• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặp vị bác sĩ là “ân nhân” của 219 công dân Việt Nam ở Guine Xích Đạo

Sức khỏe 13/02/2021 09:12

(Tổ Quốc) - Chia sẻ với Báo điện tử Tổ quốc, bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nói về những kỷ niệm đáng nhớ trong một năm “đồng hành” cùng các bệnh nhân COVID-19.

 

Gặp vị bác sĩ là “ân nhân” của 219 công dân Việt Nam ở Guine Xích Đạo - Ảnh 1.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng.

 Quen với việc vắng nhà vào dịp Tết

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đến thời điểm này cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, số bệnh nhân người nhập cảnh về Việt Nam bị lây nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch "trực chiến" của bệnh viện trong dịp Tết này?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Trước khi nói về kế hoạch năm nay tôi xin được kể lại câu chuyện trực tết của các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào năm ngoái. Đó là thời điểm trước khi về nghỉ Tết thì bên Vũ Hán (Trung Quốc) đã bắt đầu bùng phát dịch bệnh. Chúng tôi xác định, Tết Nguyên đán sắp đến, chắc chắn người dân Việt Nam đi học, đi làm từ Trung Quốc về nước rất nhiều. Ban Giám đốc BV và đội ngũ anh em bác sĩ đã xác định, Việt Nam sẽ có ca bệnh COVID-19. Do đó, chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Anh em khoa cấp cứu, nhất là lãnh đạo khoa xác định không được đi đâu xa, điện thoại phải luôn trong tình trạng liên lạc được. 

Mùng 5 tết, BV bắt đầu tiếp nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên. Kể từ lúc đó chúng tôi bắt đầu bước vào cuộc chiến. Buổi sáng nhận được ca dương tính, tôi cứ nghĩ chỉ đi làm chứ không nghĩ là ở lại BV suốt 3 tháng.

Tết năm nay, trải qua 1 năm chiến đấu cùng dịch bệnh, có thể nói rằng chúng tôi đã có kinh nghiệm khi điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân COVID-19. Đó không chỉ là thành công của BV mà chính là thành công chung của toàn xã hội trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Tôi tin rằng, Tết Nguyên đán năm nay người dân sẽ được đón một cái Tết trọn vẹn.

Về công tác chuẩn bị cho Tết năm nay, Ban lãnh đạo BV xác định không bao giờ chủ quan, luôn luôn sẵn sàng các kịch bản cho các tình huống xấu nhất xảy ra, nhất là khi BV đang điều trị các ca dương tính ở khu riêng. Chúng tôi đã bố trí nhân lực với các kịch bản sẵn sàng. Những y bác sĩ tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong năm nay trước khi trở về nhà phải thực hiện cách ly đúng 14 ngày và xét nghiệm âm tính 3 lần. Sau đó sẽ có nhóm khác vào thay thế.

BV cũng phân công lịch trực cho cả 2 cơ sở, sắp xếp trực lãnh đạo, bác sĩ trực, tầng, khoa phòng... với kịch bản mới nhất cho dịp Tết này. Ngoài kịch bản khoảng 10, 100 bệnh nhân mắc bệnh, BV cũng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Lúc đó, nếu nhân lực BV không đủ thì sẽ huy động các y bác sĩ của bệnh viện khác hỗ trợ. Trong trường hợp đó tất cả bệnh nhân đang điều trị tại đây sẽ chuyển toàn bộ sang BV khác.

Năm nay đặc biệt hơn, mọi năm chúng tôi sắp xếp để phù hợp với lịch trực nhưng năm nay tâm thế phải sẵn sàng để ứng cứu lúc BV xảy ra kịch bản xấu.

- Phản ứng của gia đình ông thế nào khi ông vắng nhà vào dịp Tết?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Năm ngoái, chúng tôi ở trong tâm thế sẵn sàng đón nhận tình huống chưa từng biết đến, chưa biết kẻ thù của mình như thế nào, chỉ biết qua phương tiện truyền thông, các bài báo của đồng nghiệp tại nước bạn Trung Quốc. Năm nay khác hơn đó là chúng tôi đã có kinh nghiệm trong xử trí, điều trị, đã biết tác nhân gây bệnh tương đối rõ ràng. Tôi nghĩ tết năm nay, mình đã chủ động, tự tin hơn. Cá nhân tôi và gia đình đã quen với việc vắng nhà vào dịp Tết. Chuyện vắng nhà 2, 3 tháng là bình thường.

- Bệnh viện đã có giải pháp nào để giảm tâm lý cho người bệnh khi phải nằm viện trong dịp tết?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Đây là vấn đề không phải bây giờ mới đặt ra. Hằng năm, BV đã phối hợp cùng nhiều đơn vị bên ngoài triển khai nhiều hoạt động như thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị trong dịp Tết. Không bao giờ có chuyện bệnh nhân về hết trong dịp Tết, năm nào cũng có những bệnh nhân nặng ở lại điều trị. Cho nên, chúng tôi xác định dành những món quà cho các bệnh nhân này chính là sự hỗ trợ về tinh thần để giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà trong dịp Tết, an tâm điều trị bệnh.

