• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GDP Mỹ tăng mức kỷ lục 2,8%

Kinh tế 08/11/2013 09:49

(Toquoc)-Kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng GDP trong quý III cao nhất trong vòng một năm.

(Toquoc)-Kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng GDP trong quý III cao nhất trong vòng một năm.

Báo cáo công bố ngày 7/11 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng GDP trong quý III cao nhất trong vòng một năm: 2,8%. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 2,5% trong quý II và cao hơn nhiều so với mức tăng 1,8% trong quý I/2013. Chỉ số này cũng gây bất ngờ cho các chuyên gia, những người dự báo mức tăng quý III chỉ đạt 2,0%.

2,8% là mức tăng GDP nhanh nhất của Mỹ kể từ quý III/2012. Đầu tư của các doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng, được khích lệ bởi quyết định của Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) tiếp tục duy trì gói cứu trợ thứ ba (QE-3) và tỷ lệ lãi suất cơ bản thấp, tuy giảm chút ít nhưng vẫn là yếu tố đóng góp nhiều nhất thúc đẩy đã mở rộng của nền kinh tế Mỹ trong quý III vừa qua. Tuy số liệu về mức tiêu dùng thấp hơn dự báo. Tỷ số tăng trưởng quý III cũng không bao gồm các tác động trực tiếp của việc đóng cửa chính phủ.



Việc làm cũng như chỉ số tăng trưởng GDP Mỹ trong quý IV sẽ giảm do hậu quả của việc đóng cửa chính phủ tháng trước

Với cuộc tranh giành quyền lực đảng phái khiến một loạt chính sách đối nội bị bế tắc, với việc một bộ phận công sở chính phủ liên bang bị đóng cửa 16 ngày đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên dự báo tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý IV của năm 2013 này có thể sẽ bị ảnh hưởng. Mới đây, FED đã quyết định hạ mức dự báo tăng GDP của Mỹ năm 2013 từ 2,3% - 2,8% xuống 2,0 - 2,3%. Tốc độ tăng GDP của Mỹ trong năm tới thậm chí còn bị hạ nhiều hơn từ 3,0% - 3,5% xuống 2,9% - 3,1%.

Cuối tuần này sẽ biết được hệ quả của việc đóng cửa chính phủ khi con số thất nghiệp được công bố. Việc làm dự báo sẽ giảm xuống còn 110.000 trong tháng 10, so với mức bình quân là 120.000 và đỉnh cao là 200.000.

Dow Jones thiết lập đỉnh cao mọi thời đại mới

Chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch khá thành công trong phiên 6/11, với chỉ số chủ chốt Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới. Cổ phiếu có mức tăng “đỉnh” nhất trong Dow Jones là cổ phiếu của hãng Microsoft, với mức tăng 4,2% sau báo cáo cho biết hãng này đã chốt lại danh sách lựa chọn một số giám đốc điều hành và đang xem xét việc đưa giám đốc điều hành của Ford là Alan Mulally vào vị trí Tổng giám đốc điều hành Microsoft.

Một số cổ phiếu tăng vọt khác là cổ phiếu của đại gia ngành điện General Electric (+1,8%); UnitedHealth Group (+2,3%) và các "ông lớn" ngành dầu khí là Chevron (+2,3%) ExxonMobil (+1,3%). Cổ phiếu của hãng thời trang Ralph Lauren cũng tăng tới 4,3% sau khi ra báo cáo lợi nhuận tăng vượt dự báo.

Đóng cửa phiên 6/11, Dow Jones tăng 128,66 điểm (0,82%) lên 15.746,88 điểm - kỷ lục cao mới mọi thời đại, phá vỡ kỷ lục cũ được lập ngày 29/10 vừa qua.

Nhìn chung, Phố Uôn đã đi lên trong nửa đầu tuần do nhà đầu tư kỳ vọng vào cuộc họp về chính sách của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) thuộc FED, với hy vọng FED sẽ giữ nguyên chính sách mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD hàng tháng (QE3) do chưa thực sự "yên tâm" về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, sau khi FED công bố quyết định giữ nguyên chương trình QE3 thì thị trường lại chùng xuống trước những báo cáo lợi nhuận tốt xấu đan xen của các doanh nghiệp.

Giới phân tích cho rằng thị trường hiện đang cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức và các nhà đầu tư sẽ tiếp tục dõi theo các số liệu về kinh tế dưới “lăng kính” của những kế hoạch của FED về QE3. Những thông tin kinh tế nổi bật trong tuần tới là báo cáo về việc làm trong tháng Mười của Bộ Lao động Mỹ, cùng những dự báo ban đầu về tốc độ tăng trưởng GDP quý III. Chắc chắn là FED sẽ theo dõi chặt chẽ số liệu về việc làm và tăng trưởng GDP để có cơ sở quyết định số phận của gói QE3.

Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng phần lớn tăng điểm nhờ hy vọng vào việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất tại phiên họp định kỳ hàng tháng lần này. Phiên này, trên thị trường tiền tệ, đồng euro cũng phục hồi so với đồng USD do nhà đầu tư đón nhận thông tin tích cực từ nền kinh tế lớn nhất trong khu vực là Đức, với lượng đơn đặt hàng công nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, triển vọng về khă năng cắt giảm lãi suất của ECB sẽ khiến đồng euro yếu đi, qua đó thúc đẩy nhu cầu chi tiêu tiêu dùng trong nước, và đây là điều có lợi cho thị trường cổ phiếu.

Theo số liệu do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 31/10, tỷ lệ thất nghiệp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 đã lên đến 12,2% với gần 19,5 triệu người không có việc làm. Đây là con số kỷ lục do hậu quả của cuộc khủng hoảng kéo dài khiến cho nền kinh tế các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khăn.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á mở cửa phiên 7/11 phần lớn đang ở trong trạng thái "lình xình", bất chấp chứng khoán Mỹ đi lên mạnh mẽ ngay trong phiên liền trước. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite đang tạm để mất 0,27% do nhà đầu tư có tâm lý thận trọng trước thềm cuộc họp quan trọng sắp tới của Đảng Cộng sản (khai mạc vào ngày 9/11). Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng hầu như đi ngang khi nhà đầu tư tại đây đang có ý chờ đợi số liệu về tăng trưởng kinh tế của Mỹ, sẽ công bố vào cuối ngày hôm nay, để có định hướng đầu tư. Còn tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng không biến động nhiều, chỉ nhích nhẹ 0,13% khi thị trường đang tạm "xả hơi" sau những phiên giao dịch đầy biến động vừa qua, khi nhà đầu tư đón nhận một loạt kết quả kinh doanh tốt xấu đan xen của các doanh nghiệp niêm yết./.

Trần Mai Hạnh



NỔI BẬT TRANG CHỦ