anh, Hà Nội, giác ngộ và hoạt động cách mạng, anh thanh niên trẻ Nguyễn Đức Minh khi ấy hoạt động ở Công an quận 6 (Thanh Trì- Hà Nội ngày nay).
Được giao chuyên trách theo dõi tên Đặng Hữu Chí, Chủ tịch Hội đồng An dân Hà Nội (tương đương Chủ tịch UBND TP). Không chỉ điều tra nắm rõ nơi ăn ở, quy luật đường đi lại hàng ngày, phương tiện đi lại của Đặng Hữu Chí; số người, phương tiện bảo vệ của Chí để báo cáo về cho căn cứ, ông được cấp trên khen theo dõi rất tốt.
Ngày 19/5/1948, Nguyễn Đức Minh cùng công an Quận 6 tham gia rải truyền đơn và treo cờ đỏ sao vàng nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhận nhiệm vụ treo cờ ở chợ Đồng Xuân. Đêm 18 rạng ngày 19/5/1948, những lá cờ đỏ sao vàng bay trên Tháp Rùa, chợ Đồng Xuân là những lá cờ đầu tiên được cắm tại Hà Nội sau khi Trung đoàn Thủ đô rút đi.
Sau khi hoàn tất mọi việc, ra ngoại thành để về căn cứ (khi đang ngủ đêm tại Đền Lừ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thì ông bị địch bắt và đưa về nhà tù Hỏa Lò.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh |
Những ngày tháng trong lao tù Hỏa Lò cũng là những năm tháng không thể nào quên với ông Minh. Mấy năm ở tù là chừng ấy năm nằm dưới đất, ốm cũng nằm đất. Mỗi ngày 2 nắm cơm với đậu, ăn không được, lại bị kiết lị tưởng chết. May có đồng đội nghiền cơm với nước cho ăn. “Hai ca rau kỳ bốn ca dội- đây là câu mà chúng tôi vẫn nhớ mãi. Ba ngày được tắm 1 lần nhưng tắm bằng nước rửa rau. Nhưng cũng chỉ được hai ca tắm, sau đó đc 4 ca nước để dội. Anh em ai cũng ghẻ lở, hắc lào cả”- ông Minh nhớ lại.
Nhưng những điều đó không thấm gì với đòn tra tấn cả địch. 17-18 tuổi, đối diện với đòn roi của quân địch, một trong những động lực lớn nhất đối với người lính trẻ chính là sự rèn rũa của những thế hệ đàn anh. Tài liệu của bên ngoài gửi vào cổ vũ, động viên những người tù cách mạng.
Nhiều cái khổ, lúc đi qua nó cũng đánh, nằm đất, chấy rận, bệnh tật, ốm đau, cho đói. Đói 2 tháng lại cho 1 bữa 1 bữa thật no, sau lại để đói. Nó hành mình thế để mình chỉ nghĩ đến chuyện ốm đau, no đói, không nghĩ đến chuyện chống nó. Nhưng chỉ ban ngày thôi, ban đêm anh em chúng tôi lại chụm vào với nhau, nói chuyện, bàn bạc và thông tin từ bên ngoài vào để hun đúc ý chí chiến đấu, quyết tâm chiến đấu đến cùng, rút ra những kinh nghiệm gì, thấy được sơ hở gì của chúng để tìm cách trốn tù.
Một trong những điều thú vị trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Minh, đó là ngày 10/10 năm 1954, khi đang công tác ở bộ phận điều tra xét hỏi của Công an Hà Nội thì ông lại được phân về tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò.
“Tôi là người cựu tù duy nhất trong Nhà tù Hỏa Lò được về tiếp quản lại Nhà tù. Đêm hôm ấy, nằm ở phòng của thằng Giám thị cũ, nhìn xuống nhà tù, nhớ lại những ngày ở tù, nhớ lại anh em, phấn khởi với chiến thắng của quân và dân Thủ đô, nhưng cũng buồn, nhớ đến những người anh em đã mất ngay trong tù”- ông Minh bồi hồi.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh cựu tù duy nhất quay lại tiếp quản Nhà từ Hỏa Lò |
30/4/1975 ở Phan Thiết vỡ òa hạnh phúc
"Năm 1964, tôi đang công tác ở Cục Chính trị thì viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Khi có tên trong danh sách được lựa chọn vào chiến trường, tôi mừng lắm" - Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh hồi tưởng.
Nhớ lại những ngày ở chiến trường, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh cho biết, đó chính là những tháng ngày cực kì gian khổ nhưng anh em luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, sống và chiến đấu hết mình: "Thời ấy, sinh hoạt thiếu thốn, có thời gian tôi bị quáng gà, tối đến nhìn không rõ. Anh em nói mắt kém phải ăn thịt thú rừng thì mới tốt. Đúng thời điểm đó thì anh em bắt được một con trăn. Khi nấu nồi cháo thịt trăn, dù phải chia nồi cháo nhỏ cho 30 người nhưng anh em đã dành cho tôi miếng thịt và một mẩu da để ăn. Quả nhiên sau đấy, mắt tôi đã sáng lên hẳn. Đó là một kỷ niệm đẹp về tình đồng đội mà tôi không bao giờ quên…
Khoảng giữa năm 1969, tôi là Trưởng tiểu ban điệp báo của An ninh khu thì được cử xuống phối hợp với đội công tác ở ấp Bình Thạnh, huyện Tuy Phong do đồng chí Phong (bí danh là Bầu), huyện ủy viên làm đội trưởng. Chưa đầy nửa tháng tôi đã liên lạc được với cơ sở, báo cáo với cấp trên tình hình địch.