Năm nay, nếu có kế hoạch thăm hỏi, động viên bệnh nhân COVID-19 thì lãnh đạo BV sẽ phải mặc đồ phòng hộ cẩn thận hơn.

Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc bị lây nhiễm

-Nhớ lại năm vừa qua, có 2 y bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ người bệnh, cảm xúc của anh khi phải điều trị cho những người đồng nghiệp của mình?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Thời điểm đó, tâm lý của chúng tôi rất lo lắng. Thứ nhất bản thân đồng nghiệp ở Trung Quốc có những trường hợp còn trẻ, không bệnh lý nền nhưng đã tử vong. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ mặc quần áo phòng hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân chứ giữa bác sĩ với bác sĩ thì không. Ngay khi 2 đồng nghiệp bị lây nhiễm, lo sợ ảnh hưởng đến công tác điều trị nên chúng tôi đã siết chặt quy trình thăm khám, tiếp xúc. Những quy trình đó vẫn phát huy hiệu quả tích cực.

Tôi còn nhớ khá nhiều kỷ niệm về 2 đồng nghiệp. Đó là lúc mặc dù phải cách ly nhưng ngày 2 lần họ đều hỏi xem còn có ai bị lây nhiễm hay không? Thay vì lo cho sức khỏe của mình các bạn đã lo lắng lây cho người khác. Tình đồng đội khiến chúng tôi ai cũng cảm động.

- Ông có thể chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong điều trị ca bệnh COVID-19?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Chắc hắn đó là bệnh nhân số 17, trong bối cảnh cả nước đã ổn định thì bạn ấy lại bị lây nhiễm, đây cũng là ca bệnh bắt đầu làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại Việt Nam. Bạn ấy vào bệnh viện đúng ca trực của tôi. Rất may là ngay sau đó chúng tôi đã chỉ đạo đưa bạn ấy vào phòng áp lực âm. Lúc dó, bạn ấy có biểu hiện lâm sàng, đến ngày hôm sau cho kết quả dương tính. May được cách ly từ sớm, nên không bị lây nhiễm ra người khác trong BV.

Bạn BN 17 khi nhập viện thời điểm đó khiến mạng xã hội "dậy sóng" nên bị áp lực rất nhiều. Quá trình điều trị tôi thấy bạn ấy bị hoảng loạn về tâm lý nên đã nhắn tin cho bạn ấy khóa tài khoản mạng xã hội. Đã có lúc, vì lo ảnh hưởng đến kết quả điều trị tôi còn nghĩ đến việc thu điện thoại để cách ly bạn ấy với mạng xã hội.

Bác sĩ chúng tôi không nghĩ đến chuyện đúng sai của bạn ấy mà mục tiêu là phải điều trị tốt cho bệnh nhân. Sức khỏe và tính mạng bệnh nhân là quan trọng nhất. Thời điểm đó, chúng tôi xác định điều đầu tiên là ổn định tâm lý của bạn ấy. Với ca bệnh này thì vừa điều trị cả bệnh lẫn cả tâm lý. Quá trình điều trị không được nói chuyện mà chỉ nhắn tin cho bạn ấy. Chắc là phải sau khi rời viện rất lâu thì bạn ấy mới biết được mặt của tôi. Đó là kỷ niệm rất đáng nhớ của tôi.

- Về chuyến đi giải cứu công dân Việt Nam ở Guinea Xích đạo, chắc đây là một kỷ niệm khó quên của cuộc đời anh?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Đó là chuyến đi giàu cảm xúc không chỉ đối với cá nhân tôi mà là của cả đoàn. Từ khi nhận được nhiệm vụ làm Trưởng đoàn y tế đi đón công dân ở Guinea Xích đạo, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc bị lây nhiễm. Bởi trong đoàn công dân trở về nước lần này có hơn một nửa bị lây nhiễm và trong đó có nhiều ca phải nhập viện ở nước bạn. Nói không lo lắng cho bản thân là không đúng nhưng lo lắng nhất là việc có hoàn thành nhiệm vụ hay không?

Lúc đưa công dân trở về, trên máy bay áp suất lớn, nguy cơ một số bệnh nhân diễn biến nặng. Điều băn khoăn nhất của chúng tôi là khâu chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra vì đây là chuyến bay chưa có tiền lệ.

Chúng tôi đã phải tự mày mò về vật tư, trang thiết bị, máy móc, phương án cấp cứu bệnh nhân ở trên máy bay trong cả một buổi chiều. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, không để lây nhiễm từ người đã nhiễm sang những người chưa nhiễm. 

Chắc hẳn sau này khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn, khi nhớ lại những ngày tháng "chiến đấu" cùng đại dịch này, thì đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cá nhân tôi.  

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