Đến năm 1971, tôi về nằm vùng ở một vườn trồng cau và chanh của người dân thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong để bắt liên lạc với một đầu mối. Đúng dịp đó, địch huy động nhiều xe tăng, bộ binh mở trận càn lớn, chà đi xát lại nhiều ngày. Chúng tôi chỉ được cơ sở báo tin trước khi địch càn quét trước hơn 1 giờ nên vội chui xuống hầm trú ẩn dưới bụi cây um tùm.
Không may, hầm của chúng tôi bị địch càn sập nắp, một đồng chí đã nhanh trí nằm ngược, cố sức đạp chân lên để ngăn nắp hầm không rơi xuống…
Khoảng 2h sáng, thấy bên ngoài im ắng, đoán địch đã ngủ, chúng tôi bới cát bò ra nằm ở một hòn đảo có một hốc khô rộng khoảng hơn 3m biển Bình Thạnh để lánh tạm. Nửa đêm thủy triều dâng, chúng tôi lùi dần lên nóc hốc, ba lô tư trang, quần áo giấu trong hang bị sóng biển đánh tan tác hết, trời sáng thì trên người chỉ còn mỗi bộ quần áo, tấm choàng dù, khẩu súng ngắn K54.
Địch càn nhiều ngày liền chưa rút thì một chiếc xe tăng M41 đi càn bị trúng mìn của đội công tác, đứt xích, chúng phải dùng trực thăng vận tải cẩu đi và chấm dứt 7 ngày càn quét… Sau khi địch rút, tôi kiên trì ở lại bám trụ, móc ráp với đầu mối. Bà con thấy tôi bị mất hết đồ đã may cho tôi quần áo, nuôi cơm tôi trong những ngày ở lại cơ sở…
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh bên đồng đội |
Trong muôn vàn những kỉ niệm chiến trường, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh vẫn luôn nhớ những tình cảm đồng đội, ơn sâu nghĩa nặng với đồng bào đã cưu mang, che chở. Ông bảo, đó là hai yếu tố làm nên sức mạnh của lực lượng quân đội và an ninh Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc ta trước thực dân và đế quốc lớn nhất thế giới.
Một kỉ niệm không thể phai mờ trong kí ức của vị tướng già, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh hào hứng kể lại: "Đó là thời điểm ngày 4/4/1975, nhận chỉ thị của Thường vụ Khu ủy, tôi đã dẫn tổ công tác của An ninh khu xuống vùng ven thị xã Phan Thiết, bàn bạc với An ninh Bình Thuận phân công chiếm lĩnh các mục tiêu khi đại quân của ta tiến vào.
Ngày 19/4, chúng tôi tham gia chiếm lĩnh Ty Cảnh sát, Ty Chiêu hồi. Sau đó, nghe người dân nói trên đường 8 có một Trung tâm thẩm vấn đặc biệt của địch nên tôi đã cùng một chiến sỹ an ninh vũ trang đi tìm cơ sở quan trọng này. Khi đến nơi, một cảnh tượng hỗn loạn diễn ra, người dân đã xông vào Trung tâm Thẩm vấn… Tôi đã yêu cầu bà con giúp đỡ, bảo vệ tài sản ở khu vực này và nhanh chóng đi vào trong. Đến ngôi nhà phía trong, chúng tôi may mắn phát hiện và bảo quản nguyên vẹn toàn bộ tài liệu, hồ sơ, trong đó có danh sách mạng lưới cơ sở của địch cài lại... Cả những hồ sơ nội gián, có những người là bí thư chi bộ của mình nhưng bị địch khống chế bắt làm cho nó. Thậm chí những tài liệu chi thêm tiền cho nội gián này cũng được phát hiện ra.
Từ tài liệu trên đã giúp ta nắm chắc được nhiều thông tin vô giá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn Bình Thuận sau ngày thống nhất đất nước."
Ngày hôm nay, đất nước đã thống nhất 42 năm, nhưng những câu chuyện về những năm tháng chiến đấu vì dân, vì nước chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của người cựu chiến binh 87 tuổi. Ông vẫn hào hứng tham gia các hoạt động giao lưu với thế hệ trẻ mỗi khi Ban quản lý Nhà tù Hỏa Lò tổ chức. Ông bảo, được góp phần cho thế hệ trẻ hiểu về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay bằng những câu chuyện của thế hệ cha ông, đó là ý nghĩa của ông trong những năm tháng cuối đời./.